Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu ( hàng đầu bên trái) kiểm tra tại bờ biển xã Giang Hải
Hiện, dọc tuyến biển xã Giang Hải và một số xã lân cận nước biển đã xâm thực khoảng 4km bờ biển. Rõ nhất là đoạn gần công trình kè chống sạt lở bờ biển Giang Hải nước biển xâm thực sâu từ 7 - 10 mét, làm nhiều cây dương chắn sóng ngã đổ. Một lượng cát do sóng biển đẩy vào đã bồi lấp nhiều đoạn ở tuyến đường dọc biển.
Không ít lều quán dọc tuyến biển này cũng đã bị sóng biển đánh sập. Nhiều người dân sinh sống gần đó cho biết, vào sáng nay, sóng biển đã vượt qua bờ kè chống sạt lở bờ biển Giang Hải. Dù gió cấp 6, cấp 7, nhưng bờ kè đã phát huy tốt tác dụng trong việc chống sạt lở, xâm thực của nước biển.
Tại thôn 5, bờ biển xã Vinh Thanh, nước biển xâm thực mạnh làm nhiều cây dương cổ thụ bật gốc. Một số công trình lều quán của người dân bị nước biển khoét sâu. Nước biển đánh mạnh và sóng rất cao tiếp tục đe dọa đến bờ biển của xã này.
Bờ biển xâm thực nặng ở bãi biển xã Vinh Thanh
Mưa lũ những ngày qua kết hợp với gió to, sóng biển lớn đã làm 700 mét bờ biển ở Vinh Thanh bị sạt lở.
Thực tế khảo sát từng vị trí bị nước biển xâm thực, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các đơn vị, ngành chức năng có liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương huy động lực lượng, triển khai các phương án tối ưu nhất để khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm thực bờ biển.
“Đây vừa là giải pháp tạm thời, nhưng rất cấp bách để bảo vệ tuyến kè chống sạt lở bờ biển Giang Hải. Phương án lâu dài là đề xuất Trung ương để có thêm kinh phí tiếp tục đầu tư, xây dựng, kéo dài kè chống sạt lở dọc tuyến biển đã và đang bị nước biển xâm thực như hiện nay”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định.
Clip kiểm tra sạt lở ở biển Giang Hải. Anh Phong
* Tại xã Phong Bình, Phong Điền, vào khoảng 16 giờ ngày 17/10, ông Nguyễn Hữu Thuyết chở con là Nguyễn Hữu Sỹ (vừa từ Hà Nội vào quê) để đi làm từ thiện, giúp đỡ người dân. Khi ghe rời nhà nhà khoảng 300m thì bị chìm. Người dân gần đó kịp ra ứng cứu, đưa được anh Sỹ lên bờ, còn ông Thuyết thì mất tích.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích
Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, khu vực gặp nạn là một biển nước mênh mông, nhưng không có gió mạnh. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì ghe lại chìm. Hiện nay, xã đã huy động 2 ca nô cùng 15 người là lực lượng cứu hộ cứu nạn của xã và khoảng 15 người dân đi ghe tham gia ứng cứu tìm người mất tích. Đến 17h chiều nay vẫn chưa tìm thấy ông Thuyết.
Tính đến 16h chiều 17/10, trên địa bàn huyện Phong Điền đã có 3.593 nhà bị ngập trong nước, sâu nhất khoảng 1,5 m. Có 1 nhà của ông Hoàng Văn Thiện (thôn Phong Thu, xã Phong Mỹ) bị sập. Các địa phương đã tổ chức di dời 1.594 hộ/3.986 khẩu lên vùng cao và giằng chống 1.203 ngôi nhà.
Huyện đã tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền mặt là 40 triệu đồng, 1.250 thùng hàng hóa và mì tôm, 2.000 chai nước suối. Các địa phương đã chuẩn bị 19.350 kg gạo, 2.544 thùng mỳ tôm, 100kg lương khô, 4.610 chai nước uống và 3.090 lít xăng dầu để đối phó với mưa bão.
* Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới cho biết, đến 17 giờ ngày 17/10, đã di dời 591 hộ nằm trong vùng ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn.
Các trường hợp lớn tuổi được lực lượng chức năng bồng bế đưa đến khu vực an toàn
Mưa lớn khiến 74 hộ dân tại thôn A La, xã Hồng Thái bị cô lập; một số cây dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và khu vực thị trấn A Lưới bị đổ gãy; nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 49A và các tuyến đường trên địa bàn huyện sạt lở trở lại.
Huyện A Lưới đang tiếp tục huy động các lực lượng, đơn vị tiếp tục hỗ trợ di dời người dân trong điều kiện tiếp tục mưa lớn gây ngập lụt và sạt lở. Kế hoạch di dời trong ngày 18 - 19/10 nếu tiếp tục còn mưa lớn sẽ di dời thêm 498 hộ tại các xã…
Trong ngày 17/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và huyện đã đến thăm, động viên và trao hỗ trợ cho gia đình có trường hợp tử vong do lũ cuốn trôi vào tối 16/10 tại xã Lâm Đớt (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trao 3 triệu đồng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện trao 2 triệu đồng).
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới cũng trao hỗ trợ mì tôm cho các hộ dân xã A Ngo phải di dời ở tập trung vì nguy cơ sạt lở…
* Đồn Biên phòng Vinh Xuân, Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp di dời 19 hộ (gồm 85 nhân khẩu) ở xóm Sông Đầm, thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang), có nguy cơ bị lũ quét, đến nơi ở an toàn.
Bộ đội biên phòng đồn Vinh Xuân giúp dân di dời trong chiều ngày 17/10
“Tiếp tục chuẩn bị tốt công tác bảo đảm an toàn trước bão trên địa bàn 4 xã Vinh An, Vinh Thanh, Vinh Xuân, Phú Diên thuộc địa phận quản lý của Đồn biên phòng Vinh Xuân; đồng thời trước tình hình nước dâng lên trở lại, cán bộ, chiến sĩ đơn vị nỗ lực, khẩn trương giúp dân”- Trung tá Hồ Văn Hới, Chính trị viên Đồn biên phòng Vinh Xuân cho biết.
Sau khi di dời các hộ dân đến nơi an toàn, cán bộ, chiến sỹ biên phòng giúp người dân vận chuyển, ổn định tại địa điểm tránh bão. Đồng thời cung cấp thêm các nhu yếu phẩm cần thiết, nhằm đảm bảo người dân không bị thiếu hụt lương thực.
Quảng Điền khắc phục lũ, kết hợp ứng phó đợt lũ mới
Cứu trợ cho dân vùng ngập sâu, kéo dài
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành (Quảng Điền) Nguyễn Thị Dạ Thảo cho biết, 3 ngày nay, địa phương sử dụng xuồng máy tiếp cận với các hộ ngập sâu để cứu trợ lương thực, chuyển đến tận tay bà con kịp thời, ổn định đời sống khi mưa lũ dự báo còn kéo dài.
Tuy nhiên theo dự báo, mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài nên địa phương vừa tập trung khắc phục hậu quả đợt lũ trước, vừa chủ động triển khai các phương án ứng phó đợt lũ mới này. Đến nay, ngoài công tác cứu trợ lương thực, các lực lượng tiếp tục triển khai sơ tán dân đến nơi an toàn, dự kiến hoàn thành sơ tán dân trong tối nay.
Theo Văn phòng HĐND, UBND huyện Quảng Điền, nước đang rút chậm, nhiều tuyến đường chính còn ngập khá sâu. Nhiều tuyến đường trục thôn, trục xã bị ngập hoàn toàn, giao thông còn bị chia cắt tại các xã vùng thấp trũng: Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh. Tuyến đê Nho Lâm – Nghĩa Lộ, đoạn qua xã Quảng Phú, bị sạt lở mái nhiều vị trí với chiều dài khoảng 300m, đang được người dân khắc phục, gia cố tạm thời.
Trước nguy cơ lũ chồng lũ, các phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân; tập trung cứu trợ, sơ tán dân các vùng sạt lở, ven sông, đầm phá, ven biển… đến nơi an toàn đang được các địa phương khẩn trương triển khai.
* Chiều 17/10, Sở Xây dựng cùng Công ty CP Phát triển nhà Phúc Đồng đã trao 500 suất quà gồm các loại nhu yếu phẩm cho người dân 2 xã Quảng Thái, Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.
Trao quà cho người dân ở Quảng Thái, Quảng Lợi
Dịp này, Công ty CP Phát triển nhà Phúc Đồng cũng trao 200 suất quà cho Công đoàn ngành Xây dựng đến các trường hợp công nhân xây dựng gặp khó khăn trong đợt lũ. Dự kiến sau đợt lũ này, Công đoàn ngành Xây dựng sẽ trao tận tay cho các trường hợp gặp khó khăn...
Tổng giá trị của đợt quà tặng này hơn 120 triệu đồng.
Nhiều phần quà chia sẻ khó khăn với người dân
Người dân vùng lũ được nhận quà hỗ trợ
Hội "Anh chị em yêu hoa Lan" đã tổ chức tặng quà cho người dân các xã vùng thấp trũng ở TX. Hương Trà và huyện Quảng Điền. Tổng trị giá của đợt trao quà hỗ trợ người dân khó khăn trên địa bàn tỉnh của hội này là gần 4 tỷ đồng.
Đoàn công tác của Báo Công an TP. Hồ Chi Minh phối hợp cùng Công an tỉnh trao tặng 20 tấn gạo cho bà con có hoàn cảnh khó khăn tại vùng lũ, 5.000 thùng nước cho người dân bị ngập cùng lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại TX. Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền và Quảng Điền.
Toàn bộ kinh phí đợt trao quà này trị giá 500 triệu đồng do Báo Công an TP. Hồ Chí Minh cùng các cá nhân, nhà hảo tâm tự nguyện vận động quyên góp.
* Liên đoàn Lao động tỉnh và CLB Thiện nguyện Móng Cái (Quảng Ninh) đã đến thăm, tặng quà hỗ trợ cho người ở dân các địa phương đang bị ngập lụt nặng trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh và CLB trao quà cho người dân xã Phong Sơn (Phong Điền)
Đoàn đã hỗ trợ 1.500 suất quà, mỗi suất gồm 10kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác cho người dân ở các xã Phong Sơn (huyện Phong Điền), xã Quảng An (huyện Quảng điền), phường Hương Vân (thị xã Hương Trà).
Tin, ảnh: Nhóm PV