Hướng đến bình đẳng giới
Điểm dễ nhận thấy trong phương án tăng tuổi nghỉ hưu lần này là tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng nhiều hơn nam. Báo cáo đánh giá tác động giới của các chính sách khi sửa Luật Lao động, trong đó nêu nhiều vấn đề tồn tại về giới đến tuổi nghỉ hưu. Theo đó, quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau của nam và nữ thể hiện việc phân biệt đối xử trên cơ sở giới, trong khi điều kiện phát triển kinh tế và dịch vụ xã hội đã được cải thiện, dẫn đến sự bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội phát triển nghề nghiệp (đào tạo, thăng tiến nghề nghiệp) và điều kiện khả năng hưởng thụ quyền lợi (mức lương, lợi ích quỹ lương hưu).
Cấp trả sổ bảo hiểm xã hội. Ảnh: TTXVN
Về đề xuất chính sách tăng tuổi hưu, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, băn khoăn nhất của đề xuất chính sách tăng tuổi hưu là không phân biệt từng nhóm lao động, từng công việc ngành nghề cụ thể. Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nói chung của lao động nữ thì rõ ràng chính sách sẽ có những bất cập, tác động không tốt.
Cụ thể, kết quả tham vấn cho thấy đa số ý kiến ủng hộ phương án cần quy định tuổi nghỉ hưu như nhau giữa lao động nam và nữ, đồng thời cho phép lao động nữ được quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm hơn ở một số ngành nghề, công việc.
Còn về một số nhận định cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ, ông Lê Đình Quảng cho rằng là thông tin chưa đầy đủ. Khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) nghiên cứu đưa ra đánh giá về quỹ đến 2034 khả năng mất cân đối. Vì vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã sửa đổi nhiều vấn đề. Nay việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu với lao động nói chung, trong đó có lao động nữ là kế hoạch ổn định quỹ bền vững.
Ông Lê Đình Quảng cho biết: “Đến một thời điểm nào đó cần có lộ trình tuổi nghỉ hưu của nữ phải bằng nam. Tuy nhiên, thời điểm sửa đổi Luật Lao động hiện nay phải có tiếp cận dần, đề xuất tuổi hưu là 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam thuyết phục hơn. Phải có lộ trình giảm khoảng cách chứ không phải nâng tuổi hưu lên bằng nhau luôn”.
Phân biệt từng nhóm lao động
Theo các chuyên gia lao động, để đảm bảo sự phát triển chung về mọi mặt cũng như đảm bảo về chế độ, chính sách an sinh xã hội và các điều kiện khác thì phải xem xét cụ thể hơn về độ tuổi về hưu của lao động nữ cho hợp lý. “Trên thực tế, ở một số lĩnh vực nhất định, nhiều phụ nữ có điều kiện để làm rất tốt nhưng còn bị hạn chế về tuổi nhưng cũng có lĩnh vực sẽ hạn chế, nhất là lĩnh vực lao động chân tay”, bà Dương Thị Thanh Mai, Trưởng nhóm Đánh giá tác động giới của bộ Luật Lao động cho biết.
Nhiều quan điểm đang ủng hộ kéo dài tuổi nghỉ hưu theo hướng lao động nam, nữ có thời gian làm việc giống nhau thì có tuổi hưu như nhau. Tuy nhiên điều này cần cân nhắc kỹ vì các yếu tố sức khoẻ, đặc điểm giới của lao động nữ. Do đó, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho rằng cần có sự phân biệt từng nhóm lao động, công việc, ngành nghề cụ thể trong phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐTBXH. Nếu để chung vào 1 nhóm để tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ có nhiều bất cập và tác động không tốt với lao động nữ. Xu hướng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ngang bằng nam giới có thể thực hiện nếu cân nhắc kỹ các điều kiện cũng như thực hiện theo lộ trình.
"Đối với tuổi nghỉ hưu, Việt Nam đang tiến tới xóa bỏ khoảng cách giới trong độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Chính phủ sẽ có lộ trình để giảm khoảng cách giới giữa lao động nam và nữ", bà Dương Thị Thanh Mai.
Ông Mai Đức Thiện, Vụ Phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong thời gian tới khi sửa Luật Lao động, việc điều chỉnh tuổi hưu của nữ lao động từ 55 lên 60 cần thực hiện trên cơ sở tính toán đầy đủ các điều kiện sức khoẻ, giới tính, công việc và theo lộ trình. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam và nữ hướng tới ổn định Quỹ BHXH về lâu dài theo định hướng tại Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vừa được thông qua.
Theo Báo Tin tức