ClockThứ Bảy, 30/11/2019 14:58

“Kết chặt tay, dựng đời mới”

TTH.VN - Đó là thông điệp tại buổi lễ tưởng niệm và chương trình nghệ thuật nhìn lại 20 năm lũ lớn khu vực miền Trung do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Những bài học đắt giáLũ không cuốn được tình người20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi cònThừa Thiên Huế là tỉnh điển hình về phòng chống thiên taiKhông để thiệt hại lớn do thiên tai

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi lễ.  Ảnh: Phan Thành

Dự buổi lễ có ông Nguyễn Xuân Cường, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam; các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền Trung.

“Vết thương đã lành”

Chương trình “Kết chặt tay, dựng đời mới” nhằm nhìn nhận lại những hình ảnh, những kí ức đau thương, sự chống chọi kiên cường của Nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong trận lũ năm 1999 thông qua sự tái hiện chương trình “Nhìn lại 20 năm lũ lớn miền Trung”. Trận lũ lịch sử này được ví như trận “Đại Hồng Thủy”, gây bao đau thương, mất mát về người, tài sản cho khu vực miền Trung, trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

20 năm trôi qua, những con người của dải đất miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đã biến nỗi đau thương thành hành động, mất mát thành nghị lực. Chính quyền, Nhân dân miền Trung nỗ lực vươn lên không ngừng và đang có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội; năng lực PCTT đã được cải thiện, tăng cường, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, an toàn hơn trước thiên tai.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ bày tỏ: 20 năm qua, những “vết thương đã lành” trên những vùng đất bị tàn phá do cơn lũ lịch sử 1999. Chúng ta tự hào với sự phục hồi, vượt qua mọi khó khăn, mất mát, chung tay góp sức tái thiết quê hương của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội.

Tiết mục nghệ thuật tưởng niệm lũ 1999.  Ảnh: Phan Thành

Theo nhận định ban đầu, Thừa Thiên Huế phải mất 10 năm mới tái thiết, khắc phục hậu quả do trận lũ lớn gây ra. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh đã cơ bản khắc phục xong hậu quả về môi trường, an sinh xã hội, các công trình, góp phần tổ chức thành công Festival Huế đầu tiên vào tháng 4 năm 2000 có quy mô mang tầm quốc gia và quốc tế.

Từ năm 2000 đến nay, được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, JICA, KOICA, Luxembourg, Cộng hòa liên bang Đức, WB, ADB, UNDP, DWF, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai và các tổ chức cá nhân khác đã hỗ trợ các chương trình, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực và các công trình PCTT.

Tính đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 56 hồ chứa nước thủy lợi, 13 hồ thủy điện với tổng dung tích hơn 2 tỷ m3 , góp phần cắt, giảm lũ và cung cấp nước cho vùng hạ du. Các công trình tiêu biểu, như: hồ Tả Trạch, thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới, đập Thảo Long, đập Cửa Lác.

Hệ thống kênh mương, trạm bơm, kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông từng bước được quan tâm đầu tư, góp phần giảm nhẹ tác động của thiên tai; hệ thống kết nối giao thông, chống chia cắt trong lũ lụt từng bước được hoàn chỉnh. Hệ thống cầu qua sông An Cựu, cầu qua phá Tam Giang được quan tâm đầu tư giúp kết nối hệ thống giao thông hai bên bờ phá Tam Giang - Cầu Hai (cầu Tam Giang, Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền). Đường từ thành phố Huế lên Nam Đông, A Lưới được hoàn thiện, hệ thống đường đô thị được nâng cấp. Các hầm Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng hoàn thành. Quốc lộ 1A được nâng cấp mở rộng thành 6 làn xe. Cao tốc La Sơn - Túy Loan cơ bản hoàn thành, đã khởi công tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Nhờ sự chủ động phát huy nội lực và sự chung tay của cộng đồng nâng cao năng lực phòng chống nên thiệt hại về tài sản và tính mạng do thiên tai gây ra trong những năm gần đây đã giảm dần xuống mức thấp nhất; góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 1999-2018 là 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần (theo giá so sánh 2010). Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 đạt 40,8 triệu đồng, gấp 81,6 lần so với năm 1990.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ tri ân những tấm gương hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ, đồng bào vì sự sống của người dân trong lũ lụt; mãi mãi biết ơn sâu sắc những tấm lòng tương thân tương ái của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ Nhân dân Thừa Thiên Huế trong thời điểm khó khăn nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chia sẻ những đau thương, mất mát của các gia đình có người thân mãi mãi ra đi trong trận lũ lớn cách đây 20 năm. Các cấp, ban ngành sẽ luôn sát cánh cùng bà con vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới.

Để phát triển bền vững trong môi trường thiên tai ngày càng khắc nghiệt, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản, môi trường và di sản văn hóa…

Đại diện Ban Cứu trợ Trung ương tặng nhà an toàn trước thiên tai cho Thừa Thiên Huế. Ảnh: Phan Thành

Cần nâng cao năng lực ứng phó thiên tai

Ứng phó thiên tai trong thời gian đến, nhất là chu kỳ 60 năm lặp lại trận lũ năm 1964, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu chính quyền các cấp, lực lượng PCTT, lực lượng vũ trang và Nhân dân thường xuyên nâng cao nhận thức và năng lực PCTT; không lơ là, mất cảnh giác, chủ động ứng phó trong những tình huống bất lợi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Các ban ngành chức năng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, theo dõi, giám sát, cảnh báo thông tin phục vụ điều hành, chỉ đạo và cung cấp thông tin kịp thời đến người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu quả vận hành và đảm bảo an toàn các công trình PCTT như hồ chứa, các nơi trú tránh cho người và tàu thuyền. Công tác PCTT, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, thông tin liên lạc… cần được đầu tư đồng bộ. Lực lượng xung kích cơ sở cần được nâng cao năng lực hoạt động. Việc giáo dục, tuyền truyền pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai phải được thực hiện thường xuyên, triển khai sâu rộng trong xã hội; chú trọng đến học sinh và các đối tượng dễ bị tổn thương, đồng bào dân tộc thiểu số.

Các cấp chính quyền lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội ở các cấp, ngành địa phương. Riêng đối với tỉnh thừa Thiên Huế, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị tiếp tục triển khai, phát huy hơn nữa các mặt đã đạt được của một số địa phương điển hình về PCTT; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương khác trong khu vực và trên cả nước triển khai thực hiện.

Đồng hành cùng chương trình nghệ thuật nhìn lại 20 năm lũ lớn khu vực miền Trung còn có sự tham gia, hỗ trợ của Ngân hàng Thương mại CP Bưu điện Liên Việt; Công ty CP Dịch vụ cáp treo Bà Nà. Ban Cứu trợ Trung ương cũng dành tặng món quà hỗ trợ xây dựng 50 căn nhà an toàn cho các hộ  vùng ảnh hưởng thiên tai của tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam trị giá 2 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam Vinaseed trao tặng 125 căn nhà cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế trị giá 5 tỷ đồng.

Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top