Bên cạnh đình làng, cũng như nhiều làng quê khác ở Thừa Thiên Huế, làng Thổ Sơn có nhiều am miếu thờ, như am Ngũ Hành, miếu Thành Hoàng, miếu Đá và đặc biệt có miếu Mục Đồng. Nằm ở xóm Làng, một trong 5 xóm của làng Thổ Sơn, miếu Mục Đồng là một dấu ấn văn hóa đặc sắc của vùng quê này. Miếu được người xưa xây dựng ở đồng mô (vị trí quan sát thuận lợi) giữa một đồng cỏ lớn, là nơi chăn thả trâu bò xưa của làng, gắn với hình ảnh thân thương là những trẻ chăn trâu (mục đồng).
Từ khi có hầm, việc qua lại ở đèo Phú Gia càng thuận tiện hơn. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn
Đã đi về nhiều làng quê ở Thừa Thiên Huế và Thổ Sơn là nơi lần đầu tiên tôi phát hiện miếu Mục Đồng cùng lễ cúng miếu vào dịp tết đến, xuân về. Tôi nghĩ, nó không quá lạ, bởi Thổ Sơn có nhiều đồng cỏ mênh mông bên cạnh các cánh đồng lúa nằm ở ven đồi, ven những con khe với các tên gọi thân thương, như: Đồng Lâm, đồng Nhà Bà, đồng Phần, đồng Mặt, đồng Ruộng Gác, đồng Cường Cao, đồng Khe Môn, đồng Vụng Lác, đồng Bàu… Nghề nông với hình ảnh trẻ chăn trâu gắn chặt với cuộc sống ở vùng quê nghèo này. Một thời, Đinh Hương và Hương Bàu là 2 đặc sản lúa nếp nổi tiếng thơm ngon của làng Thổ Sơn. Nếp Đinh Hương được xem là “nếp tiến cung”. Khi nếp trổ bông, hạt đã vào chắc thì có khả năng chịu được ngập lụt rất tốt. Ở làng Thổ Sơn, nếp Đinh Hương được trồng nhiều ở cánh đồng Phần, nơi ruộng sâu và có nhiều bùn. Người dân Thổ Sơn trồng nếp Đinh Hương hay Hương Bàu không chỉ để “tiến vua” mà còn để chuẩn bị cho 3 ngày Tết, nấu dĩa xôi, chén chè hay gói nồi bánh tét, bánh chưng.
Sau những nghi lễ cúng bái chào đón năm mới, ngay từ mồng Một Tết, người dân Thổ Sơn xưa đã mở hội xuân. Địa điểm là một khoảnh đất cố định ở cồn Đu. Gọi là cồn Đu, bởi ở đó người ta tổ chức chơi cù, đập om, các hội bài chòi, bài ghế, rất đông vui và tất nhiên, hấp dẫn hơn cả là trò đu quay. Đây được xem là một phiên bản đu tiên mà ta bắt gặp ở hội xuân các làng Phước Yên hay Gia Viễn (huyện Quảng Điền). Khác chăng là hình thức chơi đu. Đu làm bằng gỗ cứng, gồm một trục giữa (trục quay) và 4 ghế (4 người ngồi) ở 4 góc nên gọi là đu quay. Tôi đã gặp nhiều người dân ở Thổ Sơn, nghe họ kể lại cái trò đu quay ngày tết thật vui. Người chơi ngồi trên ghế đu, chân thả xuống đất, cầm chắc tay cốt an toàn rồi dùng sức đẩy cho đu quay tròn, càng nhanh càng tốt, một đầu lên cao, một đầu xuống thấp. Cứ vậy kéo dài, ai không chịu được phải xuống đất coi như thua. Tất nhiên, cuộc chơi diễn ra trong không khí náo nhiệt, rộn vang tiếng reo hò, cổ vũ của già trẻ, gái trai trong làng.
Qua đèo Phú Gia là đến làng Thổ Sơn. Ảnh: TL
Nhà bác học Lê Quý Đôn là người đầu tiên nhắc tới cái tên Thổ Sơn. Trong tác phẩm nổi tiếng “Phủ biên tạp lục” được viết vào thế kỷ thứ 18, Lê Quý Đôn đã giới thiệu về Thổ Sơn với tư cách là một phường thuộc tổng Diêm Trường. Ngay tên gọi Thổ Sơn (sau này có sách viết là Thọ Sơn) cũng đã cho thấy vị thế của vùng nằm ở vùng rừng núi này. Tôi đã nhiều lần đi qua và ghé lại làng Thổ Sơn. Nhiều con đường được mở ra và nhà cửa hiện đại nay được xây dựng ngày càng nhiều hơn, thế nhưng ở làng Thổ Sơn, ta vẫn bắt gặp một cảnh tượng hoang sơ và huyền bí của ngôi làng nằm chênh vênh nơi con đèo Phú Gia heo hút. Nhất là vào những ngày đông mưa dầm dề giáp Tết này, đi qua đèo Phú Gia nhìn ra các xóm làng Thổ Sơn, Phú Gia, Trung Kiền… bàng bạc một sắc màu quạnh hiu. Nó như một gam màu đối lập với các phố thị Đà Nẵng hay Huế mà ta vừa đi qua.
Trò chơi đu quay giờ chỉ còn là hoài niệm nhưng lễ hội xuân của làng Thổ Sơn xưa còn đó, vẫn được tổ chức đều đặn ở cồn Đu. Tạm xếp lại bao lo toan đời thường, Tết đến và Xuân về, làng quê Thổ Sơn vẫn tưng bừng các hội bài chòi, bài ghế, trò chơi đập om… Còn thay cho đu quay, chơi cù bây giờ là đá bóng. Nhớ hôm gần cuối năm 2017, ngồi trò chuyện với Lê Văn Sắt, trưởng thôn Thổ Sơn, nghe anh kể chuyện hội làng Thổ Sơn (mà anh cũng là người nghe kể lại) mà thấy lòng rạo rực hẳn lên. Anh Sắt bảo, Thổ Sơn có 5 xóm nhỏ được gọi một cách dân dã: Xóm Làng, xóm Rú, xóm Trung, xóm Giữa và xóm Bàu. So với 4 xóm còn lại, xóm Rú nằm tận phía núi. Thế nhưng, dù xa xôi và cách trở, người dân xóm Rú xưa cũng như nay, vẫn đều đặn băng đèo, lội suối để góp mặt với hội làng ngày xuân.
Tôi thích hội đu tiên. Đã nhiều năm nay, dù nhiều bận rộn nhưng cứ vào mồng hai Tết là tôi lại tranh thủ chạy ra làng Phước Tiên xem hội đu tiên. Nhìn những người chơi, có cả những trai thanh và gái lịch, cùng nhún nhẩy và cười vui giữa không trung, mà thấy mình như ở tận cõi tiên. Cũng đã nhiều năm nay, từ làng hội đu tiên đã được mang lên Huế để góp vui ở chốn kinh thành xưa. Xem đu tiên lại nhớ đến đu quay, giờ chỉ còn là ký ức cùng với lễ hội xuân làng Thổ Sơn năm nào nơi chân đèo Phú Gia. Nó bắt đầu từ dáng vẻ ai đó tất bật nhưng chỉnh chu ở lễ cúng nơi miếu Mục Đồng vào chiều tối 30 Tết.
ĐAN DUY