ClockThứ Bảy, 29/08/2015 00:20

Làng của những anh hùng

TTH - “Trong những năm kháng chiến, làng Ra Lóoc (nay là thôn Lê Lộc 1, Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) sản sinh ra những anh hùng như Hồ Đức Vai, Kăn Lịch, Hồ A Nun. Khi chiến tranh qua đi, những anh hùng đó vẫn còn mãi trong lòng của mỗi người dân bản làng. Và, người dân Ra Lóoc hôm nay một lòng theo Đảng viết tiếp bản hùng ca chiến thắng”, già làng thôn Lê Lộc 2- Hoàng Xuân Tình (78 tuổi) chia sẻ.

Anh hùng trong ký ức của dân

Bên chén nước ấm của những ngày thu lịch sử, già Tình bảo, xã Hồng Bắc ngày trước chỉ có 2 thôn là Lê Ninh và Lê Lộc (làng Ra Lóoc). Sau khi nhập 2 thôn của xã Hồng Nam và chia thôn Lê Lộc thành Lê Lộc 1 và Lê Lộc 2 thì toàn xã hiện có 5 thôn. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, làng Ra Lóoc bốn bề là cây rừng rậm rạp, âm u, nằm tựa lưng vào những sườn đồi như một thung lung hoang vắng. Có lẽ, bởi địa thế đó mà nơi đây sản sinh ra những anh hùng tài trí với lòng căm thù giặc sục sôi.

Những con đường bê tông ở Hồng Bắc trải dài hun hút

Về Ra Lóoc hôm nay, nhắc chuyện những anh hùng đánh Mỹ còn chưa xưa cũ, nó vẫn hiển hiện như vừa mới hôm qua. Già Tình kể: “Người ở làng Ra Lóoc ai cũng tự hào vì vùng đất này là nguồn cội của những anh hùng làm đế quốc Mỹ khiếp đảm. Từ già đến trẻ, những cái tên, Hồ Vai, Kăn Lịch, Hồ A Nun luôn hằn sâu trong tâm trí của mỗi người”. Để minh chứng, già Tình gọi A Li Pu Pun (một học sinh) đến hỏi chuyện. Lúc đầu, Pu Pun ngần ngại, nhưng sau một hồi trò chuyện cậu bé kể vanh vách: Nữ Anh hùng Kăn Lịch một mình bắn rơi máy bay và giết hàng trăm tên địch; Anh hùng Hồ A Nun là người chuyên gùi vũ khí để đánh giặc Mỹ. Còn ông Hồ Vai là chú của Kăn Lịch và Hồ A Nun.

Chiến công của những anh hùng thời đánh Mỹ vẫn được kể bên bếp lửa bập bùng, vẫn say nồng bên chén rượu của rừng, tại những buổi sinh hoạt ở ngôi nhà văn hóa cộng đồng của người dân thôn bản. “Chiến công của các anh hùng được người già truyền cho người trẻ, cha truyền cho con, chú truyền cho cháu như một cách mà thế hệ trước giáo dục thế hệ sau, để nguồn máu anh hùng đó thấm chảy trong mỗi con người Ra Lóoc”, già Tình tâm sự. Hay như cách “truyền lửa” lịch sử của chính quyền xã Hồng Bắc. “Vào mỗi dịp lễ tết, chính quyền xã thường mời những người già, am hiểu lịch sử đến để kể cho con em trong xã nghe chiến công của các anh hùng. Tại các buổi sinh hoạt của thôn bản, chi đoàn, chúng tôi luôn lồng ghép chủ đề về cách mạng để tuyên truyền đến với mọi người dân. Ở các trường học treo ảnh của những anh hùng để thế hệ trẻ nhớ về nguồn cội”, ông Lê Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc cho biết.

Những mầm xanh đã nhú

Dạo quanh một vòng xã Hồng Bắc nói chung và làng Ra Lóoc nói riêng, ấn tượng của chúng tôi là những con đường bê tông trải dài hun hút; những ngôi nhà bên mảnh vườn xanh mơn mởn. Đời sống của bà con nơi đây giờ đã thay đổi nhiều, không còn những hủ tục xưa cũ. Chúng tôi dừng dân ở ngôi nhà nhỏ có mảnh vườn rộng thênh cạnh con đường làng sạch bóng tinh tươm, hỏi về cuộc sống, chủ ngôi nhà - anh Nguyễn Văn Lát (30 tuổi, thôn Lê Lộc 2) xởi lởi: “Không như trước, hiện nay đời sống bà con ai cũng ổn định. Bà con biết trồng lúa để no cái bụng; nuôi con dê, con bò, trồng cây ăn quả, trồng rừng để tăng thêm thu nhập. Con cái cũng không bị thất học như trước, ai cũng muốn cho con đến trường”.

Nói về làng Ra Lóoc hôm nay, già Tình phấn khởi khoe: “Người Ra Lóoc tự hào vì là nguồn cội của những anh hùng. Chính vì thế, bà con cố gắng làm ăn. Sau khi có thủy lợi, người dân bỏ dần cảnh du canh du cư, tập trung làm ruộng và có nhiều cây quả được bán ra để tăng thêm thu nhập. Chăn nuôi cũng phát triển nhiều. Nhà nước tạo điều kiện để sản xuất tại chỗ nên có nhiều gia đình làm kinh tế giỏi như, gia đình anh Hồ Viết Lợi, gia đình chị Lương... Trên những cánh rừng, người dân không chỉ biết trồng cây keo, mây để nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cùng nhau để bảo vệ rừng. Người dân luôn đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với nhau, có nhiều trường hợp hiến đất làm đường. Ngoài ra, vào thứ 7, chủ nhật, bà con tập trung dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Tới đây, làng chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn văn hóa lần thứ 2”.

“Toàn thôn có 127 hộ dân, chủ yếu làm nông nghiệp. So với các thôn khác thì thôn tui phát triển hơn. Đường sá thông thoáng, 100 % người dân sử dụng nước sạch, điện sinh hoạt. Trường học đầy đủ, trạm y tế cũng được đầu tư. Đời sống bà con ngày một được nâng cao”, ông Trần Văn Nhương, Trưởng thôn Lê Lộc 2 cho biết thêm.

Rời làng Ra Lóoc lúc chập choạng tối, đọng lại trong chúng tôi là câu nói của già Tình trước lúc chia tay: “Là làng của những anh hùng nên bà con ai cũng phải phát huy tinh thần cách mạng. Trong thời chiến, họ đã làm được như rứa nên trong thời bình mình phải biết gìn giữ và phát huy tinh thần đó”.

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng Điền huy động hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Chiều 22/11, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo lần 1, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Điền khóa XIV, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Quảng Điền huy động hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng

Ngày 22/11, UBND tỉnh tổ chức diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2024. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số bền vững tại địa phương.

Diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Return to top