ClockThứ Sáu, 29/09/2017 05:31

Doanh nghiệp "xa" trường nghề

TTH - Doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề hợp tác còn rời rạc dẫn đến cung - cầu của thị trường lao động không gặp nhau. Trường nghề tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, doanh nghiệp chật vật tìm lao động kỹ thuật cao, còn lao động thì thất nghiệp.

Sinh viên Trường cao đẳng công nghiệp Huế thực tập ở các doanh nghiệp

Khan hiếm nguồn lao động chất lượng

Thừa Thiên Huế có gần 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi năm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 20.000 lao động ở các cấp trình độ khác nhau nhằm thay thế cho những lao động đến tuổi nghỉ hưu, biến động lao động, mở rộng quy mô sản xuất… Doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng lao động có tay nghề cũng như kỹ năng nghề phù hợp. Chất lượng nguồn lao động đã qua đào tạo hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng thiết bị công nghệ cao, công nghệ mới. Một số trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề mới được nâng cấp nên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, thực hành còn hạn chế, đội ngũ giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế nên, thời gian học các môn không cần thiết, không liên quan đến nghề nghiệp lại nhiều. Còn các môn chuyên ngành thì chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”.

Nguồn lao động khi tuyển mới về từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp doanh nghiệp phải đào tạo lại rồi mới làm việc được. Lao động có trình độ cử nhân, cao đẳng, trung cấp rất ít, chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số công nhân; 52% lao động phổ thông và chỉ có gần 7% lao động có tay nghề cao. Nghịch lý ở chỗ, toàn tỉnh có hơn 600.000 người trong độ tuổi lao động và gần 18.000 người bước vào tuổi lao động mỗi năm, nhưng số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn chỉ khoảng 15.000 - 17.000 người/năm.

Ông Michal Zitek, Tổng Giám đốc vùng 2 thuộc Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô (Phú Lộc) cho rằng: “Nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng việc mở rộng kinh doanh của công ty rất lớn, tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân viên có trình độ phù hợp để làm các công việc tại Laguna Lăng Cô là một thách thức, đặc biệt là thiếu lao động có kỹ năng phục vụ và thông thạo ngoại ngữ. Lao động ở Thừa Thiên Huế muốn đi làm ngay để có thu nhập, chúng tôi không có nhiều lựa chọn nên đành phải tuyển dụng, để rồi, phải đào tạo lại. Trong tình thế khan hiếm nguồn lao động chất lượng cao, công ty còn phải đối mặt với tình trạng “săn trộm” nhân viên giữa các khách sạn nhằm sở hữu những lao động có trình độ”.

Trường nghề và doanh nghiệp chưa gặp nhau

Đại diện một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp băn khoăn, làm sao để nâng cao chất lượng học viên khi đa phần đầu vào của các em rất thấp; trong khi, doanh nghiệp luôn muốn nguồn lao động chất lượng cao. Thế nên, rất nhiều ngành mà thị trường lao động đang cần, doanh nghiệp lại không đào tạo được. Các trường dạy theo khả năng “cung” chứ chưa chú trọng đến “cầu”. Trong khi đó, doanh nghiệp chưa có thói quen chuẩn bị nguồn nhân lực và chủ động đặt vấn đề hợp tác với các cơ sở đào tạo.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và đầu tư Thừa Thiên Huế, cho biết: "Doanh nghiệp luôn trong tình trạng “đói” lao động, còn trường nghề cũng “đói” học viên. Chúng tôi trang bị máy móc, thiết bị đầy đủ cho Trường cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế mở lớp dạy nghề may kimono. Trong vòng 1 tháng, số học viên chúng tôi tuyển được chỉ có 6 người”.

Lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và cơ sở dạy nghề chưa gặp nhau dẫn đến các trường nghề khó tuyển sinh. Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp thường có tính ỷ lại, “ăn sẵn” công tác đào tạo nghề của xã hội, chứ chính họ không đầu tư, không liên kết để đào tạo nghề. Do đó, chính doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm để có được đội ngũ lao động phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng, sinh viên hiện nay chưa chủ động trong định hướng nghề nghiệp và việc làm cho mình, hoặc không đánh giá được đúng thực tế thị trường lao động. Các em được đào tạo bài bản, có năng lực, kỹ năng nhưng thiếu một thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy tích cực, tác phong làm việc và kỹ năng giải quyết vấn đề. Không ít em cảm thấy thất vọng, vỡ mộng với mức lương, chế độ chưa như ý muốn. Để tiến xa hơn vào các thị trường chất lượng cao, với thu nhập tốt, sinh viên cần năng động hơn, rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao khả năng ngoại ngữ.

Ông Trần Nam Lực, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế nói: "Nhà nước cần đầu tư một cách đồng bộ và có chiều sâu vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chứ không nên đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa doanh nghiệp với trường nghề cần phải mạnh hơn nữa. Khi học viên học nghề chuẩn bị ra trường, doanh nghiệp cần cho họ đến thực tập trực tiếp tại đơn vị, làm quen công việc ngay từ đó. Có như vậy, người lao động sau khi đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp".

Yêu cầu cấp bách là phải thiết lập giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong quá trình xác định nhu cầu đào tạo. Đây cũng là cách để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hiện có trên địa bàn để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là, cạnh tranh về việc làm trong cộng đồng kinh tế ASEAN khi nhiều nghề được tự do di chuyển.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top