ClockThứ Ba, 20/10/2020 06:30

Dốc sức khôi phục sản xuất

TTH - Chính quyền, cán bộ, Nhân dân huyện Phú Vang chung lòng, dốc sức khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống…

Nước lũ lên nhanh, bờ biển sạt lở, di dời dân cư vùng xung yếuNhững “thiên thần áo trắng” trắng đêm trong lũTiếp tục đắp 1.000 bao cát chống sạt lở ở Phú Thuận

Chung tay chống sạt lở ở Phú Thuận (Phú Vang)

Chủ động khôi phục sản xuất

Mưa chồng mưa, lũ chồng lũ khiến tình hình sạt lở, xâm thực trên địa bàn xã Phú Thuận rất nghiêm trọng, với tổng chiều dài sạt lở khoảng 4 km, đoạn sâu vào đất liền dài nhất khoảng 20 mét. Kè biển bị sụt lún, hư hỏng. Đoạn khóa đê kè chống sạt lở, bị sóng đánh vỡ dầm chắn, sập móc đoạn khóa kè gần 20 mét, dài gần 10 mét.

Chính quyền xã Phú Thuận phối hợp lực lượng biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, Hải đội 2 biên phòng và người dân trong nhiều ngày liền, dốc sức gia cố đê bao, xử lý đoạn kè và đắp bao cát tại các vị trí bị xâm thực. Gần 10 nghìn bao cát cùng với nỗ lực của hàng nghìn lượt người đã kịp thời khắc phục tạm hậu quả. 14 giờ chiều 16/10, khi gửi những hình ảnh cán bộ- quân - dân đang như con thoi tại hiện trường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - Đặng Tiến Tùy kèm “chú thích”, từ sáng đến giờ, chưa ăn cơm. Tinh thần nỗ lực, khẩn trương, kịp thời được đặt lên hàng đầu.

Ở xã Phú Dương, ngay từ đêm 9/10, cán bộ UBND xã cùng các lực lượng và Nhân dân đội mưa đẩy, vớt bèo trên sông và “khơi thông” các cây cầu trên địa bàn xã, đặc biệt là cầu Chợ Nọ. Gần 10 ngày tiếp theo, địa phương tiếp tục “chiến đấu” với bèo, dùng thuyền hoặc “lội bộ” xuống nước; dùng cây sào hoặc máy múc để vớt, đẩy, xử lý.

Cán bộ xã Phú Mậu (Phú Vang) sẵn sàng "xuyên" đêm hỗ trợ người dân mọi mặt

“Thậm chí, chúng tôi phải dùng cưa máy để cưa bèo đã quyện thành từng tảng cứng mà máy múc cũng “bó tay”. Đảm bảo vệ sinh môi trường, ổn định cuộc sống, sinh hoạt chung, nên chính quyền và người dân cùng chung sức. Người dân cũng nỗ lực khắc phục những ảnh hưởng đối với từng hộ, để ngay sau khi dứt lũ, bão, có thể lập tức bắt tay khôi phục sản xuất”. Bà Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương chia sẻ.

Là xã thuộc vùng trũng, thấp của địa bàn huyện Phú Vang, Phú Mậu bị ảnh hưởng 30 ha rau màu. Toàn bộ 10 ha hoa bị mất trắng. Dù mực nước dâng cao trở lại trong chiều 17/10, nhưng nông dân Phú Mậu dự tính sẽ “bắt tay” trồng lại rau màu, các loại hoa ngay sau khi nước “lui” hoàn toàn.

“Trước mưa lũ, chúng tôi đã chủ động bảo vệ các đàn heo, gà, đồng thời khẩn trương thu hoạch một số rau màu, dưa gang. Chỉ cần hết lũ, bão, nước rút, chúng tôi sẽ lập tức sản xuất; trong đó sẽ chú trọng lựa chọn các giống hoa phù hợp với thời gian, cho vụ hoa tết đạt hiệu quả, chất lượng”- nông dân Trần Văn Hải bộc bạch.

Chung tay hỗ trợ

Theo ông Trần Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, hỗ trợ người dân, ổn định cuộc sống ngay trong lũ, bão là sự chuẩn bị chắc chắn, để họ “có đà” trong việc khôi phục sản xuất sau thiên tai. Chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở, các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, cùng chung tay kết nối, hỗ trợ, không để người dân trong vùng ngập, những hộ khó khăn, bị hụt lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu.

13 giờ chiều 16/10, khi lương thực do mạnh thường quân hỗ trợ từ sự kết nối của Báo Thừa Thiên Huế, được đưa về xã Phú Mậu, cũng là lúc Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Trai cùng Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, Phó Trưởng Công an xã và nhiều cán bộ, đảng viên khác vừa thực hiện xong “một vòng” quanh các thôn, trao nhu yếu phẩm tận tay các hộ bị ngập. Từ kết nối của đoàn xã, hội LHPN, công an, mặt trận xã…, hàng nghìn suất quà thiết thực, trị giá hàng trăm triệu đồng đã đến tận tay người dân Phú Mậu.

“Mỗi đoàn thể, tổ chức hay cán bộ, đảng viên trên địa bàn, dù đơn vị, vị trí công tác khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu, là chung tay hỗ trợ, để người dân đảm bảo ổn định mọi mặt, tạo thuận lợi khi khôi phục sản xuất”- ông Trần Thanh Long nhấn mạnh.

Ngoài gần 15 nghìn thùng mì gói do UBND tỉnh và UBND huyện cấp, hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, hội LHPN và các tổ chức, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, các cán bộ, đảng viên đã vận động, kết nối mạnh thường quân và trao tận tay người dân các vùng bị ngập, ảnh hưởng do lũ lụt, tại thị trấn Phú Đa, Thuận An, các xã Phú Lương, Phú Hồ, Phú Mỹ,Vinh Xuân, Vinh Hà, Phú Gia… hàng nghìn thùng mì gói, gạo và các loại nhu yếu phẩm thiết yếu, tỏng trị giá hàng tỷ đồng.

Trên facebook của các xã đoàn, hội LHPN, hội nông dân hoặc facebook cá nhân của cán bộ, đảng viên Phú Vang, ngoài kết nối mạnh thường quân kêu gọi sự hỗ trợ về vật chất, điều khiến nhiều người phấn chấn là hình ảnh những nông dân độ tuổi 9X khẩn trương thu hoạch nông sản. Cán bộ huyện đoàn, xã đoàn, các bạn trẻ kêu gọi mọi người chung tay hỗ trợ, giúp “khâu” tiêu thụ.

“Các bạn trẻ rất năng động, sẵn sàng “ship” nông sản của mình đến tận nơi. Người tiêu dùng được phục vụ. Người sản xuất kịp thời bảo toàn vốn liếng để có ‘sức lực” tái sản xuất sau lũ, bão”- anh Nguyễn Thanh Hoài, Bí thư Huyện đoàn Phú Vang chia sẻ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phú Vang nâng tổng số 50/55 trường đạt chuẩn Quốc gia

Ngày 14/11, Trường mầm non Phú Xuân tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2; nâng tổng số 50/55 trường trên địa bàn huyện Phú Vang đạt chuẩn Quốc gia.

Phú Vang nâng tổng số 50 55 trường đạt chuẩn Quốc gia

TIN MỚI

eaa
Return to top