Thiên nhiên kỳ diệu đã kiến tạo cho Huế một cảnh sắc hữu tình. Sông Hương chia TP. Huế ra hai bờ Bắc - Nam riêng biệt, để mỗi bờ sông là một màu xanh thăm thẳm. Màu cây lá ấy như ẩn chứa biết bao điều bí ẩn và phố của Huế được che chắn bởi những hàng cây. Phải chăng nhờ được sống trong cảnh trí thiên nhiên thơ mộng mà tâm hồn Huế tràn đầy chất thơ, thành phố càng trở nên dịu dàng quyến rũ?
Giữa cái nắng mùa hè gay gắt, nhưng đến Huế du khách sẽ cảm nhận được ngay bầu không khí dễ chịu, mát mẻ, trong lành. Hầu hết những con đường ở Huế dày đặc những hàng cây cổ thụ: Ngô Quyền, Lê Lợi, 23 tháng 8, Đoàn Thị Điểm, Bạch Đằng, Lê Duẩn... được xem như một lá chắn tự nhiên làm bớt đi cái nắng oi ả của mùa hè. Ở Huế, còn có những con đường học trò dày đặc những hàng cây. Đường Lê Lợi chạy dọc bờ sông Hương có những ngôi trường với màu áo trắng, màu xanh lá cây và màu loài hoa học trò. Đường “phượng bay” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngày nào vẫn đẹp. Xin mượn lời trong tình khúc của ông để ví rằng: Hàng cây thắp nến ấy vẫn rực rỡ bao ngày. Trên con đường “phượng bay” vẫn duy nhất loài cây mang tên phượng vĩ.
Không có thành phố nào như ở Huế, nơi có những căn nhà được bao quanh bởi hàng rào chè xanh, những bờ dậu ô rô được xén tỉa công phu, bên trong là khu vườn xanh tốt mượt mà, những cây ăn quả xum xuê. Trong các phố vườn nổi tiếng ở Huế, phải kể đến Kim Long. Sử sách ghi lại rằng: Trước thời các chúa Nguyễn cắm đô ở đây, vùng Kim Long đã xuất hiện những thôn hoa xanh biếc. Dân cư sống bằng nghề làm vườn đã lâu đời. Cho đến hôm nay, dải đất ven sông Hương từ cầu Bạch Hổ lên đến chùa Thiên Mụ, những ngôi nhà được xây cất giữa những khu vườn xanh tươi, với các loại cây ăn quả: thanh trà, măng cụt, sa-pô-chê...
Huế vốn nổi tiếng về nhiều loại cây đặc sản: quýt Hương Cần, thanh trà Hương Long, Nguyệt Biều... Mỗi độ thu về, đến Nguyệt Biều, những khu vườn thanh trà hiện ra trong vẻ đẹp của hoa trái, tạo cho con người đến thăm vườn có cảm giác rạo rực. Cây thanh trà không biết có mặt trên đất Huế từ bao giờ, nhưng theo sử sách triều Nguyễn, thanh trà Lương Quán, Nguyệt Biều là của ngon, vật lạ tiến vua triều Nguyễn.
Có lẽ ít có thành phố nào như ở nơi đây, giữa tạo vật và con người luôn gắn bó một tình bạn thân thiết và tươi xanh đến như vậy. Ông Nguyễn Hữu Vấn, chủ nhân của nhà vườn “Tịnh Gia Viên” đã trải qua nhiều năm tháng làm một người thầy giáo mẫu mực, nhân hậu và tận tụy, rồi rời bục giảng tham gia cách mạng. Tâm hồn của người nhạc sĩ cùng tình yêu thiên nhiên đã giúp ông tạo dựng “Tịnh Gia Viên”. Giới nghệ nhân làm vườn ở Huế bầu ông làm hội trưởng cũng phải, vì lẽ ông trồng cây như “trồng” người. Ở “Tịnh Gia Viên”, ý niệm vườn không nhằm mục đích kinh tế mà là nơi con người được sống với cây cỏ trong một tình bạn lớn.
Người ta gọi Huế là thành phố vườn, ở đâu cũng thấy được màu xanh mát dịu của sông nước, hoa trái, cỏ cây. Những con đường rợp bóng mát của những hàng cây, những nhà vườn làm cho gương mặt đô thị mang tính độc đáo. Vừa phố, vừa vườn, vừa êm đềm thơ mộng tạo nên nét riêng của văn hóa Huế. Chính quyền cùng người dân địa phương đang xây dựng và phát triển TP. Huế theo hướng thân thiện với môi trường xanh và bền vững, nhằm góp phần vào mục tiêu chung, chống biến đổi khí hậu và sự ấm lên của trái đất. Ngày 28/6 vừa qua, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) trao bằng công nhận “Thành phố xanh Quốc gia” năm 2016 cho TP. Huế.
Hoàng Linh