ClockThứ Năm, 08/08/2019 09:05

“Hai mươi năm ấy, biết bao là tình…"

TTH - LTS: Nhân dịp Kỷ niệm 30 năm Ngày Thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, chúng tôi xin lược trích đăng bài viết của nhà báo Hoàng Thị Thọ, người được chỉ định phụ trách công việc Ban thư ký lâm thời của HNB tỉnh trong những ngày đầu mới thành lập để bạn đọc hiểu hơn về công việc của những người làm báo, làm công tác hội...

Xây dựng giải báo chí tỉnh ngang tầm khu vực và quốc giaNhìn lại và đi tới

Tháng giêng 1975, từ  chiến trường Huế khốc liệt, tôi đi học ĐH Báo chí, lớp đào tạo phóng viên chiến trường. Học nghề mình yêu thích từ những năm đấu tranh giữa lòng đô thị Huế trước 1975. Dẫu biết chắc chắn rằng làm báo là phải đối diện với những thực tế phức tạp của đời thường, sơ sẩy một chút, buông thả một chút, ngòi bút uốn cong, rẻ rúng lương tâm, sẽ vong thân... Nhưng nghề báo với tôi luôn là hạnh phúc và khát vọng vươn tới… 

Năm 1979, ra trường, tôi về làm việc ở Đài Truyền thanh Huế, trong một thời kỳ sôi động nhất của báo chí đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng… Nhiều đồng nghiệp bản lĩnh, mạnh mẽ, giỏi nghề thời kỳ ấy, tôi vẫn luôn nhớ về họ.

Tháng 8 năm 1989, sau Đại hội HNB tỉnh lần thứ I, lãnh đạo tỉnh điều tôi về chuyên trách công tác Hội. Những năm đầu, biên chế HNB chỉ có tôi và anh Nguyễn Luân (1) và vài cộng sự hợp đồng, tự trả lương; ngân sách chỉ hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động. Sau một thời gian ăn nhờ, ở đậu và nhiều năm đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh, trụ sở Hội mới được xây dựng, nơi hàng trăm hội viên nhà báo 8 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và cộng tác viên thường xuyên đến gặp gỡ, sinh hoạt. Cái khó thì vô vàn, song chúng tôi đã thực hiện được 15 Giải báo chí Thừa Thiên Huế, có giải kết thúc mà kinh phí giải thưởng chưa được cấp. Nhiều cuộc triển lãm ảnh báo chí không có kinh phí để trả nhuận ảnh… cũng đành cười trừ với nhau…

Làm công tác Hội là một thách thức không nhỏ. Công việc thì áp lực, viết thì không còn thời gian, mà với người yêu nghề, được viết là một khát vọng sống. Tôi vẫn sắp xếp công việc để viết, bởi không còn viết thì không làm tốt công tác Hội, không thấu hiểu công việc của nghề thì không thể góp phần xây dựng một đội ngũ làm báo yêu nghề, giỏi nghề, có đủ bản lĩnh sống đến tận cùng với nghề. Là một nhà báo được đào tạo chính quy trước khi làm báo chuyên nghiệp, thấu hiểu cái cần của các bạn đồng nghiệp, chúng tôi đã phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền vượt khó để mở 2 lớp ĐH báo chí tại chức cho 150 nhà báo ở ThừaThiên Huế và Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., tổ chức các lớp bồi dưỡng nghề báo cho phóng viên khu vực miền Trung - Tây nguyên..., những buổi sinh hoạt chuyên đề, các câu lạc bộ, chăm lo đời sống tinh thần cho các nhà báo nghỉ hưu…

Giải Báo chí Thừa Thiên Huế được tổ chức và duy trì đều đặn mỗi năm một lần, thu hút hàng trăm nhà báo dự giải, một số nhà báo đã viết những tác phẩm xuất sắc, không chỉ đạt giải của tỉnh mà còn đạt giải Giải báo chí quốc gia. Phối hợp với các cơ quan tổ chức các giải báo chí chuyên ngành… Từ năm 2005, 70 tác phẩm từ đề án đầu tư tác phẩm báo chí chất lượng cao được in thành sách. Hội báo Xuân hằng năm của tỉnh thời kỳ khó khăn được duy trì tạo thêm không gian đọc tại Huế và “chuyển” Hội báo Xuân về với các huyện vùng sâu vùng xa, rồi đóng gói báo xuân gửi tặng cán bộ chiến sĩ bộ đội Biên phòng tỉnh. Ấn phẩm Nhà báo Huế, từ năm 1995 ra đời, 2 kỳ rồi lên 4 kỳ/năm, được các nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu… gần xa tích cực cộng tác, tìm đọc, yêu thích. Kinh phí thu từ quảng cáo, chi trả, nộp thuế và còn đầu tư cho các hoạt động bổ ích khác của Hội.

Từ Festival Huế 2002, Hội tham gia quản lý vận hành Trung tâm Thông tin Báo chí Festival khá hiệu quả. Hội cũng khởi xướng Diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, TP. Huế, một số ngành KT, VH, XH trọng điểm với những người làm báo, nhằm truyền tải và thông suốt thông tin, mang lại hiệu ứng tốt. Một số tờ báo của trung ương và các TP lớn đặt văn phòng thường trú tại đây. 22B Lê Lợi Huế đã là ngôi nhà chung của báo giới, góp sức vào những thành tựu chung của tỉnh.

Hai mươi năm làm công tác Hội, vừa làm vừa tìm hiểu, nghiên cứu, tất cả là tấm lòng, sự trăn trở, là tâm huyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội, của bản thân chúng tôi và đồng nghiệp ở Ban Thư ký 8 Chi hội, từ một công việc không có trong sách vở, một cơ quan mới mẻ, phải kiêm nhiệm, làm việc bằng tâm - não, bằng cảm nhận tự thân, không để cơ quan Hội, tổ chức Hội tẻ nhạt. Bởi nếu địa chỉ 22B Lê Lợi Huế không là ngôi nhà chung bổ ích, ấm áp, nghĩa tình thì Hội không còn được hội viên gắn bó, tìm về. Nhà báo nữ vốn đã nhiều cái khó, nhà báo nữ làm công tác Hội càng lắm nỗi niềm, không chỉ kiến thức, mà còn cả kỹ năng và phương tiện, sự nhạy bén và áp lực của tính thời sự, sự cần thiết của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, sự thách thức phẩm chất, nhân cách với những cám dỗ chết người...

Tôi về hưu đã mười mấy năm từ ngôi nhà chung này… Mỗi lần ghé lại cơ quan Hội, những tình cảm, ngọt bùi, vui buồn… dậy lên trong lòng... “Hai mươi năm ấy, biết bao là tình…”, “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối/ Có ngày, nhớ đêm…”. Nếu  nghề báo mãi mãi là hạnh phúc, là cách sống đẹp đẽ mà tôi đã chọn cho mình từ thời tuổi trẻ, thì ngôi nhà này, là nơi tôi không được chọn, nhưng đã sống và làm việc với tất cả tấm lòng trong veo…

Hoàng Thị Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.

Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ
Return to top