Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chỉ đạo tại hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3
Mệnh lệnh thần tốc
Những ngày cuối tháng 11, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng, đứng trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã thành lập, nâng cấp các khung cách ly tập trung thành khung tiếp nhận, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Những mệnh lệnh thần tốc được đưa ra, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được điều động thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất cho các bệnh viện dã chiến và khi những người lính làm nhiệm vụ “hậu cần” rời đi, thì đồng đội của họ, lại tiếp tục với nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.
Có mặt tại khung quản lý, tiếp nhận, điều trị người nhiễm virus SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại Công ty Hello Quốc tế Việt Nam và Công ty Tân Bảo Thành (T2.1-F0) khi trời đã chập choạng tối, những người lính vẫn luôn tay, luôn chân với nhiệm vụ, người thì vận chuyển giường, người thì vận chuyển dụng cụ, vật dụng cá nhân để kịp sắp xếp, tiếp nhận bệnh nhân nhanh nhất.
Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác chuẩn bị khu cách ly
Mới cưới vợ hai tháng, khi dịch bệnh phức tạp, Khung tiếp nhận F0 được trưng dụng trên địa bàn thị xã, chiến sĩ dân quân Phan Văn Lành (phường Hương Xuân, TX. Hương Trà) đã không ngần ngại xung phong phục vụ tại điểm Khung Tân Bảo Thành. “Công việc của em ở đây là đưa cơm, nước cho các bệnh nhân và dọn vệ sinh, phun khử khuẩn khu vực điều trị. Mặc dù biết là công việc hàng ngày phải tiếp xúc gần với các F0 sẽ đối diện với nhiều nguy cơ lây nhiễm, nhưng bản thân em không hề lo sợ, bởi mình biết được các F0, đối đầu với virus để cẩn thận, phòng tránh còn hơn là những con virus vẫn ẩn mình đâu đó ở ngoài kia. Em chỉ nghĩ đơn giản, khi còn dịch bệnh thì cuộc sống vẫn chưa thể yên bình, nên mình một thanh niên, mang trên mình màu áo chiến sĩ, thì sẵn sàng góp sức mình cùng chính quyền để đẩy lùi dịch bệnh”.
Từ khi dịch bùng phát đến nay, đã có hơn 40 ngàn công dân tham gia cách ly tập trung, hơn 3.000 bệnh nhân F0 được tiếp nhận cách ly, điều trị tại các khung do Bộ Chỉ huy Quân (CHQS) sự tỉnh quản lý. Hàng loạt khung cách ly được thiết lập, những khung điều trị F0 được hoàn tất trong một thời gian ngắn, để “chạy đua” với dịch bệnh.
Nhưng dù hoàn tất sau 24 giờ nhận lệnh, hay 1 tuần lễ thì các khu cách ly, điều trị vẫn luôn được đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu điều trị, cách ly của người dân. Những bữa cơm ngon, canh ngọt, những suất cháo đầy đủ dinh dưỡng được đưa đến tận tay người dân, bệnh nhân là sự nỗ lực, trách nhiệm của những người lính nơi tuyến đầu chống dịch.
Những người lính ấy, họ đã sẵn sàng nhường giường cho công dân cách ly, hay có không ít những cán bộ, chiến sĩ đi “T” gần 1 năm mới được trở về đơn vị. Những bữa cơm có thể khi đã sang chiều, kết thúc công việc khi bà con đã ngon giấc, hay thậm chí tăng tốc làm xuyên đêm cho kịp công việc, nhưng họ chưa bao giờ để người dân phải than phiền vì phải đợi cơm, đợi xếp chỗ cách ly, điều trị…
Có lệnh là lên đường
Đã hơn 8 tháng nay, Đại úy Đậu Bá Tuấn, Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3, Bộ CHQS tỉnh “ăn lán, ngủ rừng” cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (huyện A Lưới) khi anh được lệnh tăng cường tham gia nhiệm vụ kiểm soát dịch tuyến biên giới.
Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lụt
Không phải đối mặt với dịch bệnh như các đồng đội của mình ở các khung cách ly, điều trị, nhưng nhiệm vụ của anh cũng không ít khó nhọc. Bởi, giữa núi rừng bao la và không ít hiểm trở, các anh hàng ngày phải tuần tra, kiểm soát các đường mòn lối mở và vận động người dân chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch, các chủ trương chính sách, pháp luật Nhà nước. “Mặc dù đời sống khó khăn, khó tiếp cận được các thông tin, nhận thức có phần hạn chế, nhưng bà con ở đây rất hợp tác và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Hơn nữa, bà con cũng rất quý mến bộ đội. Được dân tin, dân quý, đó chính là động lực để chúng tôi nỗ lực mỗi ngày với nhiệm vụ được giao”, Đại úy Đậu Bá Tuấn chia sẻ.
Mặc dù không chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra như những năm trước, nhưng cứ mùa mưa bão đến, Ban CHQS huyện Phú Lộc vẫn luôn chuẩn bị sẵn phương tiện vật chất, con người để sẵn sàng giúp dân khi cần thiết.
Do ảnh hưởng của những cơn bão, nhiều tuyến đường ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc bị sạt lở, cây cối gãy đổ. Nhiều nhà dân thiếu kiên cố đứng trước nguy cơ bị tốc mái, hư hỏng. Để tránh thiệt hại cho người dân, Ban CHQS huyện đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ có mặt giúp dân gia cố, chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ đồng thời khắc phục các sự cố sạt lở.
Sự chủ động trong ứng phó, nắm chắc thông tin diễn biến thời tiết cũng như bám địa bàn của các cán bộ được phân công đã góp phần kịp thời giúp đỡ người dân chủ động trong phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Không những Ban CHQS huyện Phú Lộc, mà LLVT các địa phương trong thời gian qua đã làm tốt công tác giúp dân phòng, chống thiên tai.
“Chủ động lên phương án, xây dựng kế hoạch sát thực tế từng địa phương, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thuần thục các kỹ năng phòng, chống thiên tai. LLVT các địa phương phải nắm chắc các hộ dân, đối tượng yếu thế cần giúp đỡ để kịp thời có mặt giúp dân. Quân đội phải thực sự là chỗ dựa của dân trong thiên tai, hoạn nạn”, Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh khẳng định.
“Đa tài”, “đa năng” trong nhiệm vụ
Người lính thời bình không chỉ biết cầm súng, thuần thục trong huấn luyện với những bài võ thuật, kỹ thuật ném lựu đạn hay miệt mài với công việc chuyên môn mà những người lính thời bình cũng rất “đa tài”, khi không chỉ biết nhiều việc mà bất cứ nhận nhiệm vụ nào, đã nhận là phải hoàn thành tốt nhất có thể. Chính vì thế, khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người lính đã trở thành những “đầu bếp xịn” lúc nào không hay khi hàng ngày tham gia nấu ăn cho hàng ngàn người. Hay trở thành những người “thợ” đa năng khi giúp dân sửa chữa, giằng chống, lợp nhà…
Sự “đa năng”, nhanh chóng thích nghi, hòa nhập với công việc, với những nhiệm vụ đột xuất đó không phải là điều hiển nhiên, mà đó là kết quả của sự huấn luyện bền bỉ, sự rèn giũa nghiêm ngặt cùng kỷ luật thép trong môi trường quân đội.
Trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều trui rèn cho mình một sức khỏe tốt, một tinh thần thép, ý chí vững vàng, không nao núng, chùn bước trước bất cứ khó khăn, vất vả nào.
Đối với họ, hạnh phúc của những người lính thời bình là được chiến đấu, phục vụ vì sự an toàn của Tổ quốc, sự bình yên của Nhân dân. “Bất cứ nhiệm vụ nào, đối mặt với bao nhiêu hiểm nguy, chúng tôi vẫn bước tới, bởi những bước chân đó là đi về phía Nhân dân, những bước chân đó là tiến lên để mang lại sự bình yên cho Nhân dân. Những nhiệm vụ đó mặc dù thật gian khó, nhưng đó chính là sự tin tưởng mà Nhân dân giao phó. Trong những nhiệm vụ đặc biệt, những hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi cũng đã nhận được những tình cảm đặc biệt, những ghi nhận mà người dân dành cho chúng tôi, những người lính thời bình. Đó chính là động lực, là sức mạnh để chúng tôi tiếp bước truyền thống cha anh, bất cứ kẻ thù nào cũng đánh thắng, bất cứ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành…”, Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh khẳng định.
Bài: Thanh Thảo
Ảnh: Thanh Thảo - Ngọc Minh