Hôm sau, tôi đã viết xong một tờ báo tường của đơn vị mà suốt mấy ngày trước đó, tôi không sao hoàn thành nổi. Bài thơ mộc mạc và giản dị như chính tình cảm của tôi với quê hương và với người cậu họ mà tôi đã nghe tên từ lâu, nhưng chưa hề gặp mặt.
Bài thơ giản dị như sau:
Lắng nghe thơ cậu trên đài/ Nước non nghìn dặm, tháng ngày nhớ quê / Nao nao dợm bước mong về / Cậu ơi! Nắng ủ hương chè Phù Lai / Giọt lòng đắng đợi ngày mai / Giọt thương trĩu nặng đêm dài ngát thơm / Giữa trời ngùn ngụt lửa bom / Tình quê vẫn đọi chè thơm xanh đầy / Cháu ôm súng gác đất này / Nghe thơ cậu, súng trong tay chẳng rời / Bao đồng đội, bấy nhiêu người / Một lòng quyết thắng, một lời tin yêu.
Đây là loại thơ báo tường, vì vậy tôi chẳng mong gì bài thơ, nỗi nhớ quê hương của mình đến được người cậu chức trọng quyền cao và quá đỗi xa xôi. Nào ngờ sau đó mấy hôm, có một đồng chí trợ lý tuyên huấn ở trên về thăm đơn vị. Anh đọc bài thơ rồi gật gù: Được! Sau đó, anh chép bài thơ vào sổ tay rồi mang đi.
Hai năm sau ngày thống nhất đất nước, tôi quyết định gặp ông, nhân dịp Viện trưởng Viện Quân y 268-Quân khu Bốn cử tôi ra Hà Nội học lớp chuyên khoa da liễu do Cục Quân y tổ chức tại Viện Quân y (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội) 108. Niềm vui sau bao năm mong đợi có xen lẫn một chút tự hào về người cậu nổi tiếng của mình, khiến tôi mắc phải nhiều sai lầm mà một người trải việc đời ắt không thể mắc! Đầu tiên là tôi đã không giữ kín quyết định tìm gặp ông.
Nói thật lòng, tôi cũng đang mong ở ông một điều không thuộc về quyền lợi được thăng chức vụ hay quân hàm hoặc được sắp xếp công tác ở một vị trí thuận lợi, ít hiểm nguy... mà điều mong ước thuộc về danh dự: sau nhiều năm phấn đấu, trong đó có hơn 7 năm ở chiến trường, lập được nhiều thành tích, nhưng tôi vẫn chưa được kết nạp vào Đảng. Lý do khá đơn giản: tổ chức chưa thẩm tra được lý lịch của tôi và chưa thật tin tôi là “con nhà cách mạng nòi”.
Họ không biết mẹ tôi, một cơ sở cách mạng, cũng như nhiều bà mẹ khác ở miền Nam, phải chịu nhiều phen bị tra tấn, tù đày, o ép, ve vãn, dụ dỗ, gài bẫy, gây khó dễ trong cuộc sống... nhưng vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng và giữ trọn lòng chung thủy với người chồng tập kết ra Bắc từ năm 1954, bất chấp mọi hiểm nguy gian khổ nuôi các con khôn lớn, ăn học đàng hoàng và truyền cho các con niềm tin vào Đảng và sự nghiệp cách mạng, lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi chỉ mong nhân dịp này, cậu tôi lấy uy tín của mình để bảo đảm cho tôi về mặt lý lịch, tạo điều kiện cho tôi được gia nhập Đảng. Tôi không thấy có điều gì sai trái trong lời nhờ cậy này cả. Đây chính là sai lầm thứ hai của tôi vì đã không hiểu cậu mình.
Khi nghe tôi trình bày xong ý nguyện, cậu tôi im lặng gật đầu rồi hỏi nhẹ nhàng:
- Mẹ con dạo này có khỏe không?
- Dạ khỏe - Tôi đáp hơi gượng gạo vì thấy ông không trả lời thẳng mong muốn của tôi.
- Cậu nhớ mẹ con lắm! Ông thủng thẳng nói, ngày xưa cậu và cậu Năm (tên người em trai út của mẹ tôi) hay bị mẹ con quất roi vào đít.
Trời ạ! Không biết ngày xưa có chuyện đó không và ông có thấy đau không khi bị quất roi vào đít, nhưng khi ông vừa nói xong, tôi thấy... đau hơn roi quất! Tôi dự cảm ông muốn nói gì. Định cáo từ ra về, nhưng sợ vô lễ, tôi ráng ngồi lại nghe ông nói tiếp:
- Mẹ con thật là một người phụ nữ kỳ lạ - Ông vẫn thủng thẳng nói- bà ấy đánh cậu và cậu Năm vì tội “ỷ thế con ông cháu cha nên lười biếng học hành, dựa dẫm”...
“Hỏng rồi!”, tôi thầm kêu trong lòng. Ông lại nói, lần này nhanh và rõ hơn:
- Cháu biết cậu tham gia cách mạng năm nào không?
- Dạ biết. Và tôi đọc luôn bài thơ Từ ấy.
Nghe tôi đọc xong, cậu tôi hơi mỉm cười. Chợt mắt ông như có ngấn lệ. Ông hắng giọng, rồi ngâm khe khẽ một đoạn thơ mà tôi đã thuộc lòng từ lâu:
Con lớn lên, con làm cách mạng
Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt khi con chưa biết gì
Một cảm giác thẹn thùng xâm chiếm lòng tôi. Tôi biết ông muốn nói gì với tôi sau khổ thơ ấy. Tôi gắng gượng chờ nghe tiếp một câu nói của nhà tuyên huấn, đại loại: Vật chất tự thân vận động... Dường như sợ tôi quá ngượng sẽ có điều không hay sau này, ông trầm giọng nói với tôi:
- Đời cậu trưởng thành được như ngày nay là nhờ ở hai điều căn bản. Một là: Luôn luôn cố gắng vượt lên chính mình, vượt qua hoàn cảnh để giữ vững chính mình, lý tưởng đời mình, không được phép yếu hèn. Hai là: May mắn có sự dìu dắt giúp đỡ của những người cách mạng tiền bối. Ngừng một lát, ông nói tiếp: Ráng lên con! (ông không gọi tôi là cháu nữa). Gái có công, chồng chẳng phụ. Khi nào được kết nạp vào Đảng, nhớ báo tin cho cậu mừng.
Trước tình thế ấy, tôi không còn cách nào khác hơn là “dạ!”, rồi từ biệt ông ra về.
Ba năm sau, 1979, khi đất nước vừa kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tôi được kết nạp vào Đảng, thành quả của mười một năm ròng rã kiên trì phấn đấu không mệt mỏi. Sau đó, tôi được chọn đi ôn tập văn hóa, luyện thi đại học, học lên bác sĩ, thạc sĩ sau này...
Giờ đây, tôi có thể bình thản đứng trước ông báo tin vui: “Cháu đã là đồng chí của cậu!” mà không thẹn với lòng mình, chỉ chịu ơn ông một lời dạy làm người lòng dạ thẳng, lưng gối ngay, đôi tay sạch.
Mỗi khi trở trời, vết thương nhỏ còn sót mảnh bom nhỏ nơi ngực trái sát buồng tim lại đau nhức, tôi bỗng thấy rất rõ tấm thẻ Đảng viên của tôi không hề là vật vô tri. Tôi lại nhớ đến hai câu cuối trong bài thơ “Bài ca mùa xuân” 1961 của ông:
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay.
Phạm Xuân Phụng