Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi làm việc với xã Quảng Thọ
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thọ, ông Võ Việt Đức thông tin, địa phương xác định quan điểm xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có kết thúc nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển nông thôn bền vững. Địa phương phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến đạt chuẩn xã NTM nâng cao và xây dựng xã sớm trở thành NTM kiểu mẫu, gắn với chuyển đổi số. Nhiệm vụ và các giải pháp thúc đẩy giảm nghèo bền vững được địa phương thực hiện có hiệu quả. Trong đó tập trung giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, an sinh xã hội nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm, đến nay chỉ còn dưới 3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng (năm 2021)…
Qua quá trình tuyên truyền, vận động, cán bộ, Nhân dân địa phương ý thức cao và tích cực hưởng ứng phong trào “Mai vàng trước ngõ”. Hầu hết tại các trụ sở cơ quan, trường học đều trồng mai, phần lớn các hộ dân trên địa bàn đều trồng mai vàng trước ngõ, trong sân vườn. Địa phương đang tích cực phát động trồng mai vàng trên một số tuyến đường chính, hướng đến mọi tuyến đường đều trồng mai vàng nhằm tạo cảnh quan khu dân cư và phát huy nét đẹp truyền thống trồng mai của xứ Huế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ (bên trái) tham gia trồng mai vàng trên tuyến đường phía trước trụ sở UBND xã Quảng Thọ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ biểu dương những nỗ lực của địa phương trong hưởng ứng phong trào “Mai vàng trước ngõ”. Đồng thời yêu cầu địa phương phấn đấu mọi nhà, cơ quan, đường làng ngõ xóm đều trồng mai, để mai vàng trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.
Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, chuyển đổi số và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, địa phương cần cụ thể hóa và đưa các nghị quyết, chuyên đề, chủ trương của tỉnh vào cuộc sống. Quá trình triển khai nghị quyết, chuyên đề phát triển kinh tế, xã hội phải bám sát yêu cầu, cơ sở thực tiễn về tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chẳng hạn về cải tạo vườn tạp cần phải cụ thể ở vùng nào, tổ chức sản xuất những loại cây trồng, vật nuôi gì phù hợp, có giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định và bền vững cho Nhân dân. Kết cấu hạ tầng đê bao, thủy lợi, giao thông… cần phải đầu tư xây dựng hoàn thiện, đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống Nhân dân; đảm bảo kiên cố, bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu. Mục tiêu cuối cùng trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, chuyển đổi số phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đồng thời góp phần xây dựng, bảo vệ cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, hướng đến văn minh, hiện đại.
Bài, ảnh: Hoàng Triều