Thế giới

Sử dụng vaccine tốt hơn có thể giảm 2,5 tỷ liều kháng sinh mỗi năm

ClockThứ Bảy, 12/10/2024 06:57
TTH - Đầu tư nhiều hơn vào vaccine có thể ngăn ngừa tử vong do tình trạng kháng kháng sinh, giảm sử dụng kháng sinh và tiết kiệm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong báo cáo mới nhất.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Anh phát triển vaccine​ ngừa ung thư buồng trứng đầu tiên trên thế giớiASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vựcNhật Bản cam kết quyên góp 3 triệu liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ

Tiêm vaccine cho trẻ em tại Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN 

Theo đó, các loại vaccine chống lại 24 tác nhân gây bệnh có thể làm giảm 22% số lượng kháng sinh cần dùng, tương đương 2,5 tỷ liều dùng hàng ngày được xác định mỗi năm trên toàn cầu, qua đó hỗ trợ các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng kháng kháng sinh.

Trong khi một số loại vaccine đã có sẵn nhưng chưa được sử dụng đúng mức, thì một số loại vaccine khác cần được phát triển và đưa ra thị trường càng sớm càng tốt. Đáng chú ý, có gần 5 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến tình trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu.

Vaccine là một phần thiết yếu trong phản ứng nhằm giảm tình trạng kháng kháng sinh, vì chúng ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm việc sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh, đồng thời làm chậm sự xuất hiện và lây lan của các tác nhân gây bệnh kháng thuốc.

Báo cáo mới của WHO được mở rộng dựa trên một nghiên cứu của tổ chức này, từng được công bố trước đó trên Tạp chí BMJ Global Health hồi năm ngoái. Theo ước tính, các loại vaccine hiện đang được sử dụng để chống lại phế cầu khuẩn, vi khuẩn Hib (gây viêm phổi và viêm màng não) và thương hàn có thể ngăn ngừa lên tới 106.000 ca tử vong liên quan đến tình trạng kháng kháng sinh mỗi năm. Ngoài ra, có thể ngăn ngừa thêm 543.000 ca tử vong liên quan đến tình trạng kháng kháng sinh hàng năm khi các loại vaccine mới ngừa bệnh lao (TB) và vi khuẩn Klebsiella pneumoniae được phát triển và triển khai trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: “Việc giải quyết tình trạng kháng kháng sinh bắt đầu bằng việc ngăn ngừa nhiễm trùng, và vaccine là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để thực hiện điều đó. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, và việc tăng cường tiếp cận với các loại vaccine hiện có và phát triển những loại vaccine mới đối với các bệnh nguy hiểm, như bệnh lao, đóng vai trò rất quan trọng để cứu sống và đảo ngược tình trạng kháng kháng sinh”.

Những người được tiêm vaccine ít bị nhiễm trùng hơn, và được bảo vệ khỏi các biến chứng tiềm ẩn từ các bệnh nhiễm trùng thứ cấp có thể cần dùng thuốc kháng sinh, hoặc phải nhập viện. Báo cáo đã phân tích tác động của các loại vaccine đã được cấp phép, cũng như những loại vaccine trong các giai đoạn phát triển khác nhau.

Trên toàn cầu, chi phí điều trị các tác nhân gây bệnh kháng thuốc được đánh giá trong báo cáo của WHO ước tính ở mức 730 tỷ USD mỗi năm. Nếu có thể triển khai vaccine chống lại tất cả các tác nhân gây bệnh được đánh giá, có thể tiết kiệm được 1/3 chi phí điều trị liên quan đến tình trạng kháng kháng sinh.

Qua đó, cần có một cách tiếp cận toàn diện, lấy con người làm trung tâm, và được áp dụng trên khắp các hệ thống y tế để ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng. Cách tiếp cận này xem tiêm chủng là cốt lõi để ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh, và đặc biệt có tác động khi kết hợp với những biện pháp can thiệp khác.

LÊ THẢO (Lược dịch từ WHO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực
Return to top