ClockThứ Ba, 21/04/2020 09:11
KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM (21/4/1950 - 21/4/2020)

Khóa học đầu tiên của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam

TTH - Cách đây hơn 70 năm, sáng 4/4/1949, tại xóm Bờ Rạ (nay thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã diễn ra một sự kiện quan trọng: Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Độc giả tham quan không gian trưng bày tại Hội Báo xuân Canh Tý 2020. Ảnh: HK

Nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ nhà báo cách mạng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ban giám đốc trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh được cử làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc.

Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên không đông, gồm 42 (có tài liệu 43) người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị, phong phú lý luận, thực tiễn và những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân …

Ba tháng học đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Thực hành là đi thực tế, viết bài và ra báo ở từng tổ. Các giảng viên đến lớp triển khai bài giảng theo từng chuyên đề: xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào (Võ Nguyên Giáp), lên trang (Trần Đình Thọ)...

Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng về lớp học, tại trang bút tích đề ngày 22/6/1949, Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.

Đặc biệt quan tâm đến Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần gửi thư cho các học viên.

Tại bức thư thứ nhất đăng trên Báo Cứu Quốc số 1264 ra ngày 09/6/1949, Người biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4 -  Luôn luôn gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.

Những dặn dò của Người với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay.

Từ ngôi trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc) hay đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương)…

Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sĩ. Năm 1949, chúng ta có khoảng chục tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì nay có hơn 900 cơ quan báo chí và 50 nghìn người làm báo.

Với vai trò, vị trí quan trọng, ngày 4/4/2019, địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - nơi giảng dạy lớp báo chí đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam - được trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia.

TS (Tổng hợp) 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luôn giữ cái tâm trong sáng của người làm báo

Chiều 6/8, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo tỉnh (8/8/1989 - 8/8/2024). Tham dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Luôn giữ cái tâm trong sáng của người làm báo
Kết nối báo chí qua nền tảng số

Những bất cập trong quá trình tương tác giữa cơ quan nhà nước (CQNN) với báo chí đã cơ bản được giải quyết sau khi Thừa Thiên Huế đưa vào vận hành Nền tảng số kết nối truyền thông tích hợp trên Hue-S.

Kết nối báo chí qua nền tảng số
SÂN CHƠI BÓNG ĐÁ BÁO CHÍ MIỀN TRUNG:
Hân hoan tuổi lên 10

Từ giải bóng đá do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế tổ chức đã cho ra đời Giải Bóng đá Báo chí Thừa Thiên Huế mở rộng, và rồi trở thành Giải Bóng đá Báo chí miền Trung. Đó là hành trình 10 năm gầy dựng và phát triển.

Hân hoan tuổi lên 10
Chuyện nghề sau những giải thưởng báo chí

Giải Báo chí Hải Triều lần thứ V – năm 2024 đã tìm ra chủ nhân của các giải thưởng cao quý. Phóng viên Quách Tiểu Bảo, Võ Đức Quang và Biên tập viên Nguyễn Bỉnh Bạch Sa – những tác giả đạt giải lần này đã có những chia sẻ thú vị về nghề, về những vui buồn trong tác nghiệp để đem đến cho công chúng những tác phẩm báo chí có ý nghĩa.

Chuyện nghề sau những giải thưởng báo chí

TIN MỚI

Return to top