ClockThứ Năm, 06/07/2017 08:54

Đọc lại lời kêu gọi kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn

TTH - Đã 57 năm trôi qua, nhiều người có mặt trong Lễ kết nghĩa giữa ba thành phố: Hà Nội, Huế, Sài Gòn tại Câu lạc bộ Ba Đình vào tối 8/10/1960 giờ cũng đã thành người thiên cổ, nhưng tôi dám chắc một điều là lòng dân của ba thành phố này thì chưa bao giờ thay đổi: vẫn một lòng, một dạ thủy chung, chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau... Nhân sự kiện Báo Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Lễ kết nghĩa giữa ba tờ báo của Đảng bộ: Hà Nội Mới, Thừa Thiên Huế và Sài Gòn Giải Phóng, chúng tôi xin giới thiệu lại một số bài viết từ Lễ kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn năm xưa ấy.

Chiều 5/10/1960, Ban Vận động kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã họp phiên toàn thể lần thứ hai để kiểm điểm công tác đã tiến hành từ phiên họp trước và bàn kế hoạch cụ thể phải làm từ nay để chuẩn bị tốt cho ngày kết nghĩa sắp tới (1).

Mở đầu cuộc họp, bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, Trưởng ban Vận động kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã giới thiệu và đề nghị mời thêm một số vị tham gia vào Ban vận động gồm: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; các đồng chí: Nguyễn Thọ Chân, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Hà Huy Giáp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục; Nguyễn Thị Lựu, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Lưu, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trang Dung, Phó Chủ nhiệm Hội Hoa Liên, Hà Nội; giáo sư Phạm Huy Thông, Giám đốc Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Trần Thanh Tửu (tức Sáu Đen), Trưởng phòng kiểm tra kỹ thuật Nhà máy đèn Hà Nội; bác sĩ Lê Đình Thám, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Vũ Quốc Lộc, đại biểu ngành giáo dục Hà Nội; Hiển Nhân, Chủ nhiệm báo Thời Mới; Thanh Tịnh, nhà văn; Nguyễn Văn Tùng, cán bộ Tuyên huấn Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam; Võ Thị Thể, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đồng Khánh, Huế; Sỹ Tiến, Chủ tịch Liên đoàn Ca kịch Thủ đô.

Toàn thể hội nghị đã nhiệt liệt hoan nghênh các vị mới tham gia vào Ban Vận động kết nghĩa.

Thay mặt Ban Vận động, đồng chí Lê Duy Văn báo cáo về những công tác đã tiến hành, đặc biệt nhấn mạnh đến sự hưởng ứng mong mỏi thiết tha của nhân dân Thủ đô đối với việc Hà Nội kết nghĩa với các thành phố Sài Gòn và Huế ruột thịt, cụ thể như đã có nhiều xí nghiệp và hợp tác xã chuẩn bị đặt quan hệ với các cơ sở có liên quan ở Sài Gòn và Huế…

Sau khi đồng chí Lê Duy Văn trình bày tiếp kế hoạch chuẩn bị cho ngày chính thức làm lễ kế nghĩa Hà Nội, Huế và Sài Gòn vào ngày 8 tháng 10 sắp tới và những công tác cụ thể khác như tổ chức ngày liên hoan kết nghĩa, ngày thể thao kết nghĩa…, đồng thời thảo luận cách làm việc sinh hoạt của Ban Vận động kết nghĩa, hội nghị đã bổ sung nhiều ý kiến và thông qua kế hoạch này.

Cuối cùng, hội nghị đã ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào Thủ đô hãy mang hết tình ruột thịt Bắc – Nam và ý chí quyết đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia vào mọi phong trào kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Lời kêu gọi kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn (Trích):

Thưa toàn thể đồng bào Thủ đô thân mến(2),

Thể theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội với các đồng chí đại diện Nhân dân Sài Gòn, Huế đã quyết định kết nghĩa giữa ba thành phố và Ban Vận động kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã được thành lập. Quyết định này lại một lần nữa nói lên ý chí sắt đá thống nhất Tổ quốc của Nhân dân ta.

...

Từ trước tới nay, Nhân dân ba thành phố luôn luôn ra sức củng cố mối tình ruột thịt anh em, ra sức đoàn kết đấu tranh vì quyền lợi chung của dân tộc. Chính vì vậy mà ngày nay Hà Nội, Huế, Sài Gòn chúng ta kết nghĩa với nhau. Hai thành phố lớn nhất ở miền Nam Việt Nam kết nghĩa với Thủ đô Hà Nội thật xứng đáng tiêu biểu cho sự đoàn kết thân ái giữa hai miền Bắc – Nam. Việc kết nghĩa này có một ý nghĩa chính trị sâu sắc. Đồng bào Sài Gòn, Huế vốn sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng, với tình kết nghĩa anh em Hà Nội, Huế, Sài Gòn nhất định sẽ đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh nhằm đánh bại bọn Mỹ - Diệm cho Bắc - Nam sớm tới ngày thống nhất, cho Hà Nội, Huế, Sài Gòn sớm tới ngày sum họp một nhà. ...

Hà Nội, ngày 5 tháng 10 năm 1960.

Ban Vận động kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Khát vọng hòa bình và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã trở thành hiện thực vào trưa ngày 30/4/1975. Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã về chung một nhà; thành phố Sài Gòn chính thức mang tên Hồ Chí Minh như mong muốn của người dân Thủ đô và đồng bào cả nước.

Tối 8/10/1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình, Lễ kết nghĩa giữa ba thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn được tổ chức trong một bầu không khí đầm ấm và trọng thể. Dự lễ, có hơn 1.000 đại biểu của Nhân dân Thủ đô Hà Nội và của hai Hội đồng hương Sài Gòn và Huế.

Bác sĩ Trần Duy Hưng, thay mặt Nhân dân Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hộ, thay mặt Nhân dân Sài Gòn; đồng chí Hoàng Phương Thảo, thay mặt Nhân dân Huế, đã nói lên mối tình keo sơn giữa ba thành phố anh em. Các vị đại biểu của ba thành phố tin chắc rằng mối tình kết nghĩa anh em giữa ba thành phố sẽ động viên Nhân dân Hà Nội nỗ lực xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, và cổ vũ Nhân dân Sài Gòn, Huế, và toàn miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.Các vị đại biểu của ba thành phố đã trao tặng phẩm cho nhau giữa sự hoan hô nồng nhiệt của toàn thể những người dự buổi lễ kết nghĩa.

 

 

Dương Hoàng (sưu tầm, giới thiệu)

------------------------------

1.Báo Thủ đô Hà Nội, số ra ngày 6/10/1960.

2.Báo Thời Mới, số ra ngày 7/10/1960.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội

Tuyển công nhân đóng gói tại Hà Nội đang thu hút sự chú ý của người lao động, với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Trong bối cảnh nhu cầu sản xuất ngày càng tăng, các doanh nghiệp cần bổ sung hàng ngàn lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu thị trường. Dưới đây là thông tin chi tiết về cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại thủ đô

Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Tình yêu Hà Nội của một người Huế

Tôi cầm trên tay tập thơ Phở bia hơi và lời yêu Hà Nội của tác giả Nguyễn Duy Tờ trong những ngày lòng ngập tràn nhớ nhung Hà Nội - nỗi nhớ của một người Huế trót yêu vùng đất Hà thành và mùa thu chốn ấy.

Tình yêu Hà Nội của một người Huế
Return to top