ClockThứ Hai, 20/02/2017 06:16

Nét đẹp của Hội làng, Hội xuân xứ Huế

TTH - Thuở xưa, người bình dân gọi các lễ hội mở ở các làng xã là “Hội làng”. Hội làng ở xứ Huế mùa nào cũng có, nhưng mùa có Hội làng nhiều nhất chính là mùa xuân.

Quây lưới bắt cá - hoạt cảnh tại lễ hội cầu ngư làng Thai Dương 2017. Ảnh: Ngọc Sơn

Từ thế kỷ XVI, tiến sĩ Dương Văn An trong sách “Ô châu cận lục” đã có những dòng ghi chép về lễ hội dân gian ở vùng đất châu Ô, châu Rí (Nam Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay) như sau:

“Xuân sang mở hội đua bơi, lụa là chen chúc. Hạ tới, trải chiếu đấu thăm, ca múa tưng bừng”(1).

Chắc chắn lễ hội xứ Đàng Trong không phải đến thế kỷ 16 mới có mà trước đó, hàng bao thế kỷ khi người Chăm, rồi người Việt tới vùng đất này khai hoang mở đất, lập làng thì họ đã tạo dựng nên nhiều đình miếu để thờ cúng thần linh và tổ chức ra nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Những sinh hoạt này dần dần đã trở thành nếp sống, thành phong tục của các địa phương.

Thuở xưa, người bình dân gọi các lễ hội mở ở các làng xã là “Hội làng”. Hội làng ở xứ Huế mùa nào cũng có, nhưng mùa có Hội làng nhiều nhất chính là mùa xuân. Vào những tháng ngày đầu năm, miền Trung đã bớt lạnh, ít mưa, cây cối đua nhau đâm chồi, nảy lộc, hoa trái khoe sắc, tỏa hương; công việc ruộng đồng, nương rẫy cũng đã được thu xếp gọn gàng, ổn thỏa. Người lao động có chút thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức lực, di dưỡng tinh thần. Hội làng được mở ra là để tế cúng thần linh, cầu xin trời đất, thần phật phù hộ, độ trì cho dân các làng, xã bình an, làm ăn tấn tới, mùa màng bội thu, cá tôm đầy thuyền… Đây cũng là dịp để bà con các thôn xóm, bản làng được gặp gỡ, hội tụ và cùng nhau tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian.

Qua nhiều chuyến đi điền dã về các làng quê từ vùng đồng bằng ven biển, ven đầm phá đến vùng đồi núi dọc dải Trường Sơn, chúng tôi thấy lễ hội dân gian tổ chức vào mùa xuân ở Thừa Thiên Huế thực phong phú, thực đa dạng về nhiều mặt. Nhìn đại thể, Hội làng xứ Huế có thể phân thành các nhóm sau:

* Lễ hội tế cúng Bổn thổ Thành hoàng làng và các ngài khai canh, khai cư.

Ví dụ: Lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương (thị trấn Thuận An), lễ hội cầu an ở Bao Vinh Hạ (xã Lộc Sơn- Phú Lộc), lễ tế thần ở làng Phú Ổ (xã Hương Chữ- Hương Trà)…

* Lễ tế cúng Tổ sư các ngành nghề.

Chẳng hạn tế cúng Tổ sư nghề điêu khắc ở Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa- Phong Điền), nghề rèn ở làng Hiền Lương (xã Phong Hiền- Phong Điền), nghề kim hoàn ở phường Trường An, phường Phú Cát (TP. Huế)…

* Lễ cầu an đầu năm mới.

Ví như Lễ hát sắc bùa, hát nhà trò ở Phò Trạch (Phong Bình- Phong Điền).

* Lễ hội chợ Tết cầu may.

Ví dụ: Hội chợ Quảng Ngạn (Quảng Điền), chợ Mỹ Lợi (Phú Lộc) v.v…(2)

Hoạt cảnh tại lễ hội cầu ngư làng Thai Dương 2017. Ảnh: Ngọc Sơn

Hầu hết các lễ hội ở Thừa Thiên Huế được tổ chức vào tháng Giêng. Thời gian tổ chức từ một đến vài ngày, không có lễ hội nào kéo dài hàng tháng như lễ hội ở một số nơi khác. Không ít Hội làng ở xứ Huế, không chỉ có người trong làng tham gia mà còn lôi cuốn được nhiều người trong vùng, trong huyện đến cùng vui. Ví như Hội vật làng Thủ Lễ, Hội cầu ngư Thuận An …

Các lễ hội thường bao gồm cả 2 phần: phần lễ và phần hội. Người tổ chức, chủ trì lễ hội và dân làng rất coi trọng phần lễ. Việc lạy bái, dâng hương hoa, trà tửu, đọc văn chúc, văn tế… được tiến hành rất bài bản, thành kính, trang nghiêm, mang rõ sắc màu của văn hóa Cố đô. Phần lễ chính là nội dung của các loại hình tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, Hội làng xứ Huế xưa cũng như nay rất ít thấy hiện tượng mê tín - dị đoan hoặc những hành động, những việc làm phản cảm, thiếu văn hóa của những người đến dự lễ hội.

Phần hội, mỗi hội làng có những hoạt động khác nhau. Làng thì tổ chức đua thuyền trên đầm phá, trên biển (như ở Thuận An, ở An Bằng), làng thì mở hội vật như ở làng Sình, làng Thủ Lễ… Rồi nữa, đu tiên, hát sắc bùa, hò mái nhì, mái đẩy, hát các điệu lý, các bài Nam ai, Nam bình v.v… không hội làng này thì hội làng khác đều có… Các hoạt động thể thao, văn nghệ, các khúc hát, điệu hò dân gian, các trò chơi diễn ra trong lễ hội tất cả đều mang rõ sắc thái địa phương, sắc thái văn hóa Huế nên đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân.

Văn hóa dân gian là một dòng chảy không ngừng. Hội làng từ Nhân dân mà ra và cũng từ Nhân dân mà có những thay đổi cho phù hợp với cuộc sống mới của từng giai đoạn lịch sử. Việc duy trì, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Hội làng, Hội xuân là một công việc mang nhiều ý nghĩa to lớn.

Trần Hoàng

(1)   Ô châu cận lục- Dương Văn An (Trần Đại Vinh dịch chú)- Nxb Thuận Hóa- 2015, trang 69.

(2)   Xin xem Huế- lễ hội dân gian (Tôn Thất Bình)- Hội VHNT Thừa Thiên Huế xb 1997.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một chiều xứ Huế

Đi qua khu nghĩa trang mênh mông có đường lên Chín Hầm điểm những vạt thông biếc xanh như những chiếc ô trời che nơi cõi tịnh.

Một chiều xứ Huế
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Nhà dài - Nét đẹp văn hóa vùng cao

Có dịp ghé thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà dài duy nhất được xây dựng theo mô thức truyền thống của đồng bào Pa Cô. Năm 2014, ngôi nhà dài được nghệ nhân đan lát Quỳnh Quyên (trú tại thôn A Năm, xã Hồng Vân) vận động dựng và được coi là biểu tượng của tình đoàn kết giữa những người dân trong thôn.

Nhà dài - Nét đẹp văn hóa vùng cao
Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

Nhiều món ngon trứ danh đại diện cho một số vùng miền được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thể kể đến như mì Quảng (Quảng Nam), nghề nấu phở (Nam Định). Trước những thông tin này, những thực khách đặt câu hỏi vậy bún bò Huế đứng ở đâu trên bản đồ ẩm thực và tại sao chưa được ghi danh?

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

TIN MỚI

Return to top