ClockThứ Tư, 16/09/2015 15:44

Lợi dụng cải tạo hồ cá, khai thác “chui” hàng nghìn m3 đất sét

TTH - Lợi dụng việc cải tạo, nạo vét hồ nuôi cá cho hộ dân, một nhóm người đã sử dụng phương tiện cơ giới vận chuyển hàng nghìn m3 đất sét bán cho một nhà máy sản xuất gạch tuynel trước khi bị cơ quan chức năng phát hiện, đình chỉ. Sự việc trên xảy ra tại thôn Lương Miêu (cũ), xã Dương Hòa, TX Hương Thủy. 

Ông Nguyễn Văn Bi trước hồ cá bị khai thác đất sét nham nhở của mình

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2015, nhiều hộ dân ở xã Dương Hoà hết sức bức xúc khi từng đoàn xe tải rầm rập nối đuôi nhau chở đất sét từ một mỏ đất của thôn Lương Miêu về xuôi. Ngày 11/9, chúng tôi có mặt tại Dương Hòa để ghi nhận sự việc trên và thật sự bất ngờ...

“Con voi chui lọt lỗ kim”
Vị trí được khai thác đất nằm ở khu vực hồ cá của ông Nguyễn Văn Bi - một hộ dân tái định cư (TĐC) bởi dự án hồ Tả Trạch, nhưng ông Bi đã xin quay lại nơi ở cũ lập trang trại. Tại hiện trường, mặc dầu tạm thời dừng khai thác nhưng khu vực hồ cá trên một diện tích rộng lớn bị xới tung, nhiều m3 đất đã được chuyển đi để lại một đại công trường nham nhở, sâu hoắm. Chiếc xe múc vẫn đang được “gửi tạm” tại nhà ông Bi.
Ông Bi cho biết, thực hiện chủ trương của Nhà nước, năm 2004, ông cùng khoảng 60 hộ dân ở khu vực Lương Miêu di dời đến các điểm TĐC trên địa bàn TX Hương Trà và huyện Phú Lộc nhằm thực hiện dự án xây dựng công trình hồ chứa nước Tả Trạch. Khu vực hồ cá nói trên được nhường đất cho chủ đầu tư dự án lấy đất đắp thân đập Tả Trạch theo quyết định của UBND tỉnh. Đến cuối năm 2014, việc xây dựng thân đập hoàn thành, đơn vị thi công chấm dứt khai thác đất tại khu vực này. Ngay sau đó, ông Bi xin UBND xã Dương Hòa cho cải tạo lại diện tích hồ khoảng 7.000m2 để nuôi cá.
Mới đây, ông Bi làm đơn gửi UBND xã Dương Hòa xin làm trang trại kinh tế mô hình VAC trên diện tích 5,1ha; trong đó có việc cải tạo, mở rộng hồ cá do bị bồi lấp. Theo lời ông Bi, khi biết thông tin này, cuối tháng 8/2015, một phụ nữ đến thỏa thuận giúp ông nạo vét hồ để lấy đất sét mà không cần phải trả tiền thuê xe múc. “Việc cải tạo hồ cần hàng chục triệu đồng nên nghe họ nói vậy tui đồng ý ngay. Nhưng tui có nói đất này của Nhà nước, không phải của hộ gia đình nên múc đất đưa đi đâu phải xin phép chính quyền địa phương. Không biết họ có xin phép hay không nhưng chỉ mấy hôm sau, họ đến đưa vợ tui 5 triệu đồng để chặt hạ một khoảnh rừng keo nhằm làm đường đưa xe múc và xe tải đến khai thác đất. Hoạt động khai thác đất trong nhiều ngày đã làm khu vực này trở nên tan hoang, hồ cá của tui nay thành hố lớn sâu hoắm và khó có thể làm được hồ nuôi cá như trước...”, ông Bi cho biết.
Theo phản ánh của người dân địa phương, hoạt động khai thác đất sét trái phép diễn ra rầm rộ nhưng lực lượng chức năng lại thiếu sự kiểm soát. Ghi nhận tại hiện trường, để vào được khu vực khai thác chỉ có một đường duy nhất đi qua trước mặt trụ sở UBND xã Dương Hòa và Ban Quản lý dự án hồ Tả Trạch, có một gác chắn. Một người dân trú tại thôn Khe Sòng cho biết, hoạt động khai thác đất tại khu vực lòng hồ Tả Trạch bắt đầu từ cuối tháng 8 (trừ những ngày mưa không khai thác), mỗi ngày trung bình có hàng chục lượt xe ben, xe tải chạy từ sáng đến tối để đưa đất từ khu vực lòng hồ về bán cho một nhà máy sản xuất gạch tuynel đóng trên địa bàn TX Hương Thủy. Cũng theo người này, chuyển về nơi ở mới đất đai sản xuất hạn chế nên bà con đều có nhu cầu quay trở lại nơi ở cũ để kiếm đất trồng rừng hoặc làm trang trại, nuôi cá. Tuy nhiên, việc khai thác đất gây khó khăn cho người dân nếu muốn cải tạo để sản xuất.  
Có hay không sự làm ngơ?  
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho biết: “UBND xã luôn tạo điều kiện cho người dân trở lại lập trang trại sau khi được Ban Quản lý dự án hồ Tả Trạch bàn giao lại đất và có quy hoạch mới của TX Hương Thủy. Việc khai thác đất xảy ra trong ngày nghỉ, ngày lễ nên sau khi phát hiện chúng tôi phối hợp với Ban Quản lý dự án hồ Tả Trạch lập biên bản đình chỉ”. Tuy nhiên ông Lộc không biết doanh nghiệp nào đến khai thác đất sét tại lòng hồ Tả Trạch và lấy đi bao nhiêu, bởi khu vực này thuộc quản lý của Ban Quản lý dự án hồ Tả Trạch (?!). Ông Lộc khẳng định, việc khai thác là hoàn toàn trái phép bởi UBND tỉnh không hề cấp mỏ đất tại khu vực này. Đồng thời cho biết, sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý dự án hồ Tả Trạch không cho vào khai thác đất trái phép. 
Trong khi đó, ông Huỳnh Hiệp, Phó trưởng Ban Quản lý dự án hồTả Trạch thông tin, sau khi hoàn thành việc lấy đất đắp đập Tả Trạch, dự kiến cuối tháng 10/2015, Ban Quản lý dự án hồ Tả Trạch sẽ bàn giao lại đất đai ở khu vực thôn Lương Miêu để UBND xã Dương Hòa quản lý. “Trong lúc chưa bàn giao thì xảy ra tình trạng lợi dụng việc cải tạo hồ cá để khai thác đất sét. Nhận được thông tin phản ánh, đơn vị đã phối hợp với xã và Công an TX Hương Thủy tổ chức kiểm tra, đình chỉ hoạt động” - ông Hiệp cho biết và khẳng định số lượng đã khai thác khoảng… 3.000m3 đất sét.
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại hiện trường và thông tin từ người dân địa phương thì có thể số lượng đất sét đã được khai thác ở lòng hồ Tả Trạch đưa đi tiêu thụ lớn gấp nhiều lần so với con số của Ban Quản lý dự án hồ Tả Trạch đưa ra. Và điều đáng nói, đến sáng 12/9, ông Bi cho biết vẫn còn tình trạng xe múc, xe ben đến khai thác đất trái phép ở khu vực này nhưng cơ quan chức năng lại không có động thái xử lý triệt để.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là kết tinh của nhiều yếu tố, là thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam mà đỉnh cao là quán triệt, vận dụng sáng tạo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong đó, “dĩ bất biến” là tư tưởng chỉ đạo “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị; còn “ứng vạn biến” là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đó là một quyết định hết sức khó khăn nhưng đúng đắn, sáng tạo, dựa trên tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, phù hợp với diễn biến chiến trường của Tổng Quân ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch mà đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
“Cầu nối” giữa Đảng và Nhân dân

Những người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS) là những tấm gương tiêu biểu, cầu nối giữa Đảng và Nhân dân, nhất là trong các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc.

“Cầu nối” giữa Đảng và Nhân dân
Công bố quyết định thăng quân hàm trước niên hạn

Thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chiều 3/5, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức hội nghị công bố quyết định chuyển nhóm, nâng bậc lương, nâng bậc lương trước thời hạn và thăng quân hàm cho 45 đồng chí quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) năm 2024.

Công bố quyết định thăng quân hàm trước niên hạn
Công bố quyết định về thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy

Chiều 3/5, tại Phú Vang, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ công bố quyết định về thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số14 NQ/TU ngày 17 / 4 / 2020 của Tỉnh ủy về chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Ông Phan Xuân Toàn, UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn kiểm tra tham dự và công bố quyết định.

Công bố quyết định về thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy
Return to top