Học nghề sửa chữa ô tô
Chuyến xe khách chở tôi lên công tác huyện miền núi A Lưới bị hỏng dọc đường. Trong khi cả lái xe, phụ xe đang loay hoay tìm nguyên nhân thì có một hành khách “xắn tay áo” giúp sửa chữa. Chỉ sau thời gian ngắn, vị hành khách đó đã “bắt được bệnh” và chữa khỏi bệnh cho xe. Chuyến xe tiếp tục cuộc hành trình. Trò chuyện với “hành khách đặc biệt” tôi được biết, anh là Đoàn Minh Nhiếp, dân tộc Tà Ôi, ở xã A Ngo, huyện A Lưới, là thợ sửa chữa ô tô tại Garage Đức Thịnh, thị trấn A Lưới. Anh nguyên là chiến sĩ Đồn Biên phòng thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, xuất ngũ đợt 2 năm 2012.
Anh Đoàn Minh Nhiếp chia sẻ: “Trước khi xuất ngũ, tôi cũng như các chiến sĩ khác, tâm lý chung rất băn khoăn chưa biết định hướng thế nào trong việc chọn nghề, học nghề, việc làm và thu nhập sau xuất ngũ. Khi được đơn vị phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và quân đội đối với quân nhân xuất ngũ (QNXN), nhất là việc đơn vị mời các cơ sở đào tạo nghề về để hướng nghiệp, tư vấn học nghề, anh em rất phấn khởi. Khi ra quân về địa phương, tôi lại được cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tuyên truyền, vận động đi học nghề nên đã đăng ký đi học lớp trung cấp Công nghệ ô tô. Tốt nghiệp ra trường, tôi xin vào làm việc tại Garage Đức Thịnh...”.
Cùng với việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với QNXN, Ban CHQS huyện A Lưới phối hợp chặt chẽ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn làm tốt việc giới thiệu, tư vấn và định hướng ngành nghề phù hợp, dễ tìm việc làm cho số QNXN hàng năm.
Thượng tá Nguyễn Văn Tân, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện A Lưới cho biết, hàng năm, trước khi xuất ngũ, quân nhân là con em huyện A Lưới đều được các đơn vị tiến hành tư vấn, giới thiệu học nghề. Do nhận thức và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là con em các dân tộc thiểu số nên nhiều QNXN chưa thực sự quan tâm đến việc học nghề và việc làm sau xuất ngũ. Bởi vậy, cùng với việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách hậu phương quân đội, nhất là việc lựa chọn, bố trí những người có đủ tiêu chuẩn vào các vị trí từ thôn đội trưởng đến các chức danh khác tại xã, Ban CHQS huyện còn chủ động liên hệ với các cơ sở đào tạo nghề và các công ty, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn để tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho QNXN, tạo cơ hội giúp họ nhanh chóng có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định...
Với cách làm ấy, hàng năm, có khoảng 85 - 90% quân nhân xuất ngũ được các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tư vấn, giới thiệu và đăng ký học nghề; trong đó có gần 80% được đào tạo nghề. Ngành nghề được các quân nhân lựa chọn chủ yếu là sửa chữa ô tô, xe máy; lái xe hạng B2, hạng C; vận hành máy thi công công trình; gia công cơ khí, gò, hàn, tiện; sửa chữa điện tử, điện lạnh, điện dân dụng... Hầu hết số QNXN sau khi học nghề có việc làm và có thu nhập tương đối ổn định.
Chăm lo làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho QNXN là một chủ trương thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ, nhất là ở địa bàn miền núi như huyện A Lưới. Đây chính là cơ sở để giải quyết những băn khoăn, trăn trở về việc làm sau xuất ngũ của mỗi quân nhân khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Mặt khác, góp phần củng cố niềm tin, giúp thanh niên yên tâm, tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc...
Bài, ảnh: XUÂN LIỆU