ClockThứ Tư, 30/10/2013 20:56

Dân vận - tác phong và uy tín

TTH - Dân vận là vận động, thuyết phục, tuyên truyền để người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông thường dân vận là công tác dân vận của các tổ chức dân vận của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị nói chung và cả hệ thống xã hội nói riêng. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu cao nhất của dân vận chính là vì dân.

Những năm qua, công tác dân vận đã thu được những thành tựu lớn lao. Đó là nâng cao mức sống của người dân, mối quan hệ giữa người dân với Đảng được củng cố; nhiều kênh thông tin đại chúng được tăng cường để nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Ban Dân vận các cấp được củng cố, các tổ chức dân vận trong hệ thống chính trị đã có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc thực hiện công tác dân vận.

Bên cạnh những mặt tích cực, thấy rằng công tác dân vận vẫn còn nhiều bất cập. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tâm trạng của người dân còn nhiều băn khoăn, chưa bằng lòng với một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước. Đó là những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà, xa dân của cán bộ trong mối quan hệ hành chính.

Công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh là tất cả cán bộ chính quyền, đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận. Người làm công tác dân vận phải có tác phong quần chúng. Tác phong quần chúng thể hiện ở người cán bộ là phải có lòng tin đối với quần chúng, có mối liên hệ gần gũi với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên thắng lợi trong công tác vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Gần gũi quần chúng thể hiện trong phong cách làm việc với mục đích phục vụ nhân dân. Việc gì có lợi cho dân phải làm hết sức mình, việc nào không phù hợp với quần chúng thì phải bỏ đi hoặc sửa lại; việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Làm việc gì cũng vậy, Bác Hồ căn dặn, trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là có lợi cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho được. Bất cứ việc gì nếu có bàn bạc với người dân, đặt kế hoạch cho thiết thực, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ đạt kết quả cao. Chúng ta đang tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong công tác dân vận hãy nhớ lấy hình ảnh của Người khi thâm nhập vào quần chúng. Đó là hình ảnh bằng cả tấm lòng nhân ái, bằng phong cách thật sự của người cán bộ với nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp và vòng tay mở rộng.

Công tác dân vận trong thời kỳ mới đòi hỏi người cán bộ thể hiện uy tín cá nhân trong công việc. Uy tín được thể hiện bằng tác phong làm việc khoa học và thực tiễn. Làm việc với phong cách “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe”. Bác thường căn dặn, gặp mỗi vấn đề, phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy. Muốn quyết định vấn đề phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng. Có nắm chắc tình hình thì đề ra chính sách mới đúng.

Uy tín của người cán bộ khi làm công tác dân vận còn thể hiện ở lối sống, đạo đức trong sáng. Đó là những cán bộ gần dân, có lối sống giản dị, không tham ô tham nhũng, biết chăm lo cuộc sống cho mọi người. Xin nêu một minh họa về người cán bộ có uy tín ở chi bộ 8 nơi tôi cư trú. Tuổi cận kề bát thập, 3 nhiệm kỳ là bí thư chi bộ tổ dân phố, mỗi việc làm, mỗi lời nói của ông, ai trong khối phố cũng tin và nghe theo. Ông hiểu rất rõ về tình hình đời sống của người dân trong khối phố. Bao nhiêu hộ nghèo, bao nhiêu hoàn cảnh cần giúp đỡ, bao nhiêu cháu học giỏi, bao nhiêu cháu hư hỏng... ông nắm rất kỹ và bàn bạc kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ bằng công tác xã hội hóa trách nhiệm. Mọi phong trào của chi bộ định ra được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trong khối phố tích cực tham gia. Nói và làm như nhau được thể hiện ở ông từ trong gia đình ra ngoài xã hội nên uy tín của ông được người dân thừa nhận.

Uy tín của người cán bộ còn thể hiện ở tác phong làm việc thiết thực, cụ thể. Như vậy, cần nghiêm khắc lên án bệnh hình thức, bệnh thành tích, phê phán lối làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm ít suýt ra nhiều.

Làm công tác dân vận là phải “miệng nói tay làm”. Khi bắt tay vào việc, người cán bộ phải thật sự cùng lao động, chiến đấu, lăn vào cuộc sống của người dân để thực hiện mục đích của công tác dân vận. Do đó, điều tối kỵ khi làm công tác dân vận là nói nhiều mà làm ít, hoặc làm ngược điều mình nói.

Uy tín của người làm công tác dân vận biểu hiện ở tác phong nêu gương. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng để quần chúng noi theo. Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Tác phong nêu gương có sức thuyết phục và hướng dẫn rất lớn.

Trong tình hình mới, trước bộn bề của cuộc sống, công tác dân vận đứng trước nhiều thách thức, chúng ta cần nắm bắt khó khăn để vượt qua thử thách, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI).

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top