|
Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các con. Ảnh tư liệu |
Nguyễn Thị Cúc (1921 - 1980) là con gái trưởng của cụ Nguyễn Hữu Hoàng (Ấm Hoàng) và cụ bà Lê Thị Yến, quê gốc làng Nam Dương (để tiện làm ăn, gia đình mua miếng đất ở làng Phú Lễ làm nhà và mở tiệm thuốc Bắc). Nguyễn Thị Cúc là một người nghiêm nghị, ít nói và có uy tín trong làng, trong đơn vị công tác. Chị em phụ nữ có gì vui buồn đều đến chia sẻ hay hỏi ý kiến của chị.
Trong gia đình, Nguyễn Thị Cúc là chị cả chỉ bảo, dạy dỗ các em và lo toan việc nhà giúp ông bà Ấm Hoàng từ rất sớm. Bước sang tuổi 16, chị đã tham gia Việt Minh và hoạt động trong hội phụ nữ huyện Quảng Điền. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Vịnh qua Phú Lễ để thăm dò, tìm những người hoạt động cách mạng, đó cũng là lần hai người gặp và thầm mến nhau. Cuộc sống cuốn mỗi người mỗi ngả, mãi đến năm 1945, khi trở thành Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, chàng bí thư trẻ mới gặp lại cô Ủy viên Thường vụ Phụ nữ huyện Quảng Điền. Sau thời gian tìm hiểu, chiều 20/9/1946, một đám cưới được xem là đám cưới Việt Minh đầu tiên ở Thừa Thiên Huế tổ chức tại ngôi nhà thờ Tổ họ của cụ Ấm Hoàng ở Nam Dương.
Từ sau đám cưới, hai anh chị bước vào những năm tháng gian nan của chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Năm 1946, chị lên chiến khu Hòa Mỹ (Phong Mỹ, Phong Điền) với anh Thanh, nhưng mỗi người một CK (ở chiến khu Hòa Mỹ có 7 CK), con trai đầu sinh ra trong thời gian ấy. Khi sinh không có chồng bên cạnh, chị đã đặt tên cho con là Trường Sơn đúng như ý anh Thanh. Cuộc sống ở chiến khu hết sức khó khăn, chị Cúc bị sốt nặng lại không có sữa nên hai mẹ con rất yếu. Vào năm 1947, khi hay tin anh Thanh bị bắn chết lúc bơi qua sông, chị đã kêu khóc thảm thiết và chạy ra bờ sông tìm xác chồng, trong lúc đó anh Thanh cũng hay tin chị Cúc bị trúng mảnh pháo rơi xuống sông chết chìm. Cứ thế bên bờ này chị Cúc gọi “anh Thanh ơi...”, bờ bên kia anh Thanh cứ chạy và gọi “Cúc ơi, Cúc…”. Rồi hai người nhận ra nhau, lao đến ôm nhau giữa dòng sông mà khóc.
Năm 1950, Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Chị Cúc cũng theo anh vào quân đội. Hai anh chị sống trong một lán nhỏ ở rừng Việt Bắc. Hai cô con gái sau lần lượt ra đời. Cả gia đình hằng tháng sống dựa vào số gạo Nhà nước cấp theo tiêu chuẩn cho cán bộ. Sau kháng chiến chống Pháp, anh Thanh được phong hàm Đại tướng. Lúc ấy, quân đội chỉ có hai Đại tướng: Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh. Gia đình anh Thanh được phân một ngôi biệt thự rất đẹp trên đường Thanh Niên. Anh bàn với chị xin chuyển về ngôi nhà cấp bốn giản dị ở đường Lý Nam Đế, chị Cúc đồng ý liền. Mất đứa con trai đầu trong chiến tranh, chị Cúc muốn sinh cho anh thêm một đứa con trai. Thấy chị yếu, anh Thanh không muốn chị sinh con nữa. Quá yêu chồng, mặc dù sức khỏe không tốt, năm 1957, chị sinh cháu út, Nguyễn Chí Vịnh.
Về Hà Nội, anh chị vẫn giữ mức sinh hoạt gia đình không cách biệt với những cán bộ bình thường. Tuy chồng làm Đại tướng nhưng chị Cúc sống rất giản dị. Chị luôn có ý thức giữ uy tín cho chồng. Chị có một lòng tin tuyệt đối với anh Thanh: “Anh ấy làm gì cũng đúng”.
Bắt đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ, anh Thanh trở lại với quân đội. Thời gian ấy, chị Cúc không được khỏe, không thể cùng anh vào Nam, chị ở lại Hà Nội công tác. Dù đang ở rất xa, cuộc chiến đang căng thẳng, anh Thanh vẫn chia sẻ nỗi vất vả việc gia đình với vợ, hai vợ chồng chỉ còn được gặp nhau qua những bức thư. Anh chị không tâm sự được nhiều vì nguyên tắc bí mật. Tình yêu của họ, những nỗi lo lắng về nhau phải ngụy trang bằng những quy ước, những dòng chữ khô khan qua những bức thư ra Bắc vào Nam...
Trong những ngày trọng đại của đất nước, chị Nguyễn Thị Cúc là một trong những người phụ nữ phải sống với tâm trạng giằng xé giữa niềm vui và nỗi đau lớn nhất, vì anh Nguyễn Chí Thanh ra đi khi cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa giành thắng lợi.
Từ ngày anh Thanh ra đi, chị phải gánh vác mọi chuyện trong gia đình, làm những công việc giống như ngày anh Thanh còn sống, như anh Thanh từng mong muốn. Chị đã trở thành nguồn sức mạnh vô tận của gia đình. Những năm cuối đời, sức khỏe vốn không được tốt, chị vẫn kiên cường chống chọi. Chị đã làm tròn bổn phận của mình, chăm gia đình bên nội và bên ngoại, dạy dỗ các con nên người, xứng đáng là “hậu phương” vững chắc như anh Thanh mong muốn.