ClockThứ Hai, 18/11/2024 14:24

Khi các cô giáo nghỉ hưu

TTH - Hoàn thành sứ mệnh "trồng người", các nhà giáo trở về cuộc sống đời thường. Đẹp biết bao, dù ở đâu và làm gì, họ vẫn được mọi người tôn vinh, kính trọng bởi tác phong mô phạm với lối sống giản dị, sáng trong cùng những việc làm, hoạt động có ý nghĩa cao đẹp…

Trò đến lớp, thầy vui!600 vận động viên học sinh tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp cơ sở Khơi nguồn sáng tạo từ ngày hội STEM

Cô Trần Thị Quế 

1. Năm 1976, tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm 1 Hà Nội, cô sinh viên Trần Thị Quế được ngành giáo dục phân công về nhận nhiệm vụ tại Bình Trị Thiên. Kể từ đó, cô Quế có hơn 30 năm gắn bó với ngôi trường Quốc Học thân yêu. Miệt mài, say sưa từng trang giáo án, biết bao thế hệ học sinh của một thời cơ hàn, gian khó vẫn luôn nhớ về tiếng giảng bài ấm áp và những tình cảm yêu thương mà cô dành cho từng khóa học.

Nghỉ hưu, cô giáo Trần Thị Quế tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội và có nhiều đóng góp đáng kể vào các phong trào tập thể. Đều đặn có mặt trong các Hội thao người cao tuổi TP Huế với các bộ môn cầu lông, Thái cực trường sinh đạo; cùng chị em sinh hoạt tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chi hội tổ dân phố 6, phường An Cựu. Rồi cô làm thơ, xuất bản tập Nắng hoàng hôn; tham gia vào Hội thơ Hương Giang; luôn có mặt trong các đêm thơ của nhiều câu lạc bộ. Những lời thơ ca ngợi mái trường, quê hương, đất nước của tác giả Trần Thị Quế có sức lan tỏa, tạo những rung cảm đẹp trong lòng người nghe: Dẫu thời gian nhạt má hường/ Giã từ bục giảng mà thương nhớ hoài/ Thầy cô dạy chữ, dạy người/ Học trò thành đạt, suốt đời tri ân/ Tháng năm, năm tháng xa dần/ Chỉ còn đọng lại chữ tâm dâng đời.

2. Tròn 30 năm đứng trên bục giảng ở các trường của huyện Phú Lộc, năm 2010, cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Dương đúng tuổi nghỉ hưu. Rời quê hương Phú Lộc, một mình lên Huế, cô đến với ngôi nhà bảo trợ Phú Thượng. Từ đây, cô dồn toàn bộ tâm sức cho thỏa niềm đam mê hoạt động thiện nguyện của mình. Gắn bó với Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng đã 14 năm, trong vai trò phó ban điều hành phụ trách mảng giáo dục văn hóa, cô Dương “cắm bản” 100% tại đây để trực tiếp đồng hành với cuộc sống và việc học hành của các em. Hằng năm, nhà bảo trợ có hơn 30 em độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 12 sinh sống.

Từ năm 2010 đến nay cô Dương đã trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy hơn 150 em, trong đó nhiều em đỗ đại học, ra trường và có việc làm ổn định. Đặc biệt, bằng kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm cộng với tấm lòng nhân ái mênh mông của một người có thâm niên 30 năm đứng lớp, cô giáo Quỳnh Dương đã bày vẽ, sẻ chia, định hướng phương pháp học tập đúng đắn cho các em. Vì thế, ở tại ngôi nhà bảo trợ ấm áp này, có nhiều tấm gương giỏi, đạt kết quả xuất sắc, thi đỗ vào trường chuyên Quốc Học Huế, đạt giải học sinh giỏi tỉnh, có thủ khoa tuyển sinh vào các trường đại học lớn.

3. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Huế, gắn cuộc đời với bục giảng, bụi phấn đã hơn 40 năm. Biết bao thế hệ học trò Quốc Học đi qua vẫn luôn ấn tượng bời hình ảnh một cô giáo dạy chuyên văn say mê, tâm huyết. Năm 2010, cô Võ Thị Quỳnh nghỉ hưu nhưng lửa nghề vẫn cứ cháy, cô vẫn tiếp tục lên bục giảng đồng hành với các em học sinh khối chuyên văn ở Trường đại học Khoa học Huế cho đến năm 2020. Thỉnh thoảng, cô vẫn trở về ngôi nhà chuyên văn thân yêu để nói chuyện, giao lưu thắp sáng tình yêu văn học nơi mỗi tâm hồn bạn trẻ trên đất Huế.

Vốn là người nhạy cảm và luôn thủy chung, trân trọng với những gì xưa cũ, dù đã rời xa mái trường phổ thông Nguyễn Hoàng (Quảng Trị) hơn 4 thập kỷ, cô giáo Võ Thị Quỳnh vẫn không thôi nghĩ về bạn cũ thầy xưa. Miệt mài và say mê, âm thầm và tâm huyết, 10 năm qua, chính tay cô giáo ấy đã tổ chức bản thảo và lo mọi khâu để liên tục cho ra đời bộ sách mang tên "Trường Nguyễn Hoàng – Chân dung và kỷ niệm".

Khéo léo và tài hoa, cô giáo xứ Huế ấy ngoài làm tốt thiên chức nhà giáo đã tự tìm cho mình “một lối chơi” rất riêng ở vùng đất miền Trung. Nghỉ hưu, cô giáo có tâm hồn nghệ sĩ ấy đã dồn tâm huyết vào các bức tranh ép lá hoa của mình. Trên 200 bức tranh sáng tạo từ hoa lá, 6 cuộc triển lãm ở Đà Nẵng (1993), Huế (1998), Hà nội (1998), TP. Hồ Chí Minh (2001), Quảng Trị (2017), Viện Pháp tại Huế (2021) đã minh chứng cho niềm say mê của Võ Thị Quỳnh - người nghệ sĩ chưa qua một trường lớp nghệ thuật nào. Trên hành trình đi ươm trồng người và ươm luôn hồn hoa lá, người phụ nữ ấy thắp lên niềm tin yêu cho cuộc đời để tâm hồn trẻ mãi.

Bài, ảnh: Trần Văn Toản
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô và trò Hồng Thái

Hồng Thái là xã nằm ở vùng giáp biên giới Việt - Lào và cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới. Nơi đây, bà con dân tộc Tà Ôi chiếm hơn 91%; sinh kế chủ yếu của người dân là sản xuất nông - lâm nghiệp.

Cô và trò Hồng Thái
Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên

Sinh năm 1994, tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng cô giáo Hồ Thị Dói, người đồng bào Pa Cô, giáo viên Trường mầm non Hương Lâm, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, luôn được đồng nghiệp và học sinh hết lòng yêu mến.

Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên
Niềm tin.

Lâu nay, tôi luôn mặc cảm với các giáo viên dạy thêm vì những câu chuyện không hay do học sinh và phụ huynh kể lại. Chẳng hạn như nếu không học thêm thì học sinh đó sẽ thua kém bạn trong lớp, do giáo viên dạy bài mới cho học sinh học thêm từ hôm trước.

Niềm tin
Return to top