ClockThứ Hai, 05/02/2018 11:51

Đóng góp của quân và dân Hương Trà trong chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968

TTH.VN - Trong thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, có sự đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân Hương Trà.

“Chào Huế anh hùng”Mùa xuân quật khởi hào hùngKỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968““Huế, Xuân 1968 - xuân của Việt Nam, xuân của lòng dũng cảm”Khắp nơi kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Nằm ở cửa ngõ phía bắc TP. Huế, Hương Trà có vị trí quan trọng về địa lý cũng như quân sự nên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địch đã tập trung ở đây lực lượng dày đặc nhằm ngăn chặn sự phát triển lực lượng và vùng căn cứ địa của ta, bảo vệ đường hành lang ra, vào TP. Huế.

Ông Nguyễn Ngọc Sửu (áo xanh, bên trái) cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Xuân Mậu Thân

Lịch sử Đảng bộ thị xã đã ghi nhận những chiến công của quân và dân Hương Trà trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968: 12 giờ ngày 30/1/1968, Trung đoàn 6 xuất phát từ dốc Gió, chia làm 5 cánh tiến theo các hướng theo kế hoạch đã định: cánh theo đường Văn Xá Trung- Đốc Sơ tiến vào đánh chiếm An Hòa; cánh Văn Xá Trung - Liễu Cốc Thượng- Triều Sơn Trung tiến vào An Hòa, các đội đột phá từ phía bắc xuống phía nam và dọc theo Phú Ổ, La Chữ đột phá Bồn Trì, Bồn Phổ, chiếm lĩnh trận địa Văn Xá Thượng, sẵn sàng kiềm chế Tứ Hạ... Lực lượng bộ đội huyện cũng khẩn trương: mũi do đồng chí Nguyễn Hữu Hường (Thọ), Bí thư Huyện ủy tổ chức do đồng chí Văn Côn dẫn đầu vượt sông Triều Nam, qua Bãi Dâu để lên khu phố 4 (Gia Hội); đồng chí Lê Quang Vinh, chỉ huy mũi đi về hướng Hương Vinh, đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc chỉ huy mũi đi về phía cửa Chánh Tây...

Phối hợp với lực lượng nổi dậy nội thành, lực lượng cách mạng và Nhân dân Hương Trà từ ngày 1 đến 7/2/1968 đã liên tục giành được thắng lợi to lớn. Các đội du kích tiến công địch ở Cổ Lão, Hương Cần, An Thuận; phát động quần chúng Thủy Phú, Triều Sơn tiến công nổi dậy làm chủ vùng Thanh Lương, Văn Xá, Thanh Phước... Bộ đội địa phương và Nhân dân tiến công nổi dậy làm chủ hoàn toàn vùng Hương Bình (nay là Kim Long- Hương Long, Huế). Phần lớn thôn, xã ở Hương Trà được giải phóng và thành lập chính quyền Nhân dân. Phong trào Hương Trà phát triển mạnh mẽ bằng cả ba mũi giáp công, phối hợp nhịp nhàng, chi viện đắc lực cho mặt trận Huế, đưa phong trào phát triển vượt bậc.

Ông Nguyễn Ngọc Sửu (áo xanh, bên phải) cùng đồng đội xem lại những hình ảnh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân

Theo Bí thư Thị ủy Hương Trà Trần Duy Tuyến, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Hương Trà thực sự là nơi tập trung binh lực, vật lực cho chiến dịch. Bộ đội K200 (hậu cần Quân khu Trị Thiên) bí mật xây dựng 10 kho hàng tại Khe Rờn do hậu phương chi viện. Huyện Hương Trà xây dựng 10 kho và tổ chức vận chuyển 120 tấn gạo nghĩa vụ nuôi quân, các lực lượng vũ trang của Quân khu Trị Thiên từ nhiều chiến trường kéo về núi rừng Hương Trà dựng lán trại, đào hầm hố, tổ chức luyện quân sẵn sàng cho chiến dịch. Đặc biệt, địa điểm dốc Ông Ầm đã ghi dấu nhiều chiến tích trong hai cuộc kháng chiến. Nơi đây là điểm xuất phát cũng như điểm dừng chân của các lực lượng hành quân đi qua đánh địch, xây dựng cơ sở, vận chuyển lương thực; là nơi kết nối đường Hồ Chí Minh, địa đạo Khu ủy Trị Thiên về đồng bằng và TP.Huế làm nên những chiến công, những trận đánh tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Ông Nguyễn Ngọc Sửu, nguyên Chỉ huy phó Huyện đội Hương Trà kể: Theo kế hoạch, quân và dân Hương Trà đã chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 1968 rất chu đáo. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, lực lượng vũ trang chuẩn bị cả đường hành quân và đường bí mật để tiếp cận. Làm sao để bảo đảm trong đêm xuất quân phải chiếm lĩnh được TP. Huế, nên trước đó, bộ đội địa phương đã đi tìm đường, mở đường chuẩn bị cho chiến dịch. “Công việc chuẩn bị lương thực rất khó khăn nên Huyện ủy giao cho các đơn vị phải chuẩn bị, đề phòng chiến đấu dài ngày sẽ thiếu hụt lương thực”, ông Sửu cho hay.

Cùng với các lực lượng, Nhân dân Hương Trà cũng đã có nhiều hoạt động tích cực giúp bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch. Lúc đó, xã Hương Thái (nay là phường Hương Chữ) có quán cơm Xã hội chủ nghĩa ở La Chữ. Ở đây, bà con đã huy động toàn dân nấu cơm nắm chuẩn bị cho bộ đội. Bộ đội ở trên về là nhận hai nắm cơm đi vào, dưới lên nhận hai nắm đi ra. Liên tục 26 ngày đêm, Nhân dân xã Hương Thái lo lương thực cho bộ đội và cán bộ chiến sĩ ăn trong suốt chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. 

Bí thư Thị ủy Trần Duy Tuyến khẳng định: “Hơn bao giờ hết, ý chí kiên cường, bất khuất được bộc lộ rõ nét qua hình ảnh và việc làm ở những người đảng viên cộng sản bám dân, bám đất xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng cách mạng đấu tranh với kẻ thù từ những ngày đầu thành lập cho đến ngày toàn thắng. Lòng yêu nước, yêu quê hương của Nhân dân Hương Trà được thể hiện một cách sâu sắc trong chiến đấu, trong nuôi dưỡng cán bộ, trong tiếp lương tải đạn, một lòng kiên định vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cùng cả nước, cả tỉnh thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và sau này là cuộc Tổng tiến công đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

                                                                                          Bài, ảnh: Liên Minh

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Chiều 18/12, TX. Hương Trà tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Tham dự có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT Nhân dân, lão thành cách mạng, lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ…

Tiếp nối truyền thống anh hùng
Return to top