ClockThứ Ba, 05/04/2022 06:15

Gắn bó mật thiết với cử tri

TTH - Nâng cao chất lượng đại biểu hội đồng nhân dân là khâu then chốt. Vấn đề này một lần nữa được luận bàn tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây.

Khai mạc kỳ họp chuyên đề thứ ba, HĐND tỉnh khóa VIII“Mọi vấn đề phải được giải quyết thấu đáo cho người dân”Khai mạc Lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026

Các đại biểu HĐND tỉnh dự Kỳ họp chuyên đề lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021-2026

Hạn chế tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Công tác lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) đóng vai trò quan trọng, giúp chọn ra những người tiêu biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, cơ cấu đại biểu của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có những thay đổi theo hướng vừa bảo đảm cơ cấu, thành phần, vừa coi trọng tiêu chuẩn đại biểu.

Hiện nay, HĐND tỉnh có 51 đại biểu. Các đại biểu đều bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, học vấn, năng lực, uy tín, phẩm chất chính trị, từng bước giảm số lượng đại biểu đang công tác tại các cơ quan hành chính Nhà nước và tăng số lượng đại biểu làm việc ở các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể, mặt trận.

So với các nhiệm kỳ trước, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026 có tăng lên, song, bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù có những thay đổi tích cực, nhưng vẫn còn việc đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm và giữ cương vị lãnh đạo tại các đơn vị, địa phương nên không thể tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, có tâm lý nể nang, ngại va chạm, chưa tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Thực trạng này không riêng gì Thừa Thiên Huế mà còn tồn tại ở nhiều tỉnh, thành. Số lượng đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số đại biểu nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Đánh giá về nguyên nhân, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Tiến Lam cho rằng, nhiều đại biểu còn bận nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan, chưa dành thời gian nghiên cứu, cập nhật thông tin cần thiết để phục vụ hoạt động HĐND, do vậy, ít có đóng góp vào các hoạt động của HĐND tỉnh.

Thực tiễn phải nhìn nhận khách quan rằng, trong quá trình thực hiện quyền giám sát, nhiều đại biểu kiêm nhiệm vừa là chủ thể thực hiện giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, còn né tránh trong chất vấn tại các kỳ họp, các cuộc giám sát nên chất lượng, hiệu quả giám sát có phần hạn chế.

Đổi mới trong tổ chức bộ máy

Theo bà Nguyễn Thị Ái Vân, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, đặc biệt là công tác tổ chức, cán bộ, các cấp ủy Đảng cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, dự kiến nguồn nhân sự có năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức để giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND và đảm nhiệm chức danh chuyên trách trong các cơ quan của HĐND; giải quyết tốt vấn đề cơ cấu và chất lượng đại biểu; ưu tiên người có bề dày kinh nghiệm, năng lực hoạt động thực tiễn.

Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế nói riêng và trên cả nước nói chung, một tín hiệu đáng mừng là đa số các đại biểu chuyên trách đã trải qua nhiều vị trí công tác, có kinh nghiệm thực tiễn, góp phần giúp Thường trực, các Ban HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo toàn diện, có chiều sâu, chất lượng hơn. Ngoài ra, việc phân công các đại biểu công tác ở cơ sở làm tổ trưởng các tổ đại biểu để bảo đảm sinh hoạt tổ chủ động và linh hoạt nhất, đã tận dụng được sự am hiểu thực tiễn của địa phương và tăng cường tuyên truyền, triển khai các chính sách HĐND tỉnh ban hành đến tận cơ sở.

Tiêu chí của một đại biểu HĐND là phải gắn bó mật thiết với cử tri. Do vậy, phần thực tiễn - nội dung rất quan trọng khi đại biểu quyết định chính sách sẽ là vấn đề thiếu hụt của đại biểu. Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Nhuần chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng đại biểu HĐND tại Hội nghị: “Sức sống của người đại biểu HĐND bắt nguồn từ quan hệ máu thịt với cử tri nên người đại biểu cần phải thiết lập mối quan hệ này thường xuyên, bền vững. Cần tiếp tục phát huy vai trò các đại biểu chuyên trách, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của đại biểu chuyên trách theo quy định”.

Nói về giải pháp cơ cấu đại biểu HĐND, nhiều ý kiến cho rằng, cần lưu ý đến sự cân đối về trình độ chuyên môn giữa các lĩnh vực, để đảm bảo HĐND thực hiện giám sát, thẩm tra có chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh. Công việc này phải tiến hành ngay từ đầu nhiệm kỳ và quan tâm bồi dưỡng thường xuyên hằng năm thông qua nhiều hình thức. “Việc lựa chọn bầu cử đại biểu HĐND tỉnh không nên nặng về cơ cấu, nhất là cơ cấu mang tính hình thức, mà nên bảo đảm cơ cấu hỗn hợp, coi trọng phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, tâm huyết với hoạt động của HĐND, có năng lực đóng góp vào hoạt động của HĐND, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu”, ông Lê Tiến Lam nói.

Tại Hội nghị mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền cần chủ động bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2021-2026 và quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ tới. Bản thân mỗi đại biểu cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân địa phương, thực hiện tốt nhất chương trình hành động của mình khi ứng cử đại biểu HĐND.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Niềm tin và mong đợi của cử tri

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân thông báo về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân và hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ...

Niềm tin và mong đợi của cử tri
Ở đâu khó, có ông Khâu

Niềm vui từ hơn 30 năm “gắn bó” với các cương vị Trưởng thôn, Bí thư chi bộ và hiện tại là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, năm 2023, ông Lê Thanh Khâu (thôn A Lưới, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) vinh dự được Tỉnh ủy tuyên dương; được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Ở đâu khó, có ông Khâu
Return to top