ClockThứ Ba, 23/11/2021 14:50

Hòa giải bằng cái tâm

TTH - Hòa giải thành hơn 73% số lượng vụ án dân sự trong năm 2021, là nỗ lực của Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp, để làm giảm tình trạng mâu thuẫn căng thẳng, xung đột trong cộng đồng, “chữa lành” nhiều “tế bào” xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việcTập huấn nghiệp vụ cho hơn 150 Hội thẩm tòa án nhân dân hai cấp

Nhiều thẩm phán TAND hai cấp được ghi nhận sự đóng góp trong công tác, bổ nhiệm các vị trí quan trọng

Đặt mình vào vị trí của đương sự 

Theo ông Vũ Văn Minh, Chánh án TAND tỉnh: Những năm qua, chất lượng xét xử các loại án dân sự (bao gồm án tranh chấp dân sự, án hôn nhân & gia đình, kinh doanh thương mại, lao động) của TAND hai cấp đảm bảo chính sách, pháp luật. Mặc dù nhiều vụ án tranh chấp phức tạp như: tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế nhà đất, tranh chấp đòi lại nhà đất cho ở nhờ, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất…, nhưng TAND hai cấp đã nỗ lực cố gắng, tập trung xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tốt. Nhiều đơn vị đã kiên trì hoà giải, có kế hoạch, lựa chọn thời điểm hòa giải thích hợp, nên tỷ lệ hòa giải thành đạt tỷ lệ cao.

Hòa giải bằng cái tâm, bằng tất cả sự chân thành, đặt mình vào vị trí của các đương sự để hòa giải là bộc bạch tự đáy lòng của ông Vũ Văn Minh, ông Lê Hữu Nam (Chánh án TAND thị xã Hương Trà), bà Mai Thị Mộng Trinh (Phó Chánh án TAND thị xã Hương Trà), bà Trần Thị Phương Thảo (thẩm phán TAND thị xã Hương Thủy) và rất nhiều thẩm phán khác của TAND hai cấp. Đây cũng là tâm huyết, trách nhiệm mà những thẩm phán có thâm niên, “lăn lộn” trong công tác xét xử nói chung, công tác hòa giải nói riêng, lan tỏa đến những người trẻ trong nghề. Bởi vì thực tế cho thấy, thẩm phán hòa giải bằng cái tâm chân thành, đã tháo gỡ được nhiều vụ tranh chấp vô cùng căng thẳng.

Những vết thương được chữa lành

Phó Chánh án TAND thị xã Hương Trà, thẩm phán Mai Thị Mộng Trinh kể, mới đây nhận nhiệm vụ thụ lý, giải quyết vụ tranh chấp yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn “hy hữu”. Trước đó, đôi vợ chồng này đã ra tòa ly hôn. Các con chung đã được “chia” cho người bố, người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Con trai nhỏ theo bố về ở cùng ông, bà nội. Người bố và ông bà nội rất thương yêu, ẵm bồng, chăm sóc cháu từng li từng tí. Vài năm sau, người mẹ phát hiện đứa con (đã thỏa thuận giao cho chồng cũ) là con riêng của mình với người đàn ông khác. Đứa con không có quan hệ huyết thống với chồng cũ, nên chị “đòi” lại.

Một mặt, dẫu biết đứa con không phải ruột thịt của mình, nhưng bao năm nuôi nấng đã xây đắp một tình cảm yêu thương ruột thịt; mặt khác để “trả đũa” vợ cũ, người chồng cũ nhất quyết không “trả” con, sau đó đòi vợ cũ phải bồi thường lại khoản chi phí đã nuôi dưỡng mới đồng ý “trả” đứa bé.

Quá trình làm việc với các đương sự, quan sát từng ánh mắt, cử chỉ, biểu hiện, dù rất nhỏ, nữ thẩm phán nhận thấy giữa người bố, ông bà nội và đứa trẻ là một tình cảm yêu thương sâu nặng. Nếu mở phiên tòa, áp dụng các quy định của pháp luật để xét xử thì sẽ “nhanh gọn”. Nhưng với trăn trở, muốn giữ lại tình cảm quý giá, thiêng liêng kia không bị sứt mẻ, đặc biệt sau này lớn lên, đứa trẻ vẫn biết ơn, vẫn yêu thương người bố, ông bà nội, vậy nên bằng sự thành tâm, thẩm phán quyết tâm kiên trì phân tích thiệt, hơn và đã hòa giải thành công.

Trong hành trang của người thẩm phán, Chánh án TAND tỉnh, ông Vũ Văn Minh luôn cất giữ những “câu chuyện” ý nghĩa từ việc hòa giải các vụ án tranh chấp dân sự, dù nhiều năm đã trôi qua. Khi ấy, đường đến xã Hương Thọ, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, nay là TP. Huế) còn ngăn sông trở đò, rất khó khăn trong đi lại, nhất là mùa mưa gió, rét mướt. Thế nhưng, thẩm phán Vũ Văn Minh lúc đó đã không biết bao lần bọc kín hồ sơ trong mấy “tầng” ni lông, lặn lội đi đò qua sông, qua phá Tam Giang để hòa giải các vụ tranh chấp “trớ trêu” như tranh chấp trâu, hoặc tranh chấp 1 con gà giữa những người hàng xóm. “Thấy cán bộ tòa án lặn lội cùng người dân như vậy, vất vả như vậy, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm với công việc, người dân, nên họ cảm thông. Từ chỗ căng thẳng, các bên đương sự “dịu” xuống. Mình phân tích điều hơn lẽ thiệt, giải thích các quy định của pháp luật, họ chịu nghe, chấp nhận hòa giải” - ông Minh chia sẻ.

Những người làm công tác xét xử TAND hai cấp luôn tâm niệm, khi hòa giải một vụ tranh chấp, đồng thời với việc tinh thông về pháp luật, giải thích cặn kẽ về các quy định của pháp luật (nhất là trong các vụ án tranh chấp thừa kế, người dân thường có suy nghĩ sai lầm khi cho rằng chỉ có con trai mới có quyền hưởng di sản cha mẹ để lại), cái tâm và sự nhẫn nại, kiên trì sẽ “lay động” được các đương sự, khiến họ chấp nhận hòa giải. Mỗi vụ án dân sự, hôn nhân & gia đình…, được hòa giải thành công, là một “tế bào xã hội” được “chữa” lành. Hòa giải thành công các vụ án dân sự phức tạp, TAND hai cấp đã góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Return to top