Ký ức về những năm tháng bị tù đày cùng những trận đòn roi dã man của kẻ thù vẫn in hằn trong tâm trí cựu tù Trần Gắng (sinh năm 1950, TP. Huế, 73 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng).
|
|
Cựu tù Trần Gắng ôn lại kỷ niệm những ngày bị tù đày |
Những năm tháng không quên
Năm 1966, chàng thanh niên yêu nước tham gia hoạt động cách mạng từ khi chưa đầy 17 tuổi. Sau quãng thời gian lên rừng hoạt động, tham gia Đại đội võ trang huyện Quảng Điền (C114), năm 1968, ông được kết nạp Đảng. Khi đang là Trung đội trưởng của C114, tháng 10/1968, ông bị địch bắt giam ở lao Thừa Phủ, sau đó chuyển vào trại giam tù binh Non Nước (Đà Nẵng) và tháng 12/1968 chuyển ra Phú Quốc.
Bồi hồi xúc động nhớ về 4 năm 6 tháng tù đày, ông Trần Gắng kể lại: “Một tuần sau khi bị bắt, tôi và hơn 30 anh em bị bọn địch đưa ra xe GMC chở vào trại giam tù binh Non Nước. Khi xe chạy qua các đường phố, dù bị bọn lính đánh đập, nhưng chúng tôi vẫn tạm biệt Huế, bằng cách hát vang những bài ca hùng tráng, những bài ca không thể nào quên trên các đường chính của Huế và tin tưởng tuyệt đối vào ngày toàn thắng của cách mạng”.
Kể tiếp về những ngày tháng ở nhà tù Phú Quốc, ông nhớ lại: Năm 1970, bọn quân cảnh ở trại giam Phú Quốc bắt đầu thanh trừng nội bộ giữa những người tù binh cộng sản. Chúng tổ chức khu “Tân sinh hoạt”, với mưu đồ phân biệt, chia rẽ, bôi nhọ những người tù cộng sản chân chính với những tên cơ hội đầu hàng địch.
Ai ở khu “Tân sinh hoạt” sẽ được đối xử tử tế và đi lại tự do. Nếu ai không qua khu “Tân sinh hoạt” sẽ bắt đi lao động khổ sai, cho nhịn đói, và đánh đập dã man. Lúc đó, ở phân khu C6, bọn địch đã bắt toàn bộ đảng ủy viên. Đồng chí Phan Miên, Bí thư Đảng ủy phân khu C6 bị biệt giam. Chúng đánh đập đàn áp, bắt những ai không chịu ở khu “Tân sinh hoạt” qua ở phân khu D6. Tôi cùng nhiều đồng chí cùng bị chúng bắt qua D6.
Là một Phó Bí thư Đoàn ủy, tôi cùng các đảng viên là cán bộ đoàn còn lại động viên nhau, củng cố tổ chức, vận động anh em cố gắng giữ lập trường, quyết không đầu hàng địch.
Vào một buổi sáng như mọi ngày, chúng tập hợp toàn trại ở giữa sân, hù dọa, đánh đập, dụ dỗ, xúc phạm cách mạng. Không chịu nổi, tôi đã đứng dậy phản đối, vừa đứng dậy phát biểu đã bị bọn quân cảnh bắt. Chúng đánh đập, tra tấn và giam tôi vào chuồng cọp ở trong phân khu.
Hàng ngày, 2 lần sáng - chiều, chúng bắt tôi ra trước cửa trại giam đánh đập, tra tấn và bắt khai những ai xúi giục tôi phản đối chúng. Ở chuồng cọp, chúng giam đói, nhưng anh em trong trại vẫn tìm đủ mọi cách bới cơm nước cho tôi hàng ngày. Khi chúng phát hiện, chúng bắt tôi khai những người mang cơm, vì không khai nên chúng đánh tôi đến ngất xỉu và phải đưa đi cấp cứu ở trạm xá. Sau đó, chúng đày tôi ra biệt giam khu 6. Đó chỉ một trong số hàng trăm, hàng ngàn trận đòn roi mà những người tù binh phải gánh chịu.
Đoàn kết tạo nên sức mạnh
Trong tù, ông Trần Gắng cũng như nhiều đồng chí, đồng đội khác phải trải qua đủ loại cực hình như biệt giam, nhốt chuồng cọp vô cùng khắc nghiệt. Địch cứ liên tục đánh đập đủ các loại tra tấn dã man. Nhưng tinh thần bất khuất của mỗi tù binh cũng chính là động lực to lớn để tất cả họ vượt qua giai đoạn tù đày khắc nghiệt tại nhà tù Phú Quốc, trui rèn ý chí cách mạng cho họ đến ngày thắng lợi, thống nhất đất nước.
Cuối năm 1971, đầu năm 1972, bọn cai tù đảo Phú Quốc sắp xếp lại các khu giam tù binh theo từng khu khác biệt để dễ quản lý. Phân khu A10, C10, D10 và B10 là một trong những phân khu mà chúng sắp xếp vào loại chống đối của đợt thanh trừng đó. Sau khi ổn định, Đảng ủy phân khu B10 được thành lập trên cơ sở các chi bộ của các địa phương, ông Trần Gắng được phân công làm Trung đội trưởng Trung đội Xung kích.
Bọn quân cảnh quản lý trại liên tục gây hấn, lấy cắp bưu phẩm của anh em Nam bộ do gia đình gửi ra và đánh đập bắt giam một số đồng chí trực tiếp đấu tranh với chúng.
Trước tình hình đó, Đảng ủy chủ trương tiếp tục đấu tranh đòi bọn quân cảnh thôi không lấy cắp bưu phẩm và trả các anh em tù binh mà chúng vừa bắt nếu không toàn phân khu sẽ “đấu tranh tuyệt thực”, đòi gặp Bộ Chỉ huy Quân cảnh Trại giam Phú Quốc để vạch mặt bọn quân cảnh quản lý phân khu B10.
Cuộc tuyệt thực của tù binh phân khu B10 bắt đầu diễn ra sau một tuần đấu tranh. Đảng ủy chủ trương, đến ngày thứ bảy, nếu chúng vẫn chưa giải quyết yêu sách thì sẽ tiến hành bạo động, bắt sống một vài tên quân cảnh.
Khi một tiểu đội quân cảnh đi kiểm tra, lục soát và đàn áp anh em, lợi dụng thời cơ đó, Đảng ủy phát lệnh báo động, toàn trại hô vang quân cảnh đàn áp, đánh đập tù binh.
Tất cả các lực lượng xung kích nhanh chóng triển khai theo phương án đã phân công. Trung đội xung kích Trị Thiên khẩn trương tiếp cận và chặn ngay cổng chính, bọn quân cảnh hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn, Trung đội Xung kích Trị Thiên đã kịp thời bắt sống được một tên quân cảnh.
Sau hai giờ thương thuyết, chúng chấp nhận toàn bộ yêu sách của tù binh phân khu B10 đưa ra. Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi, phân khu B10 trở lại sinh hoạt bình thường. Khi đó, tinh thần anh em càng trở nên phấn khởi và lạc quan hơn bao giờ hết và củng cố thêm niềm tin vào ngày chiến thắng.
Tháng 3/1973, cựu tù Trần Gắng và đồng đội được trao trả tù binh tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị).
Sau khi chiến thắng trở về, ông được đưa ra an dưỡng tại đoàn an dưỡng 157, Quân khu Tả Ngạn. Đến tháng 4/1974, ông trở lại chiến trường Thừa Thiên Huế, với nhiệm vụ Đội trưởng đội Biệt động Quảng Điền và tiếp tục cầm súng chiến đấu.
9/3/1975, ông chỉ huy Đội Biệt động huyện Quảng Điền tấn công về xã Quảng Đại và tổ chức đánh địch chiếm giữ làng Phú Lương, Phước Thanh (xã Quảng Đại). Tại đây, đơn vị ông đã đánh lùi 6 đợt phản công của địch. 14h chiều, ông chỉ huy lực lượng rút lui về làng Phú Lương cùng với K10 tổ chức phòng ngự phản công đánh địch.
Sáng 23/3/1975, quân địch từ Quảng Trị tháo chạy vào đến xã Phong Hiền, ông chỉ huy toàn đơn vị nổ súng đánh đuổi quân địch. Thừa thắng, ông chỉ huy toàn đơn vị cùng với các đội công tác chính trị tiến về giải phóng hoàn toàn huyện Quảng Điền.
(Ghi theo lời kể của cựu tù Trần Gắng)