Sau khi vào cuộc và “truy vết”, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFVC) khẳng định thông tin nêu trên là tin giả. Người trong cuộc, một nhà báo kỳ cựu đứng chân ở một tờ báo tại TP Hồ Chí Minh cũng đã gỡ status mà anh là người chia sẻ đầu tiên về điều này, cùng lời xin lỗi trên tường facebook của mình.
Thành thật, tôi vẫn thấy những gì anh viết trong lời xin lỗi ấy có điều gì không phải. Không phải ngay khi anh cho rằng “Tôi không nghĩ xin lỗi là xong. Sự thật vẫn ở phía trước cho tới chừng nào chúng ta chưa tìm ra nó”. Cho đến lúc này, không biết còn có sự thật nào ở phía trước mà anh sẽ tìm ra nó, ngoại trừ một không khí khẩn trương và tất bật của các y bác sĩ đang trực chiến ở các bệnh viện tại tâm dịch là Sài Gòn, cũng như các tỉnh, thành mà các ca nhiễm vẫn chưa ngót đi, từng ngày?
Là sự lo lắng, ngóng trông của các gia đình có người thân là bệnh nhân của đại dịch. Là việc luôn theo dõi để cập nhật tin tức của người dân ở khắp nơi về diễn tiến và sự bùng phát của căn bệnh. Là sự chia sẻ của những người trong vùng bị giãn cách, phong tỏa và người dân ở khắp nơi đang cùng nhau hỗ trợ người ở tâm dịch với tất cả những gì mà họ có thể: lương thực, thực phẩm, rau củ quả và tất cả những gì có thể…
Thật ra mà nói, ngay khi biết đó là tin giả, ít nhất tôi (cũng như nhiều người khác) đã thở ra, kiểu như vừa trút được một gáng nặng. Dù nhân vật là bác sĩ Khoa trong đó giống như một người anh hùng, nhưng quả thật nó quá bi thương và những ai đọc nó sẽ càng thấy lo lắng hơn trước tình trạng và tình cảnh hiện tại. Có thể những người đưa tin này và share nó với một lượng lớn trên mạng xã hội muốn chia sẻ về đức độ của một con người - một bác sĩ, nhưng câu chuyện đã đi ngược chiều mà người chuyển tải mong muốn, nhất là khi thông tin mà người viết thừa nhận đã bị cảm xúc lấn át và “thiếu bình tĩnh và kiểm chứng một cách cần thiết”.
Tôi có thể hiểu được sự giận dữ của nhiều người khi biết/phát hiện ra những gì họ đọc được là hư cấu. Hoặc ít nhất cũng đã bị hư cấu trên nền tảng của những điều có thật, khi mà cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vẫn còn khốc liệt ở các tâm dịch. Nhưng để những điều có thật trở thành giả, thì lỗi không chỉ dừng lại ở việc thiếu kiểm chứng, để cảm xúc lấn át lý trí, nhất là khi người viết đã nhiều tuổi nghề.
Trong một câu chuyện khác, cũng liên quan đến COVID-19, một phóng viên của báo Tuổi Trẻ cũng đã vội vàng cung cấp những thông tin chưa được xác thực, một chiều về 23 người trở về Huế nhưng bị từ chối, phải nhờ Công an Đà Nẵng giúp đỡ. Thông tin ấy vội vàng đến nỗi không đề cập đến việc quyết định của Thủ tướng Chính phủ là “ai ở đâu ở đấy” kể từ sau 31/7.
Cũng không tìm hiểu vì sao các xe khoác biển xe 0 đồng, xe tình nghĩa đưa bà con về quê hương nhưng thu tiền từ 2-3 triệu/người lại có thể lọt qua bao nhiêu chốt kiểm soát và chỉ đến chốt kiểm soát của Thừa Thiên Huế mới bị dừng lại? Phóng viên đã vội vàng, nhưng bản báo ấy còn vội vàng hơn khi dùng nó trên báo điện tử. Và lời xin lỗi của Tuổi trẻ, như một ai đó nhận xét: “xin lỗi mà như đi trong ngõ ngách để không ai nhìn thấy?”
Khi đưa thông tin này, có thể người ta không nghĩ là mình đang tạo điều kiện cho một sự “gây hấn” có vẻ như đang âm ỉ trong cộng đồng mạng? Cũng có thể họ đã bắt đầu từ góc nhìn của chính mình, và đó là góc nhìn thiếu kiểm chứng, để cảm xúc lấn át và biến những điều có thật thành tin giả.
Mà những gì là giả, có bao giờ bền lâu?
Minh Lê