ClockThứ Năm, 05/05/2022 07:00

Giấc mơ và cơ hội lịch sử

TTH - “Xây dựng Phong Điền trở thành thị xã là cơ hội lịch sử”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định như vậy khi một lần làm việc với Thường vụ Huyện ủy Phong Điền vào đầu năm 2022. Thật sự đây là thời điểm lịch sử của cơ hội lịch sử: Với việc triển khai Nghị quyết 54 -NQ/BCT, trước năm 2025, Phong Điền sẽ trở thành thị xã và là một trong các đô thị động lực.

Phong Điền gắn thực hiện nông thôn mới với xây dựng thị xãTập trung chỉnh trang đô thị, tạo sức bật để trở thành thị xã đúng kế hoạchXây dựng Phong Điền trở thành đô thị động lực, sớm trở thành thị xãCông bố Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Phong Điền đang từng bước xây dựng để trở thành thị xã trong thời gian tới. Ảnh: Minh Hải

Huyện Phong Điền đang phấn đấu trước năm 2023 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; năm 2023 sẽ đề nghị Bộ Xây dựng công nhận Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; năm 2024, hoàn thiện các tiêu chí để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Phong Điền và các phường thuộc thị xã. Bên cạnh đó, huyện đang tập trung thực hiện các dự án trọng điểm để tạo điểm nhấn khi trở thành thị xã. Đó là, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn,  đường ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đoạn qua địa bàn huyện; chỉnh trang khu trung tâm các đô thị thị trấn Phong Điền - Phong Thu, Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa, Điền Lộc - Điền Hòa; Điền Hải - Phong Hải… Trong tầm nhìn xa hơn, đến năm 2030, Phong Điền sẽ là đô thị động lực phía Bắc của tỉnh, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao.

Một câu thơ của ai đó khá buồn về ngày cũ ở những vùng quê nghèo “Đất nằm úp mặt mơ về tương lai”. Nghĩa là, ngày đó nghèo tủi đến đất đai cũng không dám ngửa mặt nhìn trời, không dám để giấc mơ lang thang cùng bầu trời xanh ngắt. Cách đây nhiều năm, tôi có dịp gặp họa sĩ người Pháp gốc Việt - M. Vincent. Sau 30 năm rời Việt Nam, ông quyết định về nước làm phim hoạt hình và sau đó, ông về Việt Nam chu du khắp nơi để vẽ những bức họa đồng quê núi non. Ông nói, có lần ông vẽ một bức tranh có thảm cây tràm chổi mọc kiên gan trên một đồi cát trắng, mọc ưỡn ngực trong gió cát. Và ông đã khóc khi bức tranh vừa xong.

Đô thị Phong Điền ngày càng khang trang. Ảnh: MINH HẢI

“Tranh không đẹp, nhưng rất ý nghĩa với tôi, bởi đó cũng là hình ảnh của những vùng quê nghèo ở miền Trung đang vươn mình…”. Ngày đó nghe M.Vincent kể, tôi có cảm giác như ông đã vẽ bức tranh đó ở những gò đồi của các xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ... Tôi nhớ lại chuyện cũ ấy khi nghĩ về giấc mơ của Phong Điền lên thị xã. Đã qua rồi thời nghèo khó quanh năm lo chuyện cơm áo, giờ người dân biết ăn ngon, mặc đẹp, thanh niên biết xách ba lô lên đường đi du lịch… Xưa “đất úp mặt” giờ con người toàn huyện rất vui với giấc mơ đi lên thị xã.

Chuyện đưa Phong Điền từ huyện lên thị xã, là giấc mơ của mười mấy vạn người dân, là chuyện quốc kế dân sinh, là chuyện không chỉ tỉnh bàn mà Quốc hội cũng phải bàn. Trong tiến trình hiện thực hóa giấc mơ này, Phong Điền phải chủ động làm nhiều việc lớn. Trước hết là phải hoàn thành chương trình nông thôn mới, tiếp đó là hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV…

Từ vùng đất nghèo khó sau chiến tranh, Phong Điền chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đến nay, các cấp chính quyền cùng người dân đang chung sức, đồng lòng đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Lộ trình hoàn tất chương trình nông thôn mới ở Phong Điền là từ năm 2021 đến 2023, bốn xã còn lại đạt nông thôn mới. Các tiêu chí đô thị loại IV của Phong Điền cũng đang được nỗ lực hoàn thành.

Những năm qua, cùng với tốc độ phát triển đô thị của tỉnh, hạ tầng đô thị đã và đang thực hiện trên địa bàn huyện tạo điều kiện cho Phong Điền sớm hình thành đô thị kết nối với vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Việc quy hoạch tầm vĩ mô các vùng đồi núi, đồng bằng, ven biển đã hoàn tất. Việc quy hoạch các điểm có tiềm năng du lịch được triển khai như: Khu vực Ngũ Hồ, khu vực thượng nguồn sông Ô Lâu, bãi biển Điền Lộc. Du lịch cộng đồng tại làng cổ Phước Tích bước đầu thu hút được khách du lịch; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Thanh Tân Spa, A Đon, Khe Me, thượng nguồn sông Ô Lâu… đang thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư.

Một nhà văn yêu quý Phong Điền trao đổi với tôi: Có nhiều vấn đề đặt ra, trong đó hai vấn đề quan trọng là khi Phong Điền trở thành thị xã, thì công dân thị xã phải như thế nào và thì văn hóa thị xã phải ra sao? Tôi nghĩ đó là cách đặt vấn đề rất hay. Và trả lời câu hỏi ấy, không cách nào hay hơn là căn cứ vào thực tiễn.

Từ xa xưa, người dân Phong Điền bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng trong số họ cũng nhiều người bán mặt cho cát, đối diện với cát, chân bấm trong cát, máu hòa trong cát mà giữ đất quê hương, xây dựng quê hương… Khi trở thành công dân thị xã, thay vì chân bấm trong cát, họ có thể đối diện với cát bằng các thứ máy móc như máy ủi, máy cày, máy gieo lúa, gieo lạc… Tuy nhiên, không thể nói họ không còn máu hòa trong cát để giữ quê hương khi quê hương bị kẻ thù xâm lược. Nói theo cách nôm na thì công dân thị xã cũng chính là thị dân, có đời sống sinh hoạt không thuần nông mà đã có tính chất đô thị. Theo đó, văn hóa của thị dân góp phần quan trọng tạo nên diện mạo một thị xã. Từ đó “thương hiệu” của thị xã được hình thành và củng cố, nhìn từ góc độ văn hóa. Văn hóa thị dân vừa là một tiểu văn hóa vừa là một lối sống hiện đại nhưng có thể không tách rời hoàn toàn với nguồn gốc nông thôn và tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Ở xã Phong Sơn, mới đây vừa có cơ sở tổ chức sản xuất tinh dầu tràm. Loại dầu ấy có cái lạ, để lâu không cạn, mà càng để lâu lại càng nồng đượm, dược tính tăng thêm. Những ngày mưa gió, mỗi đêm đem tinh dầu bôi lên gan bàn chân một ít, giấc ngủ vừa tròn lại chẳng lo nhiễm bệnh phong hàn, nhức mỏi cũng tiêu tan. Điều thú vị là một người con của quê hương sau bao nhiêu năm lăn lộn thương trường, giờ trở về quê giúp dân làng mở cơ sở sản xuất tinh dầu tràm, đã xin dân làng cho phép lấy tên làng đặt tên doanh nghiệp. Đó chính là cơ sở tinh dầu Công Thành. Đi lên thị xã, Phong Điền rất cần những con người có ý thức “công dân thị xã” như vậy, biết đặt tên tuổi của quê hương lên trên tên tuổi của chính mình…

Còn văn hóa thị xã sẽ ra sao? Xã Phong Chương có đến năm cái hồ trong đồi cát mênh mông gọi là Ngũ Hồ, các hồ nhiều bèo và cỏ lác, rất hợp cho cá tràu sinh trưởng nên chúng rất nhiều và cho thịt ngon thơm. Cá tràu nấu khế, cá tràu nấu me…, nhưng cá tràu nấu ném mới lạ. Cá tràu Phong Chương nấu với ném Điền Môn là nhất sách. Cá thơm hương nước mạch ngầm trong cát, ném thơm hương vị nồng đất cát trắng ủ nắng, cả hai hài hòa thành hương vị lạ lùng. Món quê nhưng đôi khi một cái mùi vị chân chất của một món ăn, cũng làm tình yêu trong mỗi người thức dậy.

Bây giờ tất cả những tinh dầu tràm, cá tràu nấu ném ấy cũng đang cựa mình để lên thị xã. Phong Điền đang chuẩn bị cho thị dân thị xã nhiều hành trang phía trước. Huyện chú ý đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng; hạ tầng một số điểm du lịch được đầu tư như làng cổ Phước Tích; điểm trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại xã Phong Hòa; hạ tầng du lịch thượng nguồn Ô Lâu, biển Điền Lộc…

Hồ Đăng Thanh Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top