Đại diện lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
Nhiều dấu ấn
Năm 1989, căn cứ tình hình tổ chức lực lượng và nhu cầu hoạt động báo chí sau chia tách 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị, ngày 8/8/1989, Ủy viên Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Trung Chính thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy ký Quyết định số 36 về việc thành lập HNB Thừa Thiên Huế và Ban thư ký lâm thời của Hội. Ban đầu, hội có 82 HV, sinh hoạt tại 6 chi hội: Báo Huế Ngày nay (sau khi xuất bản 8 số báo thì đổi tên lại là Báo Thừa Thiên Huế), Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế, Tạp chí Sông Hương, Phân xã Thông tấn xã VN tại Huế, Đài Truyền thanh Huế và Đài Truyền hình Huế. NB Hoàng Thị Thọ được chỉ định phụ trách chung công việc Ban thư ký lâm thời của HNB. Ngày 18/4/1991, UBND tỉnh ra Quyết định số 331 về việc công nhận tổ chức HNB tỉnh.
Tại Đại hội lần thứ I (1991-1995), NB Lê Văn Hiện là Chủ tịch. Các Chủ tịch Hội tiếp theo là NB Hoàng Ngọc (1996-2000), NB Lê Sỹ Minh (2002-2007), NB Dương Tiến Anh (2007-2012), NB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (từ 2012 tới nay).
Lớp tập huấn nghiệp vụ sản xuất chương trình truyền hình online thu hút đông đảo hội viên nhà báo tham gia. Ảnh: L.Tuệ
Trong câu chuyện về những ngày đầu mới thành lập hội, nhà báo (NB) Hoàng Thị Thọ - người có 20 năm gắn bó với công tác Hội vẫn nhớ như in những khó khăn lúc đó, từ con người đến kinh phí. Trụ sở không có, biên chế chỉ có 2 người. Thậm chí có lần giải BC (do HNB chủ trì) dù đã công bố kết quả nhưng kinh phí trao giải cho tác giả chưa có. Triển lãm ảnh báo chí – nghệ thuật sau bế mạc không có tiền để trả nhuận ảnh… Sau này, khi được UBND tỉnh cấp trụ sở tại 22B Lê Lợi, nơi đây trở thành “điểm hẹn nghề nghiệp” của các HV đến sinh hoạt, học tập, nghiên cứu.
Vì “mái nhà chung”
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh Dương Phước Thu, thời gian qua, HNB tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Không ngừng củng cố và nâng cao vị thế của hội; có những đóng góp quan trọng trong việc tập hợp, động viên đội ngũ những người làm báo trên địa bàn thực hiện tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, góp phần tích cực cổ vũ các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các NB đã xông pha trên các “mặt trận”, đi vào “ngóc ngách” của đời sống để có những hình ảnh, thước phim, dòng tin thời sự phục vụ nhu cầu của bạn đọc, Nhân dân.
Trong những năm qua, hội đã phối hợp mở 2 lớp đại học BC (bằng hai) cho trên 150 HV, NB của tỉnh các tỉnh lân cận. Đồng thời, mở trên 100 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ BC ngắn ngày; những buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt CLB, mở phòng đọc, tổ chức hội báo xuân hàng năm. Đến hẹn lại lên, hội báo xuân không chỉ là dịp để trưng bày các tờ báo cho công chúng biết mà còn là món ăn tinh thần quan trọng trước dịp tết đến xuân về.
HNB tỉnh còn tổ chức và duy trì đều đặn mỗi năm một lần giải BC, với 15/27 giải do HNB tổ chức. Đến 2008, giải do UBND tỉnh tổ chức và nâng lên thành giải BC tỉnh. Trước đó (2005), hội đã thực hiện đề án đầu tư tác phẩm BC chất lượng cao, với hàng trăm tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả được in thành sách. Tập san Nhà báo Huế - cơ quan ngôn luận của HNB tỉnh cũng được phát hành từ 2 kỳ nâng lên 4 kỳ/năm, được độc giả, HNB Việt Nam đánh giá tốt.
Các chi hội trực thuộc HNB tỉnh không ngừng lớn mạnh và phát triển. Đến nay, TRT khẳng định vị thế của tờ báo nói, báo hình của tỉnh, đủ điều kiện, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao cũng như các hoạt động phát thanh, truyền hình cả nước.
Từ 82 HV buổi đầu thành lập, qua 6 kỳ đại hội, hiện HNB Thừa Thiên Huế có 9 Chi hội NB và 1 CLB NB hưu trí trực thuộc gồm 218 HV đang sinh hoạt (chưa kể số HV cao tuổi thôi sinh hoạt và số HV chuyển về Liên chi hội NB Đài Truyền hình Việt Nam).
|
Báo Thừa Thiên Huế là một trong 5 tờ báo Đảng địa phương trong cả nước phát hành nhật báo sớm nhất (từ năm 2000). Đồng thời, liên tục nhiều năm liền, Chi hội NB Báo Thừa Thiên Huế là đơn vị dẫn đầu về số lượng giải và giải cao tại Giải BC tỉnh cùng rất nhiều HV đạt giải BC Trung ương và địa phương khác, giải BC toàn quốc.
Tạp chí Sông Hương vẫn là tờ báo đi đầu và kiên trì hoạt động hoà hợp trong văn chương, văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế. Tạp chí Huế xưa và nay “tiếp tục góp cho Huế nhiều nét xuân tươi, các kiến thức văn hoá, khoa học, giáo dục”, “là một tài sản tinh thần và khoa học rất đáng tự hào và rất quý đối với những ai quan tâm, yêu quý Huế”…
Trong bối cảnh lĩnh vực thông tin truyền thông phát triển với tốc độ nhanh chóng, trách nhiệm đặt ra đối với HNB tỉnh trong giai đoạn mới là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, rèn luyện, không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, trách nhiệm xã hội, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo, để HNB tỉnh là ngôi nhà chung bổ ích cho HV gắn bó, tìm về.
Liên Minh