ClockThứ Ba, 17/04/2018 06:00

Hương Thuỷ và Phú Vang thống nhất giải quyết hai vấn đề bức thiết về đất đai

TTH - Đó là việc mở rộng sông Như Ý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nông nghiệp vùng Hạ Làng Võ cho 74 hộ dân ở Thủy Tân. Sự thống nhất này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết được hai vấn đề được người dân quan tâm và kiến nghị nhiều năm; đáp ứng được nhu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch ở Thuỷ Thanh.

Hương Thủy: phấn đấu thu 130 tỷ đồng tiền sử dụng đấtKhông phát sinh thêm thủ tục, giảm rủi ro cho người sử dụng đất

Phú Vang và Hương Thủy bàn chuyện mở rộng sông Như Ý và cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân

Cấp quyền sử dụng 31,7 ha đất nông nghiệp

Địa phương cấp là UBND huyện Phú Vang và đối tượng được cấp là 74 hộ dân của xã Thuỷ Tân, TX. Hương Thuỷ. Thời điểm trước năm 1991, Hương Thuỷ và Phú Vang chung “một nhà” là huyện Hương Phú. Sau tách thành hai địa phương như hiện nay, lấy sông Đại Giang làm ranh giới địa chính. Trong quá trình tách nhập, một số hộ dân ở xã Thuỷ Tân vô tình rơi vào cảnh đất sản xuất nông nghiệp thuộc Phú Vang (ở đồng Hạ Làng Võ, thị trấn Phú Đa), còn nhà cửa ở phía Hương Thuỷ. Nhiều năm nay, do chưa được cấp GCNQSDĐ nên các hộ cũng chưa nhận được những chế độ hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trên phần đất họ canh tác. Hầu như cuộc tiếp xúc cử tri hay tiếp dân nào được tổ chức ở xã Thủy Tân, người dân đều kiến nghị các cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ cho những hộ dân nói trên.

Sau khi UBDN tỉnh có kết luận “đất thuộc đơn vị hành chính nào thì UBND cấp huyện nơi có đất thực hiện cấp GCNQSDĐ theo quy định”, hai địa phương đã thống nhất về việc xác nhận nguồn gốc đất và lập hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ cho người dân. Tuy nhiên, do thị trấn Phú Đa đề nghị tổ chức họp HĐND thị trấn để lấy ý kiến về việc này nên đến nay các bên mới tiếp tục bàn bạc và thống nhất.

Sông Như Ý đoạn qua xã Thủy Thanh

Theo ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Hương Thuỷ, cả 74 hộ dân của Thủy Tân đang sử dụng hơn 31,7ha đất nông nghiệp ở Hạ Làng Võ đều sử dụng ổn định từ trước năm 1991 đến nay. Không có hộ nào sử dụng quá hạn mức giao đất theo quy định, đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, do có sự thay đổi hiện trạng sử dụng đất nên tại thời điểm này chỉ có 31 hộ có ranh giới sử dụng đất ổn định so với bản đồ địa chính đảm bảo đầy đủ thủ tục hồ sơ. 43 hộ còn lại cần phải đo đạc chỉnh lý ranh giới thửa đất mới hoàn chỉnh được hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ.

Để việc cấp GCNQSDĐ được giải quyết dứt điểm, ngoài 31 hộ không thay đổi hồ sơ địa chính, UBND TX. Hương Thủy quyết định trích ngân sách thuê các đơn vị tư vấn để đo vẽ chỉnh lý hồ sơ địa chính của 43 trường hợp còn lại trong thời gian sớm nhất. “Có được sự đồng thuận cao từ Phú Vang, Hương Thuỷ quyết tâm thực hiện hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ cho những trường hợp này trong 6 tháng đầu năm 2018”.

Mở rộng sông Như Ý

Trong nhiều lý do kiến nghị mở rộng sông Như Ý, lý do chính nhất là nhằm phục vụ các lễ hội đua của địa phương và các hoạt động du lịch trải nghiệm gắn với sông nước. Được lãnh đạo tỉnh cho chủ trương, đoạn sông được UBND TX. Hương Thủy kiến nghị mở rộng giáp với xã Phú Hồ của huyện Phú Vang, dài hơn 888m, kéo từ cầu Phương Nam đến nghĩa trang liệt sĩ xã Thủy Thanh. Theo đó, để phục vụ ngày càng tốt hơn các hoạt động dịch vụ du lịch diễn ra trên đoạn sông Như Ý, gắn với không gian cầu ngói Thanh Toàn, nhà trưng bày nông cụ, TX. Hương Thủy giao UBND xã Thủy Thanh là chủ đầu tư xây dựng dự án (DA) kè chống sạt lở bờ sông Như Ý. Do phần bờ sông Như Ý phía Thủy Thanh đã là đường giao thông bê tông, nên kiến nghị mở rộng lòng sông từ hiện trạng 11m lên 21m buộc phải tính đến phần đất ruộng của người dân xã Phú Hồ (Phú Vang), khoảng 1,3 ha. Tổng kinh phí thực hiện DA này khoảng 3,6 tỷ đồng, từ ngân sách TX. Hương Thủy.

Theo ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, nhu cầu sử dụng mặt nước của sông Như Ý để tổ chức các hoạt động dịch vụ trải nghiệm trên sông ở Thủy Thanh ngày càng tăng cao. Mặt khác, gắn với các sự kiện văn hóa tại địa phương, hầu như năm nào Thủy Thanh cũng tổ chức các cuộc đua ghe trên sông Như Ý. Tuy nhiên, chiều rộng đoạn sông thường xuyên được tổ chức đua nhỏ hẹp, lại không có mặt bằng trên bờ để người dân đứng xem, cổ vũ nên việc mở rộng lòng sông và xây dựng đê kè kiên cố là rất cần thiết. Do kinh phí có hạn nên trước mắt mặt đê được đắp bằng đất, tận dụng từ nguồn đất mở rộng lòng sông. DA này cũng là giải pháp tích cực để sông Như Ý có dòng chảy thông thoáng hơn và tạo được đê bao bền vững cho vùng ngoại biên đồng ruộng xã Phú Hồ.

Ông Hồ Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Vang cho biết: Nhiều năm nay Phú Vang vẫn thống nhất và đồng thuận với TX. Hương Thủy việc mở rộng sông Như Ý để phát triển du lịch. Vì sự hưởng thụ văn hóa của cả người dân hai xã Thủy Thanh, Phú Hồ nói riêng và khu vực lân cận nói chung, mong muốn TX. Hương Thủy thực hiện DA này càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, do DA mở rộng lòng sông Như Ý, đắp đê kè kiên cố có liên quan đến đất trồng lúa của người dân, đề nghị TX. Hương Thủy sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết để tổ chức thực hiện đúng quy trình. Phía xã Phú Hồ, đề nghị địa phương tích cực phối hợp với Thủy Thanh và các cơ quan chức năng đo đạc, kiểm kê những thửa đất bị ảnh hưởng; tích cực vận động sự đồng thuận của người dân vì lợi ích chung. Đồng thời, có tầm nhìn xa hơn về việc có thể tranh thủ DA của TX. Hương Thủy để đầu tư thêm thiết chế hạ tầng trong khu vực, tạo điều kiện để người dân kết nối thuận lợi hơn với Thủy Thanh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Return to top