Vá lưới là “nghề hậu trường” của Vinh Thanh, hỗ trợ hiệu quả đánh bắt, tăng thu nhập
Ông Phan Đức Anh, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh chia sẻ, dù rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền đã có những giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cán bộ và Nhân dân trên địa bàn đã đoàn kết, nỗ lực trong lao động sản xuất.
Trong đó, những mô hình, cách làm hay, có hiệu quả được nhân rộng. Điển hình, thực hiện mô hình “nuôi xen ghép cá dìa, tôm, cua”, hộ gia đình ông Nguyễn Công Tin đã mạnh dạn đầu tư nuôi 7 ao nuôi thủy sản cao triều ven đầm phá. Với mô hình nuôi này, người sản xuất đã tận dụng được lợi thế của các đối tượng nuôi. Môi trường nước ao nuôi trong sạch hơn nhờ cá ăn rong tảo và chất thải của tôm, cua giúp cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, cũng như nâng cao sản lượng và giá trị cho đối tượng nuôi chính là cá dìa. Dù lợi nhuận có thể không cao so với mô hình nuôi chuyên tôm trước đây, nhưng mang lại thu nhập ổn định cho hộ nuôi (không sợ mất trắng khi tôm dịch bệnh). Thu nhập của hộ gia đình ông Tin khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.
“Vinh Thanh đã nhân rộng phát triển mô hình nuôi trên toàn vùng nuôi tại địa bàn xã. Đến nay, đã có 49 hộ nuôi xen ghép tạo việc làm cho khoảng 100 lao động, với tổng diện tích được nuôi gần 43ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết việc làm ổn định cho người dân” - Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh nói. Với mô hình này, hiện nay UBND xã đang có kế hoạch chuyển đổi các diện tích nhiễm mặn gần phá Tam Giang vào nuôi trồng thủy sản, tạo thêm công ăn việc làm, để người dân cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Trong đánh bắt thủy sản, từ nghề lưới cá lạc hậu kém hiệu quả, gần 100% ngư dân đánh bắt xa bờ đầu tư ngư lưới cụ chuyển đổi sang phương thức đánh bắt mới, khai thác được rất nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao với sản lượng lớn, là một trong những thành công của Vinh Thanh.
“Mỗi chuyến đánh bắt tầm 10 ngày, nếu trúng thì thu được lãi ròng khoảng 300 triệu đồng. Thực hiện vai trò “hậu phương” vững chắc, những người ở nhà chuyên tâm với nghề vá lưới, kịp chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt tiếp theo, cũng là cách giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập. Kinh tế các hộ ngư dân ngày càng khấm khá vững mạnh, đồng thời cũng góp sức phát triển vững mạnh kinh tế địa phương” - ngư dân Đỗ Mãi, thôn 6, xã Vinh Thanh hồ hởi.
Ông Phan Đức Anh cho biết, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng mạnh dạn đầu tư kinh doanh, thực hiện theo mô hình doanh nghiệp tư nhân; trong năm qua đã kinh doanh hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho cộng đồng, xã hội. Điển hình như ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc doanh nghiệp Công Gia Nguyễn tại thôn 2 hoạt động trong lĩnh vực cây trồng, cây cảnh; doanh thu năm 2021 ước đạt hơn trên 5 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khác như doanh nghiệp tư nhân Trường Hà, chuyên kinh doanh lĩnh vực xây dựng; doanh nghiệp tư nhân Phú Cường kinh doanh gas, điện gia dụng; doanh nghiệp tư nhân Công Hùng kinh doanh các mặt hàng điện máy… Các doanh nghiệp nêu trên ngoài phát triển kinh tế đều tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều đóng góp đầu tư xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị xã Vinh Thanh.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh