ClockThứ Sáu, 19/10/2018 06:43

Lần đầu tiên Quốc hội xem xét bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước

Chiều 18/10, chủ trì cuộc họp báo thông tin về chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước…

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (dự kiến khai mạc ngày 22/10, bế mạc ngày 21/11 với 24 ngày làm việc) vừa là kỳ họp cuối năm cũng là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên có nhiều vấn đề cần xem xét.

Quốc hội dành thời gian cho xây dựng pháp luật là 9,5 ngày, dự kiến thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án luật khác.

Hoạt động giám sát chuyên đề và quyết định các vấn đề quan trọng chiếm thời lượng 10 ngày.

Công tác nhân sự có thời lượng khoảng 1,5 ngày. Cụ thể, ông Hạnh Phúc cho biết, công tác nhân sự được tiến hành ngay từ ngày đầu của kỳ họp với việc Quốc hội nghe tờ trình giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Sau khi bầu xong (1 ngày sau đó), Chủ tịch nước sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức.

Liền sau đó, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn và bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông mới.

“Đây là lần đầu tiên Ban chấp hành TƯ Đảng giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước” – Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Về khả năng Chủ tịch nước sẽ chủ trì họp báo theo thông lệ, sau khi nhậm chức, ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, tới nay, có hai lần các Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo sau khi được bầu để thông tin về chương trình hành động của mình. Văn phòng Quốc hội sẽ trao đổi về việc này, còn có tổ chức họp báo hay không là quyền của Chủ tịch nước.

Đại biểu Quốc hội không liên hoan, gặp gỡ bộ, ngành trong kỳ họp

Do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề cập việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Trừ 2 đối tượng Chủ tịch nước và Bộ Trưởng Thông tin và Truyền thông không được lấy phiếu kỳ này vì chưa đủ thời gian đảm nhiệm chức vụ theo quy định, danh sách các chức danh được lấy phiếu là 48 người.

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có lời nhắc nhở, yêu cầu các đại biểu không tham gia liên hoan, gặp gỡ các Bộ, ngành. Điều này, theo ông Phúc là thể hiện hiện sự quyết tâm nêu gương theo quy định cán bộ, Đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương.

“Khi đang họp mà dự tiệc tùng, liên hoan, gặp gỡ thì rất phản cảm. Việc này làm vào thời điểm lấy phiếu thì càng phù hợp” – ông Hạnh Phúc nhận định.

Ông cũng giải thích thêm, lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội là cho cả kỳ họp chứ không chỉ cho đến khi hết phiên lấy phiếu tín nhiệm là xong.

Còn lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành trước phiên chất vấn tại kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội giải thích, vì phiên chất vấn thường chỉ chất vấn một số thành viên Chính phủ được đề cập trong các Nghị quyết chuyên đề về chất vấn của Quốc hội. Nhìn vào phiên chất vấn để đánh giá, so sánh giữa các thành viên Chính phủ như vậy sẽ không đảm bảo công bằng. Vậy nên, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trước phiên chất vấn là để đảm bảo sự công bằng trong đánh giá giữa các chức danh được lấy phiếu.

Ông Phúc phân tích: “Việc lấy phiếu tín nhiệm tại thời điểm này có căn cứ là từ sự đánh giá suốt 3 năm qua rồi, cán bộ lãnh đạo ai thế nào cũng đủ bộc lộ rồi. Báo cáo của từng người được lấy phiếu cũng đã được gửi sớm tới các đại biểu để nghiên cứu cho kỹ lưỡng”.

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ngoài công tác xây dựng luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét nhiều báo cáo về kinh tế xã hội, ngân sách như báo cáo về kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2022).

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu kỳ họp đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà thông qua các nghị quyết liên quan đầu tư công

Ngày 9/11, HĐND thị xã Hương Trà khoá VII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 7 nhằm xem xét, thảo luận và quyết định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND thị xã nhiệm kỳ 2021-2026 bầu và bàn một số nội dung quan trọng liên quan đến đầu tư công.

Hương Trà thông qua các nghị quyết liên quan đầu tư công
Ngày 24/10, Quốc hội bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Ngày 24 10, Quốc hội bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn
Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Bảo đảm kế thừa, thống nhất trong các văn bản lấy phiếu tín nhiệm

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Bảo đảm kế thừa, thống nhất trong các văn bản lấy phiếu tín nhiệm
Return to top