ClockThứ Tư, 29/04/2020 13:15

Ký ức không phai

TTH - Khoảng sân nhỏ trước nhà ông Nguyễn Đình Huy (Thủy Phương - TX. Hương Thủy) trồng toàn hoa lan bỗng dưng “lạc” vào 2 gốc sim, lại ở vị trí dễ thấy nhất. Hỏi lý do, ông bảo trồng để nhớ Trường Sơn, nhớ những tháng năm Côn Đảo và những người đã ngã xuống ở trận chiến ấp Tư - xã Mỹ Thủy trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ký ức ngày vềKý ức tháng 3

Tại lễ đón nhận bằng công nhận Đền thờ 27 liệt sĩ là Di tích lịch sử cách mạng lưu niệm sự kiện cấp tỉnh

Tình quân-dân cá nước

Năm 1965, ông Nguyễn Đình Huy (nguyên Chánh án TAND TX. Hương Thủy) là cán bộ tổng hợp văn phòng Huyện ủy, có nhiệm vụ vận động hậu cần, tải thương, tiếp đạn và kết nối thông tin giữa bộ đội địa phương, dân quân du kích…với Quân khu Trị Thiên nhằm chuẩn bị cho trận đánh Chi khu quân sự quận Hương Thủy, để rồi tiếp đó đã diễn ra trận chiến ấp Tư – Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương – TX. Hương Thủy).

Đêm 6/1/1965, Đại đội trưởng Võ Đại An chỉ huy Đại đội 3, Tiểu đoàn 802 thuộc Quân khu Trị Thiên tiến đánh Chi khu quân sự quận Hương Thủy, sau đó rút quân lên ấp Tư, đồng thời tổ chức mai phục phòng ngừa quân địch phản kích. Đúng như dự đoán, sáng hôm sau (7/1), khi địch tiến vào ấp Tư thì ngay lập tức chúng rơi vào trận địa do quân ta bày sẵn.

Chiều 7/1, hai tiểu đoàn bộ binh cùng xe tăng, thiết giáp, máy bay yểm trợ của địch tiến vào Mỹ Thủy từ 2 hướng Dạ Lê và Thanh Lam để phản kích. Chúng đi đến đâu cũng đều vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân ta và chịu tổn thương nghiêm trọng.

“Để bảo toàn lực lượng, các trung đội 2, 3, 4 bí mật rút lui theo lệnh của chỉ huy và chỉ để Trung đội 1 ở lại cầm chân địch, lấy khu vực đồi Hố Tràm cuối ấp Tư làm điểm chốt chặn. Dù trong tay chỉ có AK, K50, CKC và một ít lựu đạn, nhưng các chiến sĩ của Trung đội 1 đã đánh bật hàng loạt cuộc tấn công của địch, buộc chúng phải dùng xe tăng hòng đẩy lùi phòng tuyến của quân ta”, ông Huy hồi tưởng.

Trong thế bị bao vây, lại hạn chế về lực lượng và vũ khí, quân địch liên tục kêu gọi đầu hàng, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1 vẫn lựa chọn chiến đấu đến viên đạn và giọt máu cuối cùng.

Cảm phục trước tấm gương anh dũng của 27 cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1, dù địch tiến hành khủng bố, đàn áp hết sức dã man nhưng người dân vẫn đưa thi thể các anh về an táng, sau đó lập miếu thờ chung cách vị trí diễn ra trận đánh khoảng 300m (nay là đường Giáp Hải, thuộc tổ 9, phường Thủy Phương). Và đến nay, ngôi đền mới thờ các anh ngay trên đồi Hói Tràm (nơi 27 liệt sĩ hy sinh) đã được công nhận Di tích Lịch sử cách mạng lưu niệm sự kiện cấp tỉnh.

Quả cảm

Trong quá trình hoạt động, ông Huy trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ, trong đó có trận Xuân Mậu Thân năm 1968.

Năm 1969, trong một lần cùng 4 bộ đội địa phương và du kích tham gia phục kích một nhóm quân của Trung đoàn 54 ngụy thường đi càn ở Nam Dương, Trung Chánh (Phú Hồ - Phú Vang) thì bị máy bay địch phát hiện. Sau khi chống trả, 2 đồng đội của ông hy sinh, riêng ông Huy bị bắn gãy chân, mất máu và bất tỉnh rồi bị địch bắt làm tù binh, đưa về Mang Cá tra tấn, thẩm vấn. Khi đó, ông Huy là Bí thư Huyện đoàn Hương Thủy.

Không moi được thông tin, đến tháng 5/1969, địch đưa ông Huy lần lượt giam ở Sơn Trà (Đà Nẵng), Lao Thừa Phủ (Thừa Thiên Huế). Đến năm 1972, quân địch chuyển tù binh ở Lao Thừa Phủ, trong đó có ông Huy cùng khoảng 30 đồng đội ra Côn Đảo. Trên tàu ra Côn Đảo, ông Huy và các đồng đội đã bắt được liên lạc với Đảng ủy Côn Sơn, nhất trí biểu tình chống chào cờ Việt Nam Cộng hòa, chống khổ sai, chuồng cọp…

“Khi tàu vừa cập Côn Đảo, chúng đàn áp liên tục 7 ngày. Đánh đập, dụ dỗ không được, chúng chuyển chúng tôi về trại 8 khu B (nơi giam tù chính trị) và tiếp tục tra tấn, giam đói. Sau một thời gian, quân địch tiếp tục chuyển tù binh chính trị từ Phú Quốc đến Côn Đảo và cũng giam ở khu B, nhưng ở trại 6. Chứng kiến đồng đội ở trại 6 bị tra tấn dã man, nhóm tù chính trị ở khu với ông Huy đã dùng loa tay, loa giấy ngày đêm đấu tranh. Tiếng đấu tranh của tù binh không bao giờ ngơi trên đảo”, ông Huy kể.

“Trong thời điểm đấu tranh, có một lần thương nhân Nhật Bản đến mua dừa tại đây nghe được. Thế là sau đó, thông tin tù binh ở Côn Đảo bị đàn áp, đối xử dã man nhưng vẫn kiên quyết đấu tranh lan truyền ra ngoài. Trước áp lực của công luận, cuối cùng, quân địch phải nhượng bộ”, ông Huy nói.

“Tinh thần đoàn kết, kiên cường trong đấu tranh đã giúp chúng tôi chiến thắng, dù rằng để có được thắng lợi này, trại 6 hy sinh 17 đồng chí, còn trại 8 chúng tôi hy sinh 7 đồng chí”, ông Huy nhớ lại.

Chiến tranh đã lùi xa, tuy nhiên, tinh thần quả cảm, kiên cường, tình dân - quân cá nước chính là sức mạnh, là bài học để thế hệ ngày nay tiếp nối và hành động cùng khát vọng tự cường dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu

Hồ Văn Phúc, trú tại thôn A Đâng, xã Hồng Thái (A Lưới) và Nguyễn Hùng, trú tại thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu (Phong Điền) là hai trong nhiều gương điển hình cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu
Cựu chiến binh trên mặt trận mới

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội Doanh nhân – Chủ trang trại (DN – CTT) CCB tỉnh là điểm tựa, đồng hành cùng ước mơ vượt khó, thoát nghèo của nhiều cựu chiến binh (CCB).

Cựu chiến binh trên mặt trận mới
Return to top