Chị Nguyễn Thị Hạnh chăm sóc đàn dê từ vốn Ngân hàng CSXH
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Đang mùa nắng nóng nên công việc sản xuất mì sợi khô của gia đình chị Nguyễn Thị Diệu Hồng (thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng) rất khẩn trương. Chị Hồng vui vẻ “khoe” mới được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH thông qua kênh hội phụ nữ. “Bây giờ, những người vay vốn đã hiểu, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH là vốn vay ưu đãi chứ không phải vốn tài trợ. Mình cần tính toán, sử dụng làm sao hiệu quả nhất”- chị Hồng nói.
Cũng với nhận thức như vậy, chị Nguyễn Thị Hạnh (thôn Thanh Tiên, xã Phú Mậu) chăm sóc cẩn thận đàn dê gần 70 con. Tiền vay từ Ngân hàng CSXH thông qua Hội Nông dân xã, vợ chồng chị đã đầu tư thuê ruộng trồng cỏ, đầu tư thêm về chuồng trại.
Ông Nguyễn Văn Giáo, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mậu cho biết: “Đảng ủy chỉ đạo Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ, yêu cầu các bí thư chi bộ, trưởng thôn, ban công tác Mặt trận thôn phải trực tiếp chỉ đạo và giám sát hoạt động tín dụng CSXH, nhất là giám sát từ khâu bình xét cho vay của tổ tiết kiệm và vay vốn”.
Tại các xã Phú Thượng, Phú Lương, Phú Mỹ và toàn bộ 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nguồn vốn tín dụng CSXH đã đến đúng đối tượng; được giám sát chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời, để vốn vay phát huy hiệu quả trên những cánh đồng hoa, nấm rơm, những đàn dê, bò…
Hiệu quả
Theo ông Đào Bá Thuận, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Vang: Trước đó, hoạt động của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH trên địa bàn tuy đã dần đi vào ổn định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn lực. Lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp có quan tâm nhưng chưa phù hợp với yêu cầu khách quan; các tổ chức Mặt trận, đoàn thể còn xem hoạt động tín dụng chính sách là công việc riêng của Ngân hàng CSXH. Khách hàng vay vốn còn tư tưởng vốn vay Ngân hàng CSXH là vốn tài trợ nên xem nhẹ việc trả nợ vay.
Chỉ thị 40 ra đời, đơn vị đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, ngành, hội đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tham mưu cân đối, bố trí một phần ngân sách hàng năm của huyện chuyển sang Ngân hàng CSXH cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng đến từng thôn, xóm, chi bộ Đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Thực hiện Chỉ thị 40, ngoài giảm được nhiều hộ nghèo và cận nghèo, tín dụng chính sách ở huyện Phú Vang đã hỗ trợ cho 28.584 lao động có việc làm; hỗ trợ xây dựng 16.814 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 335 ngôi nhà cho các đối tượng hộ nghèo, 10 nhà ở xã hội và phát triển các ngành nghề khác; góp phần giúp cho 7 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, giúp các xã khác hoàn thành một số tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Huyện Phú Vang đã tiết kiệm các nguồn chi ngân sách, chuyển cho Ngân hàng CSXH huyện số tiền 3.239 triệu đồng, bổ sung nguồn vốn địa phương để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay.
Bài, ảnh: QUỲNH ANH