Cổng làng Dạ (Dã) Lê Chánh. Ảnh: Hữu Phúc
1. Làng Dã Lê Chánh còn được gọi là Dã Lê Gót. Cái tên Dã Lê Chánh cho thấy vị thế gốc gác, còn Dã Lê Gót lại ghi dấu về nghề nghiệp mưu sinh, làm gót, của làng. Làng Dã Lê Chánh hai mặt đông và tây giáp sông Như Ý và Lợi Nông, nổi tiếng với cánh đồng làng “cò bay thẳng cánh”. Bên cạnh nghề làm nông trồng lúa, nghề phụ đánh bắt cá ở sông, hói, ruộng đồng, làng có nghề đan gót tre (cót) nổi tiếng. Tương truyền, tre được mua ở Nguyệt Biều, Lương Quán, Bằng Lãng, rồi kết bè xuôi theo dòng sông Hương - Như Ý về làng. Gót mua về, quây thành bồ và có khi dùng làm phên, liếp. Xưa, sau mùa vụ rảnh rang, người dân làng Dã Lê Chánh gánh gót đi bán dạo ở khắp các vùng miền trong tỉnh.
Ngay từ năm 1471, dưới thời nhà Lê đã có làng Dã Lê, hợp cùng với làng Lang Xá. Đúng 101 năm sau đó (1572) tách ra, làng Dã Lê nhận đất và dân ba phần, còn Lang Xá một phần. Cái tên Dã Lê xuất hiện ngay trong “Ô châu cận lục”, cuốn sách đầu tiên ghi chép về vùng Thuận Hóa - Thừa Thiên Huế, do tiến sĩ Dương Văn An (1514 -1591) hiệu đính, tràn đầy xúc cảm: “Mưa Dã Lê tưới cho vườn quả thêm mượt mà, gió Hoa Thử đưa hương mùi lúa chín”. Còn vào thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn, làng Dã Lê Chánh vận động gia đình đông con, mỗi nhà một người lên vùng đồng ruộng phía nam của làng để canh tác, gìn giữ và coi sóc, lần hồi sinh tụ đông đúc đã hình thành nên thôn Dã Lê Thượng thuộc làng. Mãi tới tháng giêng năm 1689, làng và thôn được cấp bằng biệt lập hai làng. Hai làng Dã Lê bắt đầu tồn tại song song từ đó.
2. Tôi vẫn hay so sánh, rằng nếu làng Dã Lê Chánh nổi tiếng với nghề làm gót thì Dã Lê Thượng “trước đồng sau rẫy” và còn thêm nghề than - củi - chổi - lá vằn. Khai thác lâm sản nơi xa, sáng sớm đi tay không, chiều về triêng gánh nặng nề, có khi phải vừa gánh vừa chống gậy, nên mới có câu: “Em là con gái Dạ (Dã) Lê/Khi đi hai cẳng, khi về ba chân”. Hai làng đều có nhiều người theo nghề nhạc tài tử, diễn xướng trong các nghi lễ cúng tế của làng hay dân gian. Một số được tuyển vào đội lễ nhạctriều đình nhà Nguyễn. Riêng làng Dã Lê Chánh có ông đội Nguyễn Đắc Tiêu là Đội trưởng nhạc chánh của triều Nguyễn.
Cái thế chánh - thượng đôi khi cũng gây ra nhiều phiền phức. Ví như, tuy từ năm 1689, chúa Nguyễn Phúc Thái đã cho biệt đinh, biệt điền, lập thành sổ bộ riêng nhưng làng Dã Lê Chánh vẫn nhiều lần tranh kiện. Năm 1811, nhờ hiến kế của Quận công Nguyễn Văn Thành, thôn (Dã Lê Thượng) đã “quỳ đón ngự giá” kêu xin, trình đơn xin phân chia điền thổ, tu riêng sổ bộ mới và kết quả đã được xác định cho biệt đinh, biệt điền để soạn đại bộ mới. Hai làng từ đó chấm dứt tranh kiện. Mỗi khi làng Dã Lê Chánh thu tế, cư dân làng Dã Lê Thượng lại nô nức chèo thuyền về đậu ở sông Như Ý tham dự.
Tôi đã có dịp ghé thăm mộ phần (mới được cải táng) của ngài Nguyễn Văn Thành, một trong số những công thần bậc nhất của triều Nguyễn. Chuyện rằng, ngay sau khi Trung quân Nguyễn Văn Thành vì những cáo giác nặng nề của đồng liêu đến nỗi phải uống thuốc độc tự tử, các viên chức làng và các vị đội trưởng dưới quyền của ngài, quê quán ở làng Dã Lê Thượng đã xin lo tang lễ và an táng ngài tại sơn phần nơi đây. Nơi đình làng, ngoài các vị thiên thần và thủy thổ, làng còn dành án riêng thờ ngài. Một nghĩa cử, thể hiện đạo lý tri ân cao đẹp của người dân làng Dã Lê Thượng.
3. Lao động canh tác nơi đồng sâu có phần nhẹ nhàng hơn, người dân Dã Lê Chánh nỗ lực học tập. Chỉ tính riêng từ nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, làng đã có 4 cử nhân, gồm Nguyễn Văn Quý (1850), Lê Đình Mại (1876), Nguyễn Diệu (1888) và Nguyễn Viết Song (1900). Ông Nguyễn Viết Song sau đó đỗ tiến sĩ (1901), làm quan tới Tham tri Bộ Lại, về nghỉ với hàm Thượng thư trí sự. Còn cụ Lê Đình Mại có tinh thần chống Pháp, dù làm tri huyện vẫn hăng hái hưởng ứng và tham gia khởi nghĩa, bị xử tội chết. Con là Lê Đình Mộng tiếp tục tinh thần quật cường của cha, là một trong số những người đi đầu trong phong trào chống thuế, bị bắt đày ra Côn Đảo.
Còn làng Dã Lê Thượng nổi tiếng với truyền thống xuất gia tu hành. Dân gian có câu: “Quảng Trị: Trung Kiên, Thừa Thiên: Dã Lê”. Dã Lê ở đây tức Dã Lê Thượng, quê hương của bao bậc cao tăng từ xưa tới nay. Có thể kể đến là sư Thành Thái - Huệ Minh, vốn họ Nguyễn Đình, đệ tam tổ của chùa Từ Hiếu. Sư Trừng Thành Giác Tiên, họ Nguyễn Duy, trú trì khai sơn chùa Trúc Lâm. Xuất gia từ năm 7 tuổi với sư Giác Tiên là sư Tầm Hương Mật Hiển, nổi tiếng là một hòa thượng đức cao đạo trọng. Nối tiếp truyền thống, nay tiêu biểu có sư Giới Đức, trú trì chùa Huyền Không Sơn thượng.
Sát cạnh nhà tôi là chùa Linh Sơn. Tương truyền, tháng giêng năm 1689 chùa làng tôi được dựng lên ngay sau sự kiện làng được cấp bằng biệt lập và có tên là chùa Tây Sơn. Chùa mới dựng đã bị bão làm sụp đổ, dân làng tiến hành trùng tu và làm lễ an vị vào năm 1699. Đến đời Cảnh Hưng, chùa được trùng tu và đổi tên thành chùa Linh Sơn. Nơi đây, trong tôi đong đầy và ghi dấu bao kỷ niệm. Nhớ phía sau chùa hòn độn Chùa. Hàng chục năm trước, tôi vẫn thường trèo lên độn, từ đó nhìn về phía cánh đồng làng mênh mông và mơ mộng. Sau này tôi lại cảm nhận thêm rằng, cũng chính từ phía đó, cũng hàng trăm năm trước, các bậc tiền nhân đã từ Dã Lê Chánh men theo những con hói, con sông tiến lên vùng đồi, để rồi, từ một Dã Lê bên sông Như Ý thành ra hai làng Chánh và Thượng, xa mặt mà không hề cách lòng.
ĐAN DUY