Mô hình trồng ổi của anh Nguyễn Văn Tiến từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Không có nợ quá hạn
Với mạng lưới gần 106 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phủ kín khắp các thôn, bản tại 9 xã, Ngân hàng CSXH TX. Hương Trà tập trung vào những hoạt động trọng tâm là tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của nhà nước.
Thăm mô hình kinh tế tổng hợp của chị Dương Thị Điệp (thôn Thanh Lương 4, phường Hương Xuân) mới thấy hết hiệu quả từ nguồn vốn vay chính sách trên địa bàn.
Năm 2016-2017, chị Điệp được giải ngân nguồn vốn 60 triệu đồng để đầu tư mua 7 con bò. Sau hai năm thả nuôi, hiện gia đình chị có tổng đàn bò 17 con. Ngoài nuôi bò sinh sản, vợ chồng chị còn nuôi thêm hàng chục heo nái và heo thịt.
“Nhờ có nguồn vay của ngân hàng CSXH nên gia đình tôi đã có số vốn ban đầu để làm ăn. Tính ra mỗi năm thu nhập trên dưới trăm triệu đồng. Mỗi tháng tôi chỉ trả 2 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, vừa phải với các hộ làm nông như chúng tôi. Đến nay, chúng tôi đã trả được 14 triệu đồng trên tổng số 60 triệu đồng được giải ngân”, chị Điệp nói.
Tổ TK&VV thôn Thanh Lương 4 có tổng cộng 37 hộ vay; với mức vay trung bình khoảng 30 triệu đồng/hộ. Chị Nguyễn Thị Tuyết, tổ trưởng tổ TK&VV ở đây cho biết: “Hàng tháng các hộ vay đều nộp tiết kiệm đầy đủ. Thậm chí có những hộ vay, dù chưa đến hạn, nhưng đã tự giác nộp trước hạn. Gần 10 năm liên tiếp, tổ TK&VV thôn Thanh Lương 4 không phát sinh nợ quá hạn”.
Trường hợp sử dụng nguồn vốn vay CSXH hiệu quả khác là mô hình trồng ổi của anh Nguyễn Văn Tiến (Xóm Tháp 6, phường Hương Xuân). Năm 2017, anh Tiến được Ngân hàng CSXH TX. Hương Trà giải ngân số vốn 50 triệu đồng. Anh Tiến đầu tư vườn ổi với diện tích 7 sào và 3 sào gồm mướp đắng, bầu bí và các loại hoa màu khác. Mỗi năm anh thu nhập gần 150 triệu đồng.
Tổ TK&VV thôn Xóm Tháp 6 hiện đang duy trì nguồn vốn vay chính sách cho 26 hộ, với mức vay bình quân từ 30-40 triệu đồng/hộ.
“Bà con vay vốn chủ yếu để trồng trọt và chăn nuôi. Hầu hết đều rất hiệu quả. Liên tục nhiều năm nay, các hộ thanh toán rất đúng kỳ hạn. Bà con thường tìm đến tận nhà để nộp tiền, chứ mình không cần phải đến nơi thu”, chị Lê Thị Kiều Oanh, tổ trưởng tổ TK&VV Xóm Tháp 6, cho biết.
Nhiều chương trình tín dụng hiệu quả
Ông Trương Công Huy, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TX. Hương Trà, thông tin: Tính đến ngày 30/11/2018, tổng nguồn vốn của ngân hàng gần 301,6 tỷ đồng. Tổng dư nợ 296,6 tỷ đồng, tăng hơn 30 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tỷ lệ tăng trưởng 11,3% so với năm trước. So với kế hoạch được giao cả năm 2018, đến nay, đơn vị đã thực hiện cho vay với dư nợ đạt 98,34% kế hoạch.
UBND TX. Hương Trà tiếp tục cân đối một phần ngân sách địa phương, chuyển thêm 200 triệu đồng từ ngân sách để bổ sung vốn cho Ngân hàng CSXH thị xã thực hiện cho vay trên địa bàn. Đến nay, nguồn vốn địa phương cấp thị xã, cấp xã đã chuyển lũy kế đến 31/10/2018 là 949 triệu đồng.
Ông Lê Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Trà cho biết, hiện trên địa bàn thị xã có 16 chương trình vay vốn tín dụng chính sách đang được Ngân hàng CSXH thị xã triển khai. Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo là hiệu quả và thiết thực nhất. UBND thị xã đồng ý chủ trương và đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị cấp xã rà soát, thống kê các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách để chuyển sang bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH thị xã để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, nợ đến hạn và gần đến hạn được theo dõi chi tiết theo từng tổ TK&VV, theo từng phường, xã và được cán bố tín dụng thông báo đôn đốc thường xuyên, ít nhất trước 3 tháng so với thời điểm đến hạn, kể cả thông báo bằng văn bản trực tiếp đến hộ vay, do đó đã không để phát sinh nợ quá hạn trong11 tháng đầu năm 2018.
Công tác kiểm tra đối chiếu được tiếp tục coi trọng, củng cố kiện toàn tổ TK&VV được thường xuyên thực hiện đối với các địa bàn có chất lượng hoạt động tổ chưa cao. Cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể quản lý vốn ủy thác; kiểm tra đối chiếu chọn mẫu đột xuất các trường hợp có dấu hiệu khác thường bên cạnh việc thực hiện đối chiếu phân loại nợ; do đó không để xảy ra tình trạng vốn bị xâm tiêu chiếm dụng, và cũng nhờ đó tình hình thu lãi, thu tiết kiệm và thu nợ gốc tiến triển tốt hơn.
Bài, ảnh: Hà Nguyên