ClockThứ Năm, 02/05/2024 17:19

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT 6 tháng cuối năm

Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9Giảm thuế GTGT - Mũi tên trúng nhiều đích

 Đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Tại Tờ trình số 177/TTr-CP gửi Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ báo cáo, đại dịch COVID-19 xảy ra đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, cùng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ đã làm cho nền kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành với tổng trị giá trị của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng và dự kiến đối.

Đáng chú ý, những giải pháp đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 khoảng 25 nghìn tỷ đồng; Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng; Giảm phí, lệ phí khoảng 100 tỷ đồng.

Theo Chính phủ, việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu với đại dịch COVID-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5%. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu...

Ở trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ cho rằng, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho năm 2024 như: Tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2%; gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.

Theo tính toán, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng; trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trong 3 tháng đầu năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế GTGT ở khâu nhập khẩu giảm vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến số thu giảm khoảng 23,488 nghìn tỷ đồng. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng.

Về hình thức thực hiện, Chính phủ kiến nghị đưa nội dung tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 tại Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV (tương tự như đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 6).

Tại cuộc họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB lưu ý: Dư địa chính sách tiền tệ, giảm lãi suất không còn nhiều. Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024. Do đó, thay vì chính sách tiền tệ, chuyên gia của ADB khuyến nghị, cần thêm các chính sách kích thích tăng trưởng, ví dụ như chính sách tài khóa. Các chuyên gia cũng khuyến nghị nên tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế GTGT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu.

Theo chinhphu.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề xuất phương án khắc phục kỹ thuật liên quan đến các chuyến tàu trật bánh qua địa bàn Phú Lộc

Chiều 12/9, lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thông tin: Hội đồng kỹ thuật của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa tiến hành phân tích, đánh giá kết luận; đồng thời đưa ra phương án khắc phục hai chuyến tàu bị trật bánh khi qua địa bàn Lăng Cô (Phú Lộc) mới đây.

Đề xuất phương án khắc phục kỹ thuật liên quan đến các chuyến tàu trật bánh qua địa bàn Phú Lộc
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Đề xuất bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân

Theo đại biểu Quốc hội, việc bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, đồng thời góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động công chứng, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn tổ chức công chứng.

Đề xuất bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân
Điểm chuẩn Đại học Huế năm 2024:
Khối ngành Sư phạm tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất

Tối 17/8, Hội đồng Tuyển sinh (HĐTS) Đại học Huế công bố điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) đợt 1 tuyển sinh vào đại học hệ chính quy năm 2024 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 (điểm thi).

Khối ngành Sư phạm tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất
Return to top