Trò chuyện với gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà
Điểm tựa
Ngày cuối tuần, Đại úy Nguyễn Trung Hiếu, Phòng Tham mưu Kế hoạch; Đại úy Thái Bá Nam, Phòng Chính trị Đoàn KT-QP 92 cùng đồng đội và các bạn Lê Thị Thắm Hằng, Nguyễn Đình Ngọc - thuộc lực lượng tri thức trẻ tình nguyện - đến nhà chị A Viết Thị Sum ở xã A Đớt.
Ngôi nhà còn đơn sơ nhưng đã vững vàng với những bức tường được bộ đội sửa chữa, gia cố chắc chắn. Căn bếp cũng mới được dựng lại khang trang hẳn. Các anh còn giúp cải tạo đất quanh nhà làm mô hình vườn rau giàn, trồng các loại rau khác nhau…
Cách đây chừng 7 tháng, chồng chị Sum trong lúc đang thu hoạch lúa trên rẫy thì gặp tố lốc nên bị sét đánh chết. Lúc đó chị Sum mới sinh đứa con đầu lòng. “Tai ương mất mát ập đến bất ngờ và quá khủng khiếp khiến tôi suy sụp. Nhưng ngay lúc đó, các anh bộ đội lập tức có mặt, giúp đỡ cho mẹ con tôi từng li từng tí, làm người thân, điểm tựa để tôi vượt qua được nỗi đau”- chị Sum bộc bạch.
Đó là những ngày bộ đội Đoàn KT-QP 92 cùng lực lượng tri thức trẻ tình nguyện lo từng bữa ăn, hỗ trợ từng việc nhỏ nhất cho mẹ con chị Sum. “Đôi vợ chồng trẻ này mới cưới nhau, nhà ở đang rất tạm bợ, cuộc sống còn khó khăn. Chị Sum mới sinh con được 1 ngày thì mất chồng. Mất mát lớn lao đó người bình thường còn khó chịu đựng nổi, huống hồ là một sản phụ mới sinh con. Vậy nên suốt 3 tháng liền kể từ ngày chồng chị Sum gặp nạn, đơn vị chúng tôi đảm nhiệm hàng ngày mang từng phần cơm cho chị để đủ sữa cho con, hỗ trợ mọi điều thiết yếu cho cuộc sống của mẹ con chị”- Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn KT-QP 92 chia sẻ.
Thời gian dài tiếp theo, đơn vị tiếp tục giúp lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết. Đồng thời, nâng mái, lợp tôn mới, gia cố sửa chữa ngôi nhà. Bây giờ, cuộc sống của mẹ con chị Sum đã ổn định. Người phụ nữ trẻ vượt lên được nỗi đau để mưu sinh nuôi con, bởi “phía sau” những hoàn cảnh như chị đã có điểm tựa.
Giúp dân
Dốc sức giúp đỡ bất cứ lúc nào khi người dân gặp tai ương hoạn nạn, sửa chữa lại nhà dân bị hư hỏng sau mưa bão, lực lượng bộ đội Đoàn KT - QP 92 còn có nhiều chủ trương, mô hình để giúp các hộ nghèo ở A Lưới một cách “gốc rễ”.
5 năm thực hiện, mô hình 3 đảng viên kết nghĩa với 1 hộ gia đình; chi bộ kết nghĩa với hộ gia đình, tạo “cần câu” sinh kế cho người dân, đến nay đã giúp hơn 30 hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Mô hình này hiện tiếp tục phát triển có chiều sâu, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, với nhiệm vụ thực hiện dự án dân cư khu vực biên giới, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm đơn vị đã giúp từ 15 đến 20 hộ xây dựng nhà với số tiền hỗ trợ từ 35-45 triệu đồng/hộ.
“Trong số tiền hỗ trợ nêu trên, có gia đình yêu cầu cung cấp vật liệu. Chúng tôi cử cán bộ đến từng nhà, ghi chi tiết các loại vật liệu gia đình yêu cầu. Do địa bàn huyện A Lưới không có đủ các loại vật liệu xây dựng hoặc một số loại tuy có nhưng giá cả đắt hơn, nên đơn vị cử cán bộ về TP. Huế để mua và vận chuyển đến tận nhà dân. Số lượng xi măng, thép…mỗi nhà trị giá 30 triệu đồng, nếu về Huế mua sẽ tiết kiệm được 4-5 triệu đồng. Quá trình xây dựng, đơn vị còn cử lực lượng cán bộ giúp người dân ngày công”- Thiếu tá Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Chính trị nói.
Có được sự hỗ trợ tài chính từ dự án, sự dốc lòng tận tâm của lực lượng cán bộ Đoàn KT-QP 92, nhiều gia đình đã mạnh dạn vay mượn thêm tiền để xây dựng một ngôi nhà khang trang, vững chắc. “Có nhà để an cư nhưng cần phải trả nợ, nên những gia đình này phải cố gắng nỗ lực gấp đôi, gấp ba trong lao động sản xuất, tìm cách làm ăn kinh tế có hiệu quả. Điều đó đã kích thích người dân linh hoạt hơn, có ý chí vươn lên phát triển kinh tế bền vững hơn. Niềm vui của chúng tôi vì vậy cũng nhân lên nhiều lần vì đã làm tốt nhiệm vụ, tâm huyết của người lính - anh Bộ đội Cụ Hồ” - Đại tá Nguyễn Trọng Phương bày tỏ.
Đoàn KT-QP 92 còn giúp các trường mầm non A Đớt, Đông Sơn, Hương Lâm làm hàng rào, vòm che, sân trường với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh