|
|
Người đọc cần cảnh giác với thông tin từ một số trang web xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước
Ảnh minh họa: doanthanhnien.vn |
1. Thực tế hiện nay, nhiều thông tin được cho là “thâm cung bí sử”, “thông tin nội bộ”, “thông tin mật”… được phát ra nhưng không rõ từ nguồn nào và có phải sự thật hay không? Có người cho rằng, đó là của “người phát ngôn” trong nội bộ, hay có “nội gián” xâm nhập trong các cơ quan công quyền?
Hàng loạt câu hỏi hoài nghi đặt ra, nhưng phần đông đều cho đó là những thông tin chính xác, phù hợp với thực tế. Bởi lẽ, nhiều thông tin sau đó không lâu là sự kiện có thật trong đời sống chính trị của đất nước.
Gần đây, sau khi một số lãnh đạo cấp cao thôi giữ chức vụ thì đồn đoán ông này, ông khác sẽ được thay thế đều phần nào là có thật. Dĩ nhiên nhiều sự việc không đúng, xác suất không cao, nhưng người nghe dễ bỏ qua vì đã có nhiều tin đúng diễn ra. Từ đó làm tăng thêm “uy tín” của những “thông tấn vỉa hè”, “thông tấn truyền miệng”.
Trên trang mạng xã hội xuất phát từ hải ngoại liên tục tung ra nhiều tin, bài, bình luận về những sự kiện về chính trị, xã hội trong nước. Tin, bài được giật tít, hình ảnh giật gân đánh vào hiếu kỳ của người xem, nhìn vào đó nhiều người thiếu suy xét tò mò để đọc, tìm nguồn mới từ những đường link. Thực chất những thông tin thường là bịa đặt hoặc đưa ra với dụng ý xấu. Trong hàng loạt thông tin thì cũng có một số được lượm lặt, đoán mò được xem có vẻ đúng, nhưng thực chất chúng đã chủ ý tung “bừa” lên vô số tin được nhào nặn, giả định, gợi ý phản biện, rồi cấy ghép thêm tin giả, chi tiết xuyên tạc nhằm gây nhiễu.
Chẳng hạn như bầu bổ sung nhân sự trong nội bộ là công việc thường xuyên nên chúng bịa ra nhiều tin đồn khác nhau về người được bổ nhiệm, người bị hạ bệ, thậm chí cả người được chống lưng… thể nào cũng có một tin là đúng. Nhiều thông tin tung ra của những đối tượng xấu, của những “nhà dân chủ” lấy danh nghĩa “phản biện”, “đóng góp ý kiến” nhưng lấp liếm dưới dạng thật giả, đúng sai rất khó phân biệt.
Vì không có thông tin chính thống dẫn dắt dư luận nên nhiều người có tâm lý tò mò, tìm cách tiếp cận, tìm hiểu. Nhiều vấn đề, sự việc do thiếu thông tin là một nguyên nhân gây nên hiệu ứng tâm lý đám đông tò mò, nghe theo cực đoan, một chiều, vô tình mắc phải thủ đoạn của kẻ xấu.
2. Thông tin đúng - sai, thật - giả có giới hạn rất mong manh, thậm chí là dễ trà trộn, khó đối chứng, kiểm định. Có thông tin đúng lại bị nghi ngờ sai sự thật, nhưng ngược lại được cộng đồng tiếp nhận, bày tỏ sự đồng thuận, ủng hộ. Vấn đề là từ phía cơ quan có trách nhiệm phát ngôn, cơ quan truyền thông chưa làm hoặc làm không đầy đủ chức năng phát ngôn. Những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quốc kế, dân sinh, lợi ích cộng đồng, vấn đề lớn của xã hội… rất cần những phát ngôn chủ động, kịp thời, đúng lúc, minh bạch. Một khi có thông tin đúng, kịp thời, công khai rộng rãi thì sự hoài nghi sẽ được khắc chế, không để kéo dài phức tạp.
Thực tế cho thấy, việc phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống chưa được tiến hành kịp thời, thiếu chính xác, mâu thuẫn hoặc chưa đầy đủ, nắm bắt vấn đề chưa chắc chắn. Một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát ngôn sợ trách nhiệm nên chọn cách “im lặng là vàng”. Có nơi vì một vài sai phạm nội bộ nên cố tình che giấu, không cung cấp thông tin đến với công chúng, dư luận... Chính sự im lặng đã làm tăng thêm suy diễn trái chiều dẫn đến diễn biến quá đà, khó kiểm soát. Khi dư luận đã rộ lên, tâm lý xã hội bức xúc mới chạy theo tháo gỡ, giải quyết bình ổn dư luận theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”... thì đã quá muộn.
Chúng ta đã có quy định về người phát ngôn trong các cơ quan công vụ nên phải có tính chuyên nghiệp, ứng xử kịp thời trước các vấn đề có liên quan. Đó cũng là giải pháp chủ động định hướng dư luận, đập lại luận điệu của các loại đối tượng xấu. Cần đổi mới trong định hướng thông tin và phát huy vai trò truyền thông báo chí với tư cách là một kênh quan trọng tham gia vào việc cung cấp, định hướng, lan tỏa thông tin tích cực sâu rộng trong xã hội...