ClockThứ Ba, 29/10/2024 13:17

Anh Ngữ vượt khó thành công

TTH - Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Nông dân sản xuất giỏi ở Phú LộcNhanh nhạy trên đồng ruộng

 Anh Ngữ phát triển kinh tế ổn định với nghề làm phân hữu cơ

Tìm đến ngôi nhà của anh Ngữ, chúng tôi được anh giới thiệu về các nhà kho nằm ngay trước mặt và bên hông nhà. Với nhiều diện tích khác nhau, mỗi nhà kho được dùng vào từng công đoạn để tạo nên các sản phẩm phân hữu cơ. Anh cho biết: “Hiện nay, hai loại phân hữu cơ tôi sản xuất là phân bò khô đóng bao và phân ủ. Đây đều là các loại phân hữu cơ được thị trường ưa chuộng để làm đất tơi xốp và giàu chất dinh dưỡng”.

Trong kho, từng chồng bao phân hữu cơ được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Tại một kho khác, ụ phân hữu cơ ủ xong đang chờ được đóng bao để nhập cho khách mua sỉ. Cứ đều đặn xoay vòng như thế, nghề làm phân hữu cơ vừa mang lại thu nhập, vừa mang đến niềm vui sau chuỗi ngày anh Ngữ nỗ lực không ngừng nghỉ.

Từ khi còn bé, thị lực của anh Ngữ đã yếu hơn người bình thường. Đến năm lớp 7, mắt anh mờ hẳn đi và không thể nhận được mặt chữ nữa, con đường học tập vì thế cũng trở nên dang dở.

Sau này, cùng với sự đồng hành và động viên của những người chung cảnh ngộ tại Hội Người mù (HNM), anh Ngữ dần vượt qua mặc cảm. Anh bộc bạch: “Tôi hiểu rằng mình may mắn hơn nhiều người - những người mà hoàn toàn mất đi ánh sáng. Các anh, chị ấy dù gặp khó nhưng vẫn vươn lên với nhiều nghề khác nhau, trở thành người có ích. Tôi vừa khâm phục, vừa lấy đó làm động lực, cố gắng để không trở thành gánh nặng của gia đình”.

Vượt qua rào cản, anh Ngữ bươn chải với nhiều nghề để nuôi sống bản thân. Từ nuôi vỗ béo trâu, bò đến nuôi tôm, cua, cá. Ngoài ra, anh còn thử sức với nghề bán các sản phẩm thủ công của HNM. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn chẳng dư dả. Đến khi được nhiều người tín nhiệm và anh Ngữ trở thành Chi hội trưởng Chi hội Người mù xã Hương Phong, cuộc sống của gia đình anh cũng bắt đầu sang trang mới.

Anh kể: “Thông qua những chuyến đồng hành và sẻ chia cùng các hội viên khiếm thị, tôi đã bén duyên với nghề làm phân hữu cơ. Khi thăm các gia đình hội viên, nhận thấy nhiều người có nhu cầu mua và sử dụng phân hữu cơ để trồng cây cảnh, trồng rau, cây ăn quả, nhưng vẫn chưa tìm được nguồn phân bón phù hợp, tôi nghĩ rằng cơ hội kinh doanh của mình đã tới. Thế là vừa tìm tòi, học hỏi, vừa thử nghiệm nhiều cách làm khác nhau, tôi từng bước thành công và mở rộng quy mô như bây giờ”.

Thiếu kinh nghiệm thì anh học hỏi, vốn ít thì anh mạnh dạn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương HNM để mua nguyên liệu đầu vào. Dám nghĩ, dám làm và làm cho “chín”, những bao phân hữu cơ chất lượng ra đời từ quyết tâm đó của anh và nhanh chóng được nhiều khách hàng biết đến, rồi ưa chuộng.

Hiện nay, trung bình mỗi năm anh ủ 10 mẻ phân hữu cơ vi sinh, mỗi mẻ là 15 tấn. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, các loại phân hữu cơ được anh bán ra thị trường thu lãi hơn 130 triệu đồng. Thu nhập ổn định giúp anh Ngữ dần cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo lập gia đình hạnh phúc, đủ đầy. Không chỉ thế, anh còn tạo thêm việc làm thời vụ cho một số lao động tại địa phương.

Nhận xét về anh Ngữ, ông Phan Văn Quốc, Chủ tịch HNM TP. Huế cho biết: “Là một trong những gương người khiếm thị sử dụng vốn vay hiệu quả của HNM TP. Huế, anh Nguyễn Văn Ngữ vừa là điển hình trong hoạt động sản xuất, vừa nhiệt tình đóng góp cho phong trào hội tại địa phương”.

Bài, ảnh: MAI HUẾ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân
Tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, HTX tiêu biểu toàn quốc 2024

Tối 14/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024 nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2024).

Tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, HTX tiêu biểu toàn quốc 2024
Lần đầu Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và tư lệnh ngành nông nghiệp cùng đối thoại với nông dân

Với thông điệp “Cùng chia sẻ, cùng lắng nghe”, Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ IX năm 2024 đã nhận được hàng nghìn ý kiến, đề xuất, kiến nghị, chia sẻ liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nổi bật, có các vấn đề: tái thiết, phục hồi sản xuất sau cơn bão số 3; hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp đầu vào; chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Lần đầu Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và tư lệnh ngành nông nghiệp cùng đối thoại với nông dân
Nông dân hướng đến chuyển đổi số

Không những thành lập các chi, tổ hội nông dân (HND) nghề nghiệp, các cấp HND còn hỗ trợ hội viên, nông dân (HVND) hướng đến mô hình nông nghiệp chuyển đổi số.

Nông dân hướng đến chuyển đổi số
Return to top