ClockThứ Năm, 30/11/2017 08:56

Hơn 21% cán bộ, công chức là lãnh đạo!

Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó, chiếm 21,7% tổng số cán bộ, công chức. Thậm chí có cơ quan tất cả cán bộ là lãnh đạo, không có chuyên viên

Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mớiQuy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộCông tác cán bộ phải đi trước một bướcNâng cao hơn nữa công tác tham mưu về quy trình công tác cán bộ

Thông tin trên được nêu lên tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 29-11.

Phình từ trung ương đến địa phương

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã dành cả buổi sáng để phân tích Nghị quyết số 18 về "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Chứng minh hệ thống chính trị ngày càng phình ra, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã nêu những con số giật mình. Hiện cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục tăng 4,7%; 750 vụ, cục và tương đương thuộc bộ tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ, tăng 13% so với năm 2011. Chưa hết, các cơ quan giúp việc của trung ương cũng tăng 23 đầu mối, 40 đầu mối cấp vụ. Các cơ quan tham mưu giúp việc các tỉnh cũng tăng 162 đầu mối cấp phòng…

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn còn chồng chéo giữa một số cơ quan tham mưu của Đảng với cơ quan chuyên môn nhà nước như Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo… với cơ quan nội vụ, thanh tra, thông tin và truyền thông của nhà nước. Hay một số bộ như Giao thông Vận tải với Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư  với một số bộ khác. Việc quản lý nợ công liên quan nước ngoài mà có 3 bộ ngành là Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng thực hiện.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nam

Ông Phạm Minh Chính dẫn ra nhiều nước trung bình có 12-16 bộ như Nhật Bản là 11 đơn vị, Singapore là 15, Trung Quốc 20…, trong khi Việt Nam thì Chính phủ có 30 bộ, cơ quan ngang bộ và các đầu mối trực thuộc. So với các nước châu Âu, Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều và vào nhóm cao nhất.

Cũng theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ở đơn vị hành chính cấp địa phương, tình trạng cồng kềnh, "nở" ra cũng tương tự cấp trung ương. Năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, tăng 178 huyện, 1.136 xã… Trong 10 năm qua, chỉ giảm được một tỉnh là việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.

5 công chức có 1 lãnh đạo

Số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước hiện khoảng 4 triệu người, chưa tính quân đội và công an. Điều đáng nói, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của trung ương về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì số người hưởng lương, phụ cấp không giảm mà tăng lên. Theo Nghị quyết 39, mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000-150.000 người nhưng thực tế tăng thêm 96.000 người.

Tính tỉ lệ công chức, viên chức hưởng lương trên 1.000 dân thì Việt Nam có 43 người, chưa kể quân đội và công an. Trong khi đó, một số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philippines 1.000 dân có 13 cán bộ, công chức, viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người, Singapore có 25 người… "Cơ bản Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước" - ông Phạm Minh Chính nhìn nhận.

Điều đáng chú ý là chưa có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế cũng như được khen vì giảm biên chế thành công. "Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, có chê, có kỷ luật thì rất khó. Xu hướng chung vẫn là xin tăng biên chế vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên" - ông Phạm Minh Chính nói.

Năm 2011-2015, chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách. Năm 2017, dự kiến chi thường xuyên 64,9%, tăng hơn 16% so với 2015. Mục tiêu của Nghị quyết 39 là từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế, vào khoảng 400.000 biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên khoảng 5%, tương đương 45.000 tỉ đồng.

Về số lượng lãnh đạo trong các cơ quan đơn vị, cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng. Cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng; thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng.

"Báo cáo của các bộ ngành với danh bạ không khớp nhau. Như vậy, trong quá trình in sai hoặc là báo cáo không đúng. Báo cáo về cấp hàm, cấp phó có nơi không có nhưng giở ra thì 19 hàm vụ phó. Cấp hàm này nhiều quá thì ngượng!" - ông Chính nói.

Đơn vị sự nghiệp có thể thành công ty cổ phần

Tại hội nghị, đề cập nội dung Nghị quyết về "tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng với những ngành, địa bàn mà thị trường làm tốt thì tăng cường xã hội hóa, "bàn giao" cho xã hội làm, chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, phải lưu ý là xã hội hóa nhưng không phải thương mại hóa, bởi đây là các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và y tế.

Theo NLĐ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các nhà Lãnh đạo nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G20

Ngày 19/11 (theo giờ địa phương), tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 7 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, gồm Canada, Singapore, Tây Ban Nha, Paraguay, UAE, Vatican, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các nhà Lãnh đạo nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G20
Return to top