Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm, trò chuyện với Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hường
Quê ở Phong Chương, Phong Điền, trong kháng chiến chống Pháp, mẹ Hiệp là cán bộ phụ nữ của xã và chồng mẹ, ông Nguyễn Văn Tiếp là trung đội trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1953, mẹ đau đớn được tin chồng hy sinh, khi ấy đứa con trai còn đỏ hỏn, mới 6 tháng tuổi.
Lớn lên trong gia đình cách mạng, Nguyễn Văn Tiến, con trai mẹ mới 10 tuổi đã làm giao liên, rồi tham gia du kích. Nhắc đến con, mẹ Hiệp tự hào: “Nhiều lần tổ chức muốn đưa Tiến ra Bắc học nhưng nó kiên quyết từ chối. Nó bảo, người ngoài Bắc vượt Trường Sơn vô đây đánh giặc, con là người miền Nam, vác được súng, đánh được giặc rồi, dù hy sinh cũng quyết bám chiến trường chứ không đi mô hết”.
Năm 1968, khi làm nhiệm vụ bảo vệ đoàn biểu tình đấu tranh, con trai mẹ Hiệp đã hy sinh, năm ấy anh mới 15 tuổi. Trước đó, người em trai duy nhất của mẹ cũng đã hy sinh.
Nhắc đến chuyện xưa, mẹ Hiệp rắn rỏi: “Lúc ấy, mẹ đau đớn đến cùng cực nhưng đất nước chưa thống nhất, mẹ nén đau thương, kiên cường đứng lên tiếp tục hoạt động. Hồi ấy, cả xã Phong Chương đều làm cách mạng, mẹ xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam lúc đất nước cần, sẵn sàng hy sinh tất cả!”
Mấy hôm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh, đơn vị phụng dưỡng mẹ Hiệp và nhiều cơ quan, đơn vị đều đến thăm hỏi, động viên. Mẹ bảo, mẹ vui và ấm áp vì được các thế hệ con cháu quan tâm.
Thấy bóng dáng cán bộ phường Xuân Phú ngoài cửa, mẹ Nguyễn Thị Hường (phường Xuân Phú) không khỏi vui mừng.
Cầm tay chị Nguyễn Thị Hồng Điệp, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phú, mẹ thân tình: “Mẹ đã vượt qua được trận ốm vừa rồi, mỗi bữa đã ăn được chén cháo”.
Năm nay đã 96 tuổi, lúc nhớ, lúc quên nhưng trong suốt buổi trò chuyện với chị Điệp, giọng mẹ Hường vẫn hào sảng về những ngày tham gia cách mạng, trong đó có trận đánh ở khách sạn Morin, hay lần mẹ tham gia gài mìn giật cầu Hôm ở Dạ Lê để ngăn cản quân giặc càn quét.
Quê ở Thủy Thanh, Hương Thủy, mẹ Nguyễn Thị Hường tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến, mẹ tham gia nhiều phong trào đấu tranh, là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, từng bị địch bắt, tra tấn dã man, đến giờ mảnh đạn vẫn còn trong cơ thể.
Chồng mẹ, liệt sĩ Chế Công Giai từng là trung đội trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã hy sinh anh dũng năm 1950. Một mình nuôi người con trai duy nhất, mẹ Hường vẫn luôn động viên con phát huy tinh thần yêu nước. Lớn lên, anh Chế Công Việt, con trai của mẹ lập được nhiều chiến công, là dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ hạ máy bay, dũng sĩ trừ gian diệt điệp. Anh đã hy sinh anh dũng năm 1967.
Cả phường Xuân Phú, duy nhất mẹ Hường là Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống nên chính quyền địa phương rất quan tâm. Chị Điệp cho biết: “Không chỉ những dịp lễ tết, chúng tôi vẫn thường xuyên đến động viên, trò chuyện với mẹ, đôi khi chỉ là tạt vào trên đường đi làm về. Nghe mẹ không khỏe là chúng tôi cắt cử thay phiên nhau đến thăm hỏi, để mẹ có thêm niềm vui”.
Bài, ảnh: NGUYỆT TÚ