ClockThứ Tư, 19/04/2017 13:31

Khai thác hiệu quả nhà văn hóa cộng đồng

TTH - Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), phần lớn các xã, thôn ở Thừa Thiên Huế đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều công trình chưa phát huy tối đa công năng, gây lãng phí.

Nhà văn hóa xã Quảnh Thành (Quản Điền) xây dựng khang trang

Ý nghĩa lớn

Già làng Trần Xuân Huy ở thôn 6, xã Thượng Nhật (Nam Đông) nói: “Từ khi Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng NTM, những ngôi nhà Gươl được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Đồng bào có “ngôi nhà chung” để tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, thể dục thể thao, giải trí hay họp dân để bàn bạc công việc làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Qua đó, thắt chặt mối đoàn kết, tình làng nghĩa xóm”.

Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật - bà Hồ Thị Hòa phấn khởi, nhà văn hóa cộng đồng, phần lớn là nhà Gươl của đồng đồng bào Cơ Tu được nâng cấp, mở rộng, xây mới đảm bảo tiêu chí NTM, nhưng vẫn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Ước tính kinh phí xây mới, nâng cấp hệ thống nhà văn hóa trên địa bàn xã thời gian qua trên 5 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, chia sẻ: “Nam Đông được tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến thời điểm này, phần lớn các xã, thôn trên địa bàn huyện đều có nhà văn hóa. Đây cũng là thiết chế văn hóa và tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM mà Nam Đông sớm hoàn thành. Hầu hết các công trình nhà văn hóa xã trị giá từ 3 tỷ đồng trở lên, còn nhà văn hóa thôn cũng vài trăm triệu đồng trở lên”.

Các địa phương vùng đồng bằng khác, nhà văn hóa cộng đồng cũng có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa nông thôn. Vì vậy, tỉnh và các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình nhà văn hóa thôn, xã với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Sỹ, Phó Cục trưởng Cục Thống kê, thành viên Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra nông nghiệp, nông thôn, thủy sản tỉnh thông tin, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ xã có nhà văn hóa cộng đồng xã đạt 44,8% và phần lớn các thôn đều có nhà văn hóa.

Làm gì để phát huy công năng?

Điều đáng nói, các nhà văn hóa xã, thôn được xây dựng quá rộng, đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhưng lại chưa phát huy hết công năng, gây lãng phí. Tại huyện Nam Đông, đặc thù dân số thấp, bình quân mỗi xã từ 400 - 500 hộ, mỗi thôn khoảng 100 hộ, nên hầu hết các cuộc họp dân tại nhà văn hóa đều thừa chỗ ngồi. Bí thư Đảng ủy xã Hương Giang - ông Phan Chuyển cho biết, không chỉ thừa diện tích mà thỉnh thoảng mới diễn ra cuộc họp, có khi mỗi năm chỉ họp vài lần nên nhà văn hóa xã rất lãng phí.

Theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đối với nhà văn hóa xã thuộc khu vực đô thị, đồng bằng phải đảm bảo diện tích quy hoạch tối thiểu 2.500m2, miền núi, hải đảo tối thiểu 1.500m2. Quy mô hội trường văn hóa đa năng ở khu vực đô thị, đồng bằng có sức chứa tối thiểu từ 250 chỗ ngồi, miền núi, hải đảo tối thiểu 200 chỗ ngồi. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quy mô dân số từng vùng, miền để xây dựng nhà văn hóa hợp lý.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành (Quảng Điền) chia sẻ, sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, mọi kinh phí hoạt động đều từ ngân sách địa phương, như vệ sinh định kỳ, duy tu, bảo dưỡng... trong khi điều kiện kinh phí của địa phương hạn hẹp. Theo quan điểm của ông Thành và lãnh đạo nhiều địa phương, nên sử dụng nhà văn hóa cộng đồng cho thuê tổ chức các tiệc cưới, liên hoan, các lớp tập huấn do các cấp, ngành tổ chức... để có nguồn thu trang trải các hoạt động, duy tu, bảo dưỡng, tránh lãng phí.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính yêu cầu các địa phương, ban ngành cần quy hoạch xây dựng quy mô nhà văn hóa cộng đồng hợp lý, không nhất thiết phải rộng. Nếu xây dựng quá rộng sẽ không phát huy hết công năng, mà còn gây lãng phí tiền của Nhà nước và Nhân dân.

Các địa phương có thể sử dụng nhà văn hóa để tổ chức lễ tiệc, song cần có cơ chế quản lý, điều hành hoạt động một cách hợp lý, hiệu quả; chẳng hạn, các tiệc cưới, liên hoan được tổ chức tại nhà văn hóa phải diễn ra những ngày cuối tuần, ngoài giờ hành chính... Có thể tận dụng công trình làm nơi tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhà văn hóa xã cần phải có các phòng chức năng phục vụ đọc sách báo, thư viện, thông tin truyền thanh, câu lạc bộ, tập luyện các môn thể thao đơn giản. Các công trình phụ trợ, như nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa; các thiết bị máy móc, bàn ghế, dụng cụ thể dục thể thao cần trang bị đầy đủ...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử

Quá trình tổ chức thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) đã phát sinh nhiều hạn chế, khó khăn. Yêu cầu đặt ra là cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử.

Phát huy hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử
Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024

Sáng 21/11, lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thông tin, đơn vị đang tiến hành trao giải và giấy chứng nhận cho 100 khách hàng tiêu biểu đã đạt các tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do đơn vị phát động.

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả

TIN MỚI

Return to top