ClockThứ Hai, 30/11/2020 06:30
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC ANH (1/12/1920 - 1/12/2020)

Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

TTH - Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã dành trọn cuộc đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng. Trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn dành trọn tâm huyết, trí tuệ và tài năng, làm tròn nhiệm vụ của mình với tình cảm cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia về Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sẽ tổ chức tại HuếCác thế hệ cựu chiến binh Thừa Thiên Huế với Đại tướng Lê Đức Anh

Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong một lần về thăm, làm việc với quê hương Thừa Thiên Huế. Ảnh: TL

Suốt đời cống hiến cho đất nước, Nhân dân                                         

Đồng chí Lê Đức Anh sinh ra trong gia đình, dòng tộc có truyền thống hiếu học ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Thân phụ từng là sĩ phu tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.

Sớm ảnh hưởng phong trào đấu tranh cách mạng trên quê hương Phú Lộc của các thế hệ tiền bối, đồng chí Lê Đức Anh giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước.

Năm 1938, sau quá trình tham gia phong trào đấu tranh dân chủ ở Phú Vang, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, trước sự khủng bố ráo riết của kẻ thù, hệ thống cơ sở Đảng ở Huế tổn thất hết sức nặng nề, để bảo toàn lực lượng, đồng chí bí mật rời quê hương vào Đà Lạt hoạt động và tham gia xây dựng tổ chức cách mạng.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, với vai trò Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một kiêm Bí thư Chi bộ Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Anh lãnh đạo công nhân, Nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số giành chính quyền thắng lợi ở các quận Hớn Quản, Bù Đốp và chi viện cho Thủ Dầu Một, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Thủ Dầu Một.

Sau Cách mạng tháng Tám, cuộc đời của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường từ Nam ra Bắc, được tin tưởng giao những trọng trách quan trọng: Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Tham mưu Phó Bộ Tư lệnh Nam bộ; từ năm 1955 đến năm 1963, đồng chí là Phó Cục trưởng Cục Tác chiến;  Cục phó, Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu và trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đầu năm 1964, đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam; Ủy viên Quân ủy miền; Tư lệnh Khu 9, Phó Bí thư Khu ủy; Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên buồng lái máy bay chiến đấu Su-27 trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam, ngày 1/5/1996. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí được phân công chỉ huy bộ đội ở hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành. Quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trên cơ sở phân tích, đánh giá thấu đáo tình hình, đồng chí đã có những đề xuất quan trọng về chuyển hướng tiến công, góp phần vào ý nghĩa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/01/1973), ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Trước tình hình đó, dù chưa có chủ trương của trên về tiến công quân sự, song dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, sự chỉ huy trực tiếp, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm của Tư lệnh Lê Đức Anh, quân và dân Quân khu 9 đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô cấp quân đoàn của địch đánh vào Chương Thiện, lần lượt đánh bại 75 tiểu đoàn cùng với kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của chúng.

Với những thành tích trong chỉ huy chống địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pa-ri năm 1973 trên địa bàn Quân khu 9 và những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1964 - 1974; ngày 16/4/1974, đồng chí Lê Đức Anh được Chủ tịch nước ký quyết định phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Với tài thao lược và kinh nghiệm trận mạc được tích lũy, đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức lực lượng, chỉ huy các cánh quân đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc.

Trong những năm từ 1976 đến 1986, đồng chí là Tư lệnh Quân khu 9, Bí thư Quân Khu ủy rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, là Tư lệnh Quân khu 7 kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp bạn Campuchia và Trưởng ban lãnh đạo các chuyên gia tại Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh đã trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, cứu nguy dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng và hồi sinh đất nước. Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng tháng 1/1980 và lên Đại tướng tháng 12/1984.

Năm 1986, Đại tướng Lê Đức Anh là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ năm 1987 là Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Đồng chí là Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1992 - 1997. Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4/2001; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.

Tấm gương sáng để Đảng bộ,quân và dân Thừa Thiên Huế tri ân, học tập và noi theo

Thừa Thiên Huế là quê hương, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Đại tướng, cũng là nơi đã nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh.

Khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và lúc nghỉ công tác, đồng chí vẫn luôn dành thời gian và tình cảm đặc biệt đối với quê nhà.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí nhiều lần trở lại Thừa Thiên Huế và gợi mở giúp quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội; gợi ý cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế xin phép Chính phủ xây dựng Cảng Chân Mây để vừa phục vụ kinh tế vừa phục vụ quốc phòng. Trong những năm 2004 - 2007, đồng chí đã nhiều lần cùng với cán bộ, ban, ngành Trung ương về làm việc với lãnh đạo tỉnh và đặc biệt quan tâm đề xuất để tỉnh triển khai thực hiện các đề án lớn như: Đề án công trình thủy lợi hồ Tả Trạch; Đề án nâng cấp TP. Huế từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; Đề án nâng cấp sân bay Phú Bài.

Với niềm tự hào và kính trọng, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế luôn khắc ghi sâu sắc những lời căn dặn của Chủ tịch nước, Đại tướng; nêu cao ý chí, lòng kiên trung cách mạng, đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, lãnh đạo và đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu, vững bước đi lên và đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, cao hơn bình quân chung của cả nước và một số tỉnh trong khu vực miền Trung. Thu ngân sách tăng bình quân gần 8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 3 vùng duyên hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt trên 100.000 tỷ đồng.

Kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều công trình, dự án quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I di tích Kinh thành Huế được triển khai quyết liệt, có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và kinh tế. Vị trí đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” của tỉnh được xác lập và khẳng định. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu...

Tiếp tục phát huy ý chí, nghị lực của một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là cái nôi đã sản sinh và nuôi dưỡng biết bao thế hệ lãnh đạo tài năng, tinh hoa của dân tộc, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế khẳng định quyết tâm tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, biến chủ nghĩa anh hùng thành sức mạnh tinh thần và hành động; đem tất cả tâm huyết, tài năng và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa Thừa Thiên Huế ngày càng đổi mới, hội nhập và phát triển, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; góp phần đáp ứng nguyện vọng và lòng mong mỏi của Đảng, Bác Hồ vĩ đại, của các thế hệ tiền bối, của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - người con ưu tú của quê hương và dân tộc.   

Lê Trường Lưu 

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,  Chủ tịch HĐND tỉnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục
55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA BÁC HỒ (9/1969 - 9/2024)
Mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Năm 2024, tròn 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Đây là văn kiện vô giá, là “kim chỉ nam” cho dân tộc Việt Nam trên con đường đi tới để thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Hào khí Cách mạng tháng Tám ở Huế trong thơ Tố Hữu

Ngay từ đầu năm 1945, khi cách mạng Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi, chiến tranh Thế giới thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc, nhà thơ đã tiên đoán vận hội mới cho dân tộc Việt Nam sẽ được mở ra qua bài thơ Xuân đến...

Hào khí Cách mạng tháng Tám ở Huế trong thơ Tố Hữu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top