Buổi sáng tôi thường ăn phở và uống cà phê, con tôi thích ăn xúc xích và giăm bông kèm với mì hoặc xôi. Giờ nghe, phở bẩn, cà phê không nguyên chất còn giăm bông và xúc xích làm từ thịt thối... thú thật không biết mình và con ăn cái gì cho an toàn. Nguyên nhân thực phẩm bẩn cũng bởi nhiều người ác tâm, bất chấp tất cả miễn “tiền thầy bỏ túi’. Cũng có người, ý thức được chuyện trồng rau củ sạch, chăn nuôi sạch, nhưng đang gặp khó trong tạo kênh phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như tạo một thương hiệu chung của địa phương chuyên thực phẩm sạch an toàn. Thật ra, cũng có một vài nơi đã làm, nhưng sự việc chưa đi đến đâu và hiệu quả chưa cao.
Lại nói về chuyện thực phẩm bẩn, không chỉ người tiêu dùng sợ mà người sản xuất cũng “kêu trời”. Không phải thịt nào cũng bẩn, rau nào cũng bẩn hay xúc xích, giăm bông đều làm từ thịt thối. Nhưng do thiếu thông tin, người tiêu dùng không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả nên họ đánh đồng. Hậu quả là những người sản xuất chân chính “lãnh đủ”. Mấy bữa nay, đi về vùng biển, tôi thấy ngư dân rầu rĩ. Không rầu sao được khi người tiêu dùng không dám ăn cá biển. Mà cá biển không ai ăn thì ngư dân vùng biển lấy gì để mưu sinh. Ngư dân Nguyễn Văn Xuyến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) lo ngại: “Quê tôi ngoài đánh bắt hải sản còn có nghề truyền thống làm nước mắm và làm cá khô. Tôi sợ sau vụ cá biển chết, nước mắm và cá khô ở Phú Thuận bán không ai mua vì họ sợ người chế biến lấy cá chết để phơi khô hoặc làm nước mắm. Nếu chuyện này xảy ra thì nhiều người dân quê tôi sẽ sạt nghiệp”.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân ven biển. Tuy nhiên, đến nay, nhờ sự chỉ đạo toàn diện, liên tục, chúng ta cơ bản giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, biển đã an toàn hơn.
|
Sau xảy ra hiện tượng cá chết bất thường từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) vào tới Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), người dân ở nhiều nơi nằm trong khu vực này đổ xô đi mua muối, nước mắm, cá khô về tích trữ vì lo sợ trong thời gian tới mua nhầm các loại thực phẩm này đã bị nhiễm độc. Dĩ nhiên, cái lo của người dân cũng có lý của họ. Nhưng như vậy, những người sản xuất nước mắm, cá khô, muối… đàng hoàng trong những ngày tới gặp thiệt hại như thế nào thì không ai tính được cho họ.
Những ngày qua, với nỗ lực của các cơ quan chức năng, thông tin về cá biển và nước biển bị nhiễm độc đã được các phương tiện thông tin đại chúng thông báo một cách cụ thể và rạch ròi hơn, góp phần trấn an dự luận.
Hiện nay, ngư dân từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế đã bắt đầu đi biển trở lại. Hải sản do ngư dân đánh bắt được cũng được người tiêu dùng đón nhận (dĩ nhiên các hải sản này có sự kiểm định của các cơ quan chức năng). Nhờ vậy, ngư dân đỡ lo lắng hơn và người tiêu dùng đã bình tâm. Xã hội cũng bình yên hơn và những tin thất thiệt không còn làm cho mọi người lo lắng.
Thật ra, không phải thực phẩm nào cũng đều bẩn. Nguyên nhân khiến người tiêu dùng sợ thực phẩm bẩn là do người buôn bán, người sản xuất chưa chứng minh được nguồn gốc “trong sạch” của thực phẩm do mình làm hoặc bán. Người tiêu dùng hiện nay cũng thường thiếu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ thứ thực phẩm mình sẽ mua và sử dụng. Do vậy, để người tiêu dùng cảm thấy yên tâm, cũng như những người sản xuất thực phẩm chân chính “không chết” vì những thông tin thất thiệt, trước tiên những người sản xuất phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ loại sản phẩm mình sản xuất thông qua việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu. Các cơ quan chức năng tuyên truyền, hỗ trợ các nhà sản xuất trong việc kiểm định chất lượng, phát triển thương hiệu và xử lý nghiêm hàng giả, hàng nhái.
Khi người tiêu dùng không bị “mù” thông tin, các nhà sản xuất chứng minh được sản phẩm của mình đạt chất lượng, chắc chắn, chuyện thực phẩm bẩn không còn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng như hiện nay.
Đoàn Ngự Bình