Thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên tuyến đường dốc Ba Trục
Một thời hào hùng
Từ trung tâm TP. Huế theo Quốc lộ 1A ra hướng Bắc 20km, qua cầu An Lỗ rẽ trái vào Tỉnh lộ 11B, đi khoảng 15km đến cổng chào thôn Tân Lập, rẽ trái vào con đường liên thôn 2km, đến thôn Bình An (xã Phong Xuân) là tới di tích lịch sử địa điểm dốc Ba Trục.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tuyến đường dốc Ba Trục thuộc địa bàn xã Phong Thái (gồm 3 xã Phong Sơn, Phong An và Phong Xuân ngày nay). Đây là con đường mòn dân sinh, bộ đội ta thường xuyên hành quân đi qua để vào Trạm xá Bắc và chiến khu Hòa Mỹ.
Ông Tạ Quang Ấn ở thôn Hiền An 2, xã Phong Xuân tham gia du kích xã từ năm 16 tuổi. Năm 1967, khi 19 tuổi, ông tham gia lực lượng vũ trang huyện Phong Điền. Là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, ông đã chứng kiến, tham gia những trận chiến ở dốc Ba Trục.
Ông Ấn kể, khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1966, khi phát hiện ra tuyến đường dốc Ba Trục là con đường hoạt động của các lực lượng cách mạng, địch đã huy động pháo từ đồn Đất Đỏ, đồn Vũng Bồng bắn lên tuyến đường này và máy bay của địch thường xuyên oanh tạc dốc Ba Trục để ngăn đường hành quân của quân ta.
Trận chiến mà ông Ấn nhớ nhất là vào khoảng cuối năm 1968, quân ta gài lựu đạn trên tuyến đường dốc Ba Trục để ngăn chặn biệt kích địch (đội hình khoảng 15 tên). Khoảng 15 phút sau, Mỹ, ngụy cho máy bay oanh tạc và rà sát đọt cây nhằm phát hiện lực lượng ta.
Lúc đó, ông cùng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Lai và 15 cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân tại đây bị địch phát hiện. Dưới sự chỉ huy của ông Lai, các cán bộ, chiến sĩ dùng súng AK bắn rơi 1 chiếc trực thăng "cán gáo" tại cống Cừa, khiến địch hoảng sợ rút lui, quân ta được bảo toàn.
Theo các nhân chứng, dốc Ba Trục là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch, nhất là từ năm 1965-1968, thời kỳ ta quyết tâm phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn và đồng bằng.
Tại địa điểm này, các đoàn dân công, bộ đội thường xuyên vận tải lương thực, thực phẩm từ đồng bằng lên căn cứ cách mạng. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Khu ủy và các đồng chí trong liên tỉnh Trị Thiên, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên thường xuyên lên về đồng bằng để chỉ đạo phong trào phá ấp chiến lược, đánh địch đi càn. Là địa điểm đóng quân của nhiều cơ quan đơn vị, lượng người đi lên về tại dốc Ba Trục rất lớn.
Tuyến đường dốc Ba Trục còn là cửa ngõ ra vào căn cứ địa cách mạng của các trung đoàn chủ lực (Trung đoàn 4, Trung đoàn 95, Trung đoàn 101, Trung đoàn 6 và Sư đoàn 324...). Đây cũng là con đường giao thông huyết mạch, là điểm dừng chân của các đơn vị từ Trung ương mỗi khi đi công tác Bắc - Nam.
Dốc Ba Trục được ví như một đài quan sát lớn, từ đây chúng ta có thể quan sát các xã Phong Sơn, Phong An, Phong Mỹ, Quốc lộ 1A và một phần của huyện Hải Lăng - Quảng Trị.
Nắm được quy luật này, địch đã huy động máy bay các loại, pháo tọa độ ở các căn cứ: Tứ Hạ, Vũng Bòng và cả Hạm đội ngoài biển đánh phá liên tục làm cho ta tổn thất về người và của rất lớn. Địch còn huy động Sư đoàn I Kỵ binh bay ra đóng chốt ở đồn Vũng Bồng để chặn con đường tiếp tế lương thực, thực phẩm của quân và dân ta.
Số lượng cán bộ, bộ đội, dân công hy sinh dọc hai bên tuyến đường dốc Ba Trục lên đến hàng trăm người...
Phát huy giá trị di tích
Ngày 5/6/2014, UBND huyện Phong Điền phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức tọa đàm khoa học địa điểm dốc Ba Trục với sự tham gia của các nhân chứng lịch sử là những người từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mảnh đất thuộc vùng rừng núi huyện Phong Điền. Qua đó, xác định giá trị khoa học lịch sử, làm cơ sở cho việc lập hồ sơ di tích lịch sử địa điểm dốc Ba Trục để bảo vệ và phát huy giá trị di tích sau này. Nhiều nhân chứng sống đã kể về những trận đánh oanh liệt một thời, kể cả những hy sinh, mất mát của bộ đội, dân quân, du kích trên tuyến đường này. Qua đó, các nhân chứng đều thống nhất lấy điểm cao 673 (đồi Chóp Bàng) làm nơi xây dựng bia tưởng niệm để tưởng nhớ các anh hùng đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến.
Ngày 26/2/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 412/QĐ-UBND về xếp hạng di tích địa điểm dốc Ba Trục là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Lãnh đạo UBND xã Phong Xuân cho biết, năm 2017, từ kinh phí 850 triệu đồng (huyện hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại xã hội hóa), xã Phong Xuân đã triển khai xây dựng nhà bia tưởng niệm nằm dưới điểm cao 673. Nhà bia tưởng niệm cao hơn 200m so với mực nước biển, có 189 bậc thang, 5 trạm nghỉ chân.
Cùng với chiến khu Hòa Mỹ, Khu nghỉ dưỡng Suối khoáng nóng Allba Thanh Tân, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Phong Sơn và di tích lịch sử địa điểm dốc Ba Trục là tổ hợp các di tích thành tour du lịch sinh thái kết hợp du lịch về lại chiến trường xưa.
Bài, ảnh: Hải Huế