Xuất khẩu thủy sản sẽ mở rộng thị trường từ EVFTA
Vực dậy nền kinh tế sau COVID-19
Dệt may được xem là ngành chủ lực của tỉnh với hơn 62 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất. Trong đó, có 47 DN sản xuất hàng dệt may với quy mô 400 chuyền may, khoảng 500 triệu sản phẩm may mặc và đồ lót/năm; lĩnh vực sợi có 13 DN với quy mô sản xuất 460.000 cọc sợi, tương đương khoảng 100.000 tấn sợi các loại/năm; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành dệt may có 2 DN.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dệt may đạt trên 705 triệu USD, chiếm tỷ trọng 74% tổng KNXK hàng hóa của tỉnh; ngành thủy sản đạt 47 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 102 triệu USD. Riêng KNXK các ngành thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may đi các nước EU trong năm 2019 còn khiêm tốn, trong đó các mặt hàng xuất sang các nước EU chủ yếu là tôm thẻ của Công ty CP Chăn nuôi CP; bàn, ghế gỗ của Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế; các sản phẩm sơ sợi, áo quần may sẵn các loại của Công ty Scavi Huế, Công ty CP Dệt may Huế, Công ty TNHH Hanesbrand VN Huế, Công ty CP Sợi Phú Bài.
Tại Công ty CP Dệt may Huế, đa số sản phẩm của công ty chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, khoảng 10% xuất sang châu Âu. Tuy nhiên, khi EVFTA được ký kết, công ty đã có kế hoạch mở rộng đối tác tại thị trường này. Với lợi thế thuế quan sẽ cắt giảm (theo lộ trình), đặc biệt công ty có nhà máy sản xuất vải, đáp ứng được yêu cầu “quy tắc xuất xứ từ vải trở đi” sẽ là một lợi thế cạnh tranh trong thời gian đến.
Theo lãnh đạo công ty, EVFTA là công cụ quan trọng để nâng cao thương hiệu sản phẩm của Việt Nam nói chung và sản phẩm của Thừa Thiên Huế nói riêng tại thị trường châu Âu. Đây cũng là cơ hội, sức ép để DN tự điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp cận các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Liên minh châu Âu là một trong 5 thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu đồ gỗ gặp khá nhiều thuận lợi khi EVFTA ký kết.
Theo Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế Lê Dương Huy, EU là thị trường khá ổn định đối với các sản phẩm đồ gỗ nội- ngoại thất với tỷ trọng xuất khẩu của DN chiếm trên 40%. EVFTA là động lực để DN tiếp tục đầu tư công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu thụ hưởng ưu đãi. Trong đó, các sản phẩm như ván dán, ván găm đang có thuế suất là 7% sẽ giảm về mức 0% sau 5 năm; còn với gỗ thanh đang có mức thuế là 3-4% và đồ gỗ dùng cho nhà bếp mức thuế là 2% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định này có hiệu lực.
Mở rộng thị trường
Thị trường EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính của các nhóm sản phẩm này nên EVFTA sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các DN, góp phần gia tăng KNXK, tiếp cận thị trường; đồng thời góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Hiệp định EVFTA ký kết sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế. Với cam kết xóa bỏ và cắt giảm thuế quan mà hai bên đã thống nhất sẽ là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... và đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các DN trên địa bàn.
Bên cạnh những thuận lợi về ưu đãi thuế quan, thời gian tới, ngành dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), cạnh tranh nguồn nhân lực gia tăng do các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển nhà máy vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế làm chi phí nhân công tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.
Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, thời gian tới, sở tập trung triển khai chương trình phát triển CNHT, tạo động lực và bước đột phát cho ngành công nghiệp tỉnh, đặc biệt là CNHT ngành dệt may; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, các dự án mới đưa vào sản xuất hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất. Đồng thời tăng cường xúc tiến, vận động đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ngành công nghiệp dệt may và tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy dệt may về các vùng nông thôn.
UBND tỉnh đang có kế hoạch phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương tổ chức phổ biến, tuyên truyền về EVFTA cho các cơ quan liên quan và các DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ khi tham gia công tác tuyên truyền, quảng bá các mặt hàng xuất khẩu của mình ra thị trường nước ngoài mà trọng tâm là EU.
Bài, ảnh: THANH HƯƠNG