Trước đây, trên thẻ BHYT người bệnh đăng ký khám chữa bệnh ở đâu thì chỉ được khám chữa bệnh ở đó; muốn lên tuyến trên hay đi các tỉnh, thành khác thì phải có giấy chuyển tuyến. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, gây phiền hà cho người dân; nhất là những trường hợp đang phải ở xa nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Đã có trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân và y tế cơ sở khi họ muốn chuyển người thân đến tuyến khác để điều trị nội trú. Từ nay, những vướng mắc trên đã được khắc phục, dù không có giấy chuyển tuyến theo trình tự, người bệnh vẫn được coi là điều trị nội trú đúng tuyến…
Đây cũng là động lực thu hút người dân tích cực tham gia BHYT tự nguyện; đồng thời, để các cở sở y tế không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh, nhằm giữ bệnh nhân, góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ ra lo lắng dễ xảy ra tình trạng quá tải, cũng như tình trạng bội chi BHYT ở tuyến trên và các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao.
Thực tế, lâu nay tuy có ràng buộc bởi giấy chuyển tuyến nhưng bệnh nhân vẫn đổ đến các bệnh viện tuyến trên rất lớn, sẵn sàng chịu thiệt khi thanh toán BHYT vì quan điểm, dịch vụ y tế tuyến trên tốt hơn, chất lượng hơn tuyến dưới. Tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên vẫn thường xảy ra; hình ảnh bệnh nhân nằm chung giường, thêm giường phụ, nằm ngoài hành lang… đã không còn xa lạ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là tâm lý của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không yên tâm với điều kiện khám chữa bệnh ở cơ sở, dù thực tế có những bệnh thông thường hoàn toàn có thể đảm bảo thăm khám, điều trị ở tuyến cơ sở, dẫn đến vượt tuyến, quá tải tuyến trên và vượt chi BHYT. Riêng năm 2020, cả nước có hơn 1 triệu lượt bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến; nếu quỹ BHYT chi trả 100% theo quy định mới thì số tiền này sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, với cơ chế mới này không có nghĩa bệnh nhân từ tuyến dưới muốn lên điều trị nội trú ở tuyến trên là được thanh toán 100% BHYT mà phải có sự chỉ định của bác sĩ trong khám sàng lọc ban đầu, có cần thiết phải điều trị nội trú ở tuyến trên hay không. Tại Chỉ thị số 25/CT-BYT ngày 21 - 12 - 2020 của Bộ Y tế về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng đã yêu cầu không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết...
Việc điều trị vượt tuyến khi bệnh chưa đến mức cần thiết không chỉ ảnh hưởng đến nguồn quỹ BHYT và sự tốn kém, khó khăn điều kiện chăm sóc, sinh hoạt của người nhà bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám và chữa bệnh ở các tuyến trên, khi nhân lực và thiết bị y tế chưa đáp ứng đủ một lượng lớn bệnh nhân. Cho nên, ngoài những trường hợp cấp cứu, việc khám, sàng lọc, chỉ định điều trị bước đầu, kết hợp với tuyên truyền vận động là rất quan trọng.
Mặt khác, các bệnh viện ở tuyến dưới phải không ngừng đầu tư nhân lực, vật lực, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh để giữ bệnh nhân; đồng thời, có thể làm vệ tinh của bệnh viện tuyến trên; trong đó, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân chuyển từ tuyến trên về để điều trị, chăm sóc, khi bệnh viện tuyến trên quá tải. Được như vậy, sẽ giảm tải được áp lực cho tuyến trên; đồng thời, khai thác có hiệu quả đội ngũ y tế cũng như cơ sở vật chất của ngành y tế.
Đặng Thành