ClockThứ Ba, 06/07/2021 14:00

Lặng thầm vất vả, lặng thầm yêu thương

TTH - Ngược dốc, ngược đèo, ngược nắng, ngược mưa để trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã xa xôi huyện miền núi A Lưới là những chuyến đi vô cùng vất vả, đong đầy trách nhiệm và tình thương của những trợ giúp viên pháp lý (Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, Sở Tư pháp).

Dân vận - tác phong và uy tínNgười đưa pháp luật vào cuộc sống

Tư vấn chính sách pháp luật cho người dân A Lưới (Ảnh chụp trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4)

Cuộc hẹn làm việc của tôi với chị Nguyễn Thị Sương, trợ giúp viên pháp lý, Chánh văn phòng Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh chậm lại, bởi cuộc điện thoại khá dài. Chị Sương vừa nói chuyện với nữ đương sự ở xã Hồng Vân, là bị đơn trong vụ án hôn nhân & gia đình, dặn dò ngày mai tạm thời không lên nương, rẫy, để đến Tòa án Nhân dân (TAND) huyện A Lưới, có mặt tại buổi hòa giải.

Chị Sương tâm sự: “Ngày mai tôi cũng khởi hành lên A Lưới bằng xe máy từ lúc tờ mờ sáng. Thân gái dặm trường, nghĩ đến dốc, đèo đã thấy chóng mặt”. Nhưng đằng sau câu nói ấy là nụ cười, như “gạch nối” đầy cảm xúc, nối tiếp câu chuyện của những chuyến đi vô cùng vất vả nhưng đong đầy trách nhiệm và tình thương.

Án hôn nhân & gia đình chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các loại án xảy ra trên địa bàn huyện A Lưới. Do đó, “thân chủ” mà trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, phần lớn là các đương sự (vợ, chồng) hoặc con chưa thành niên của họ. Là người dân tộc thiểu số, nhiều người không biết chữ, nên ý thức pháp luật, chấp hành các quy định còn rất hạn chế, dẫn đến những trở ngại trong quá trình tòa án giải quyết vụ án. Đó là các đương sự thường “quên”, không đến tòa án để được hòa giải hoặc không đến phiên tòa.

Trong vai trò, trách nhiệm của mình, để phối hợp với cơ quan tòa án giải quyết các vụ án đúng hạn luật, thấu tình đạt lý, cũng là để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự, các trợ giúp viên pháp lý đã tốn không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, tâm huyết để giải thích, thuyết phục họ. “Có lần tôi nhận nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người vợ là nguyên đơn trong vụ án hôn nhân & gia đình. Đồng nghiệp của tôi, chị Huỳnh Thị Ngọc Trinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chồng - bị đơn. Đôi vợ chồng này đã ly thân, mỗi người sống một nơi, mà người chồng lại không có điện thoại. Để đảm bảo các đương sự đến buổi hòa giải, chúng tôi phải gọi, nhờ người vợ đến nhà người chồng, để anh này trực tiếp nghe điện thoại từ trợ giúp viên pháp lý, dặn ngày mai tạm nghỉ vào rừng, lên rẫy, để đến trụ sở tòa án. Nhưng ngày hôm sau, mệt phờ bởi “cuốc” xe máy hơn 70 cây số đèo dốc từ thành phố lên A Lưới, chúng tôi càng “mệt” hơn khi người đàn ông đó - bị đơn trong vụ án vẫn không có mặt tại tòa. Vậy là chúng tôi phải nhờ nguyên đơn - người vợ dẫn đường vào tận bản làng xa xôi” - chị Sương nhớ lại.

Sau chặng đường hơn 10 km đồi núi, những trợ giúp viên pháp lý “mướt mồ hôi” khi người đàn ông không có nhà. Mẹ của anh này cho biết con trai mình đang đi chăn bò. Chị Sương và chị Trinh lần theo lời chỉ dẫn, đến khu vực nương rẫy nhưng vẫn không tìm thấy bị đơn. Vậy là các chị phải quay về tìm gặp trưởng thôn trình bày, “nhờ vả”. May mà tầm 10 giờ sáng, người đàn ông đó trở về nhà. Được trưởng thôn thuyết phục, anh ta đồng ý để các trợ giúp viên pháp lý chở đến trụ sở tòa án. Buổi hòa giải thành công, hai bên đương sự thỏa thuận được với nhau về các mối quan hệ tình cảm, con cái, tài sản. Xong việc thì cũng đã trưa đứng bóng. Các trợ giúp viên pháp lý “trợ giúp” luôn bị đơn khoản tiền để ăn cơm trưa và đi xe ôm về nhà.

Đối với những trợ giúp viên pháp lý, thực hiện nhiệm vụ trợ giúp cho đương sự là người dân tộc thiểu số tại các xã xa xôi huyện A Lưới, nỗi vất vả lớn nhất là trở ngại về giao tiếp ngôn ngữ.

Các đương sự hiểu và diễn đạt bằng tiếng Kinh hạn chế, nên các anh, chị phải giải thích thật chậm. Đôi khi một vấn đề đơn giản, nhưng phải mất rất nhiều thời gian, giải thích nhiều lần, các đương sự mới “thông”. Vậy nên nhiều cuộc điện thoại kéo dài vài chục phút, thậm chí gần cả giờ đồng hồ là “chuyện thường ngày”.

Những nữ trợ giúp viên pháp lý còn “cộng” thêm nỗi vất vả đường xa, nhiều dốc lắm đèo, khi lên A Lưới thực hiện các cuộc hòa giải hay tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Chị Trần Thị Hồng Minh, chị Trương Thị Hồng Nhạn chia sẻ, hầu hết các chị em đều bị say xe, mỗi lúc ngồi xe khách là nôn “mật xanh mật vàng”. Một mình chạy xe máy, mùa tạnh ráo còn đỡ, mùa mưa gió vất vả bội phần. Các chị phải xuất phát từ tờ mờ sáng, chạy xe máy trong mưa rét. Đôi khi áo mưa nhiều lớp mà vẫn bị ướt. “Cả nguy hiểm nữa chứ. Vậy nên mỗi lần chúng tôi thực hiện một chuyến đi, bao giờ anh Trương Phan Thụy Dũng, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cũng lo lắng, thường xuyên gọi điện thoại hỏi han, động viên, tiếp thêm tinh thần cho chúng tôi” - những trợ giúp viên pháp lý bộc bạch.

Nhưng nỗi vất vả sẽ là “nhỏ bé”, khi các đương sự là người dân tộc thiểu số vốn “thiệt thòi” vì hạn chế về kiến thức pháp luật, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bằng sự tận tâm của mỗi trợ giúp viên pháp lý. “Có người chồng trẻ bị vợ “đưa” ra tòa ly hôn. Nghiên cứu hồ sơ, biết anh này ham rượu chè, không chăm sóc vợ con. Tuy nhiên nhận thấy mâu thuẫn vợ chồng chưa đến mức trầm trọng, vẫn có thể cứu vãn được một gia đình. Chúng tôi đã phối hợp với tòa án hòa giải, phân tích, thuyết phục. Người chồng nhận ra sai lầm, hứa sẽ thay đổi. Người vợ tha thứ, rút đơn xin ly hôn. Một thời gian sau, qua liên lạc với  người vợ, chúng tôi được biết người chồng thực hiện lời hứa, cuộc sống vợ chồng tốt hơn nhiều. Chúng tôi vui và hạnh phúc vì điều đó” - chị Sương bày tỏ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra

Phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Việc đặt ra những chính sách kịp thời, phù hợp hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách sử dụng người tài Lịch sử và vấn đề đặt ra
Return to top