“Như ngọn núi cao Ha Zen trước mặt sừng sững, cao vút, dòng suối A Ro đằng sau kia đầy nước, chảy mãi không ngừng, mùa xuân với những niềm vui đến từ những giấc mơ đã thành sự thật từ những ngôi nhà mới kia...” - già làng Aroot Bhrơn nói với niềm vui đầy trong ánh mắt.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng cấp ủy, chính quyền huyện Phú Lộc khởi công xóa nhà tạm cho hộ ngư dân nghèo
“Chưa bao giờ trên bản làng người Cơ Tu lại có một cuộc đại cách mạng “xóa nhà tạm” lớn đến như vậy”, già làng Ra Pát Gróoc ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông mở đầu câu chuyện khi nhâm nhi từng chén trà nóng đầu ngày.
Già làng Ra Pát Gróoc cười vui: “Cán bộ thôn truyền đạt với bà con trong bản rằng, xóa nhà tạm thực sự là cuộc “cách mạng” lớn mà Đảng, Nhà nước dành cho bà con nghèo, khó khăn về nhà ở. Cũng là mục tiêu để hạ tỷ lệ hộ nghèo, đáp ứng tiêu chí đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”.
Lời của già làng Ra Pát Gróoc quả không sai. Nếu không “cán đích” xóa nhà tạm, giảm tỷ lệ hộ nghèo thì, mục tiêu cũng là “cơ hội lớn” đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương khó trở thành hiện thực. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ thôn, bản làng trên các vùng cao đến vùng ven biển, đầm phá trên địa bàn toàn tỉnh đã luôn bám cơ sở, về với từng hộ gia đình khó khăn để bàn về chủ trương xóa nhà tạm cho bà con.
Nhìn về ngọn núi phía trước và phía những ngôi nhà đang thi công xây dựng, cán bộ Quỳnh Rô, xã Thượng Long nói chắc nịch: “Cái gì dân biết, dân bàn, dân sẽ đồng thuận. Để hỗ trợ xây dựng nhà cho bà con, chúng tôi đã họp bàn rất kỹ. Ý kiến người dân đồng thuận trên tinh thần san sẻ, sẻ chia những khó khăn với nhau rồi mới đi đến chốt danh sách hỗ trợ xóa nhà tạm. Ngày khởi công xây dựng nhà, bà con dân bản tới động viên nhau cùng nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn”.
Trong căn nhà mới kiến cố, bà A Raet BLai, thôn Con Gia, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông nói nhiều về những khó khăn mà gia đình cũng như bà con nơi đây gặp phải. Chung quy lại vẫn do đẻ nhiều, công việc làm không ổn định, dẫn đến nghèo. Nghèo cái ăn còn khắc phục được nhờ dựa vào rừng keo, rừng tràm, chứ nghèo về nhà ở thì, đó là cả một quá trình dài, thậm chí cả một đời người.
“7 người con, 2 vợ chồng là 9 người chung sống trong một ngôi nhà tạm bợ. Thấy cha mẹ nghèo khó, các con cũng bươn chải kiếm sống. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, được cán bộ thôn hỗ trợ, được bà con lối xóm ủng hộ, gia đình được hỗ trợ tiền để xây dựng nhà mới, xóa cảnh nhà tạm cơ cực. Quả thật là một giấc mơ”, bà A Raet BLai tâm sự.
Xóa nhà tạm cho các hộ nghèo trong toàn tỉnh giờ không chỉ là câu khẩu hiệu, còn là chủ trương, mà là “mệnh lệnh” của trái tim, là sự quyết tâm lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
“Lập nghiệp, ra ở riêng nhưng do gia đình nghèo khó nên không làm cho mình được một ngôi nhà đàng hoàng. Nay được Đảng và Nhà nước hỗ trợ khởi công xây dựng lại nhà kiên cố trên nền nhà cũ tạm bợ, vợ chồng đều rất vui. Chúng tôi nhắc nhau phải biết tự vươn lên, không để nghèo mãi. Pa Kê Cuối, trú tại thôn Đút 2, xã Hồng Kim, huyện A Lưới bộc bạch câu chuyện với cán bộ huyện, xã và thôn trong ngày khởi công xây dựng nhà.
Từ vùng cao xa xôi, các ngôi nhà mới cũng dần được mọc lên bên chân đầm phá, vùng ven biển của các ngư dân nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày đêm bám biển, đầm phá; lênh đênh trên những chiếc thuyền vươn khơi; theo đuôi con tôm con cá, ngờ đâu giấc mơ được ở trong những ngôi nhà mới kiên cố đã trở thành hiện thực với họ. Những ngôi nhà mới kiên cố, chắc chắn đã thực sự thêm động lực để họ vượt qua khó khăn, thêm vững tin hơn với cuộc sống.
“Ngày cán bộ thôn đến tận nhà thông báo, được Đảng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà, suốt đêm tui không sao ngủ được. Mừng nhiều, nhưng lo không ít. Lo là, có nhà ở kiên cố rồi, mình phải làm sao để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài bám biển, đầm phá, tui tính chuyện buôn bán tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”, bà Lê Thị Phái, thôn Hòa Viện, xã Phong Bình, huyện Phong Điền giãi bày.
An cư, nhưng phải lạc nghiệp. Đó là quyết tâm của không chỉ các hộ dân nghèo được xây dựng nhà ở, mà cả cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Bài toán “cho cần câu, chứ không phải là con cá” lại thêm một lần nữa được phát huy. Có nhà ở rồi, phải biết làm ăn, tìm kiếm việc làm để không nghèo mãi. Các bản làng, dòng họ người Pa Cô, Cơ Tu… trên vùng cao đã cùng hứa cố gắng nhiều hơn”.
Tôi vẫn nhớ như in lời nói của già làng A Niêng - Lê Triêng 1 - Hồ Văn Hạnh, xã Trung Sơn, huyện A Lưới tại lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” trong toàn tỉnh vào sáng 25/10/2022 tại huyện A Lưới: “Đây không còn là sự quyết tâm nữa, mà là hành động để thay đổi tư duy mới của đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng cao toàn tỉnh. Thoát nghèo cũng đồng nghĩa với “thoát nghèo” tư duy trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn”.
“Muối Cụ Hồ, áo Cụ Hồ, cuốc, rựa Cụ Hồ” đã trở thành biểu tượng cao đẹp về sự quan tâm sâu sắc, tình cảm thiêng liêng sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào trong những năm kháng chiến, Ai đã từng đi qua chiến tranh, từng sống cảnh đói cơm, nhạt muối... mới thấu hiểu đồng bào trân trọng biết nhường nào những món quà của Bác dành tặng. Đồng bào các dân tộc dù ở miền ngược hay miền xuôi, nguyện sắt son một lòng đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn.
Bài, ảnh: Anh Phong