ClockThứ Bảy, 23/05/2020 15:50

Mỗi mùa một festival

TTH - UBND tỉnh đang hoàn thiện xây dựng đề án tổ chức festival bốn mùa nhằm đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động lễ hội, thu hút và mở rộng sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội trong quá trình xây dựng thành phố festival, đồng thời hướng đến tổ chức thường xuyên các hoạt động lễ hội và sự kiện trên địa bàn tỉnh trải đều trong năm nhằm thu hút du khách.

Có gói kích cầu riêng biệt cho Festival Huế 2020Festival Huế 2020: Điểm nhấn quan trọng để kích cầu du lịch

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết:

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh  Phan Ngọc Thọ. Ảnh: PHAN THÀNH

Trải qua 20 năm với 10 kỳ Festival Huế và 7 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, mô hình festival được định hình, trở thành một festival được chú ý trong hệ thống festival trên thế giới. Những thành quả bước đầu là động lực quan trọng để tỉnh xây dựng thành phố festival đặc trưng của Việt Nam. Để làm được điều đó, cần tiếp tục kế thừa thành quả các kỳ festival, khẳng định hướng đi phù hợp và làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội để bốn mùa Huế thực sự là thành phố festival. Qua đó, vừa phát huy được các giá trị di sản văn hóa đặc hữu, vừa tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề án tổ chức festival bốn mùa không nằm ngoài mục đích trên.

Thưa ông, Thừa Thiên Huế là tỉnh khởi đầu tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia và quốc tế, ông có thể nói rõ hơn về những cơ sở đặc trưng văn hóa trong việc xây dựng đề án tổ chức festival 4 mùa và sau 20 năm tổ chức festival tỉnh đã có những kinh nghiệm nào trong thực hiện đề án này?

Thừa Thiên Huế là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa với các hoạt động lễ hội dân gian, tôn giáo và hoạt động cộng đồng phong phú, diễn ra hầu như quanh năm. Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu mới dừng lại là những sự kiện của một cộng đồng cư dân nhất định, trong không gian hạn hẹp, ít phổ biến.

Festival phân bố cả 4 mùa trong năm nhằm thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TB

Qua 20 năm tổ chức festival, một điểm dễ nhận thấy là các kỳ festival được tổ chức trong thời gian rất ngắn, nhưng hầu như tất cả sự phong phú, những gì tinh túy về di sản văn hóa - nghệ thuật, nghệ thuật sống, sinh hoạt cộng đồng, đời sống tâm linh, ngành nghề truyền thống của cư dân bản địa từ cung đình, bác học đến dân gian, truyền thống, từ cổ điển đến đương đại đều cùng góp mặt, phô diễn với du khách thập phương. Điều này minh chứng cho sự phong phú, đa dạng của văn hóa Huế, tạo sức hút tốt cho các kỳ festival, khẳng định vị thế và xây dựng thương hiệu cho Festival Huế.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa được tổ chức đồng thời trong cùng một thời gian của kỳ festival gây không ít khó khăn, thậm chí quá tải trong công tác tổ chức, chưa thuận lợi cho việc thưởng ngoạn của công chúng. Trong khi đó, thời gian còn lại trong năm chưa có nhiều hoạt động thu hút du khách. Thực tế này đòi hỏi cần có kế hoạch nghiên cứu, khai thác một cách toàn diện các tài nguyên văn hóa và cảnh quan, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị riêng có, phân bổ hợp lý trải dài quanh năm, tạo không khí năng động cho thành phố, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch, thu hút du khách. 

Thưa ông, đề án tổ chức festival bốn mùa dựa trên những nguyên tắc nào và có gì nổi bật?

Nguyên tắc chung là dựa trên các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội dân gian, các lễ hội mới du nhập có ý nghĩa cộng đồng trong một khung thời gian hợp lý để xâu chuỗi thành những hoạt động cộng đồng hưởng ứng làm vệ tinh, từ đó phát triển hoặc xây dựng mới một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật chính, làm “xương sống” cho lễ hội của mỗi mùa.

Theo đó, đề án được xây dựng với mục tiêu tổ chức các chuỗi lễ hội, festival phân bố cả 4 mùa trong năm nhằm thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Ông có thể nói về chủ đề và điểm nhấn của mỗi mùa festival?

Đề án xây dựng chuỗi lễ hội cho từng mùa, trên cơ sở kết nối, khai thác thế mạnh các sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian diễn ra quanh năm trên địa bàn tỉnh, làm cho Huế thực sự trở thành thành phố lễ hội với các hoạt động chuyên nghiệp, đa dạng, đa lĩnh vực trải suốt bốn mùa trong năm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách cũng như đời sống văn hóa của cư dân Huế và khai thác thế mạnh các di tích, điểm du lịch, các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn.

Theo đó, mùa xuân sẽ có Festival Dân gian Huế. Đây là giai đoạn có sẵn nhiều sinh hoạt lễ hội truyền thống nhất trong năm, một trong những điểm mạnh cần khai thác để phục vụ du khách tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống dân tộc của địa phương. Cao điểm của chuỗi hoạt động từ lễ hội đền Huyền Trân Công chúa ngày 9 tháng Giêng đến Tết Nguyên tiêu nhằm ngưỡng vọng tiền nhân. Các hoạt động trước festival sẽ diễn ra từ lúc khai hội hoa xuân: hội vật, hội đu tiên, hội đua thuyền… cùng với đó là chuỗi hoạt động ở trung tâm TP. Huế các sân khấu dành cho nghệ thuật dân gian truyền thống; không gian ẩm thực, trưng bày, triển lãm, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Mùa hạ sẽ có Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ). Nội dung chính vẫn lấy Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ) làm trục chủ đạo. Du khách mùa này chủ yếu là khách nội địa, do đó việc giới thiệu các loại hình nghệ thuật tổng hợp trong nước và thế giới (đối với festial năm chẵn) và tôn vinh các làng nghề truyền thống (festival năm lẻ) vẫn là yếu tố tạo nên sự khác biệt của điểm đến để thu hút du khách. Tức là vẫn duy trì tính chất của một festival nghệ thuật quốc tế như lâu nay với các loại hình nghệ thuật kết hợp với các lễ hội đường phố, lễ hội áo dài, lễ hội cung đình và dạ tiệc Hoàng cung…

Mùa thu sẽ có festival Ẩm thực Quốc tế Huế. Lễ hội ẩm thực sẽ lấy lễ Quốc khánh làm thời điểm tổ chức với chủ trương đẩy mạnh quảng bá Huế - Kinh đô ẩm thực. Không gian tổ chức sẽ được chia thành các loại hình và đối tượng khác nhau. Xen kẽ với đó là các hội thi về ẩm thực, chế biến món ăn và chương trình liên hoan các nhóm dân vũ, hip - hop…

Mùa đông có Festival Âm nhạc Huế. Festival Âm nhạc Huế sẽ được tổ chức từ giữa tháng 12 đến Tết Dương lịch với cao điểm từ lễ Giáng sinh đến lễ chào đón năm mới để tạo điểm nhấn. Festival Âm nhạc mùa đông hướng đến xây dựng một lễ hội âm nhạc mang tính quốc tế định kỳ. Tùy vào điều kiện thực tế để tỉnh có thể tổ chức các cuộc thi về âm nhạc mang tính quốc tế tại Huế.

Trên đây là phần “đinh”. Tùy vào từng mùa để Ban tổ chức có thể điều phối và sắp xếp thời gian, không gian, địa điểm, chương trình, nội dung phù hợp nhất nhằm thu hút du khách, kích cầu du lịch.

Nguồn lực cho công tác tổ chức festival được thực hiện thế nào và bao giờ tổ chức festival bốn mùa? 

Festival là hoạt động phi lợi nhuận, tổ chức hoạt động festival không nhằm mục đích kinh doanh nghệ thuật phục vụ giải trí, mà thực chất là hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy thế mạnh về tầm vóc giá trị di sản văn hóa Huế; kích thích sự phát triển các ngành kinh tế, du lịch, dịch vụ; tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Do đó hoạt động festival đang được tỉnh từng bước xã hội hóa theo hướng mở ra nhiều cơ hội để người dân địa phương tham gia tích cực, chủ động với tư cách là chủ thể đầu tư, thực hành và thụ hưởng các thành quả của festival. Cùng với đó, tỉnh kêu gọi nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, người dân, tìm kiếm đối tác xã hội hóa các chương trình, hoạt động tại các kỳ festival.

Festival bốn mùa dự kiến tổ chức vào năm 2022. Tuy nhiên, từ năm 2021, tỉnh sẽ chọn triển khai một vài mùa festival nhằm thử nghiệm mô hình tổ chức, khả năng phối kết hợp, quản lý các hoạt động giữa các đơn vị để có điều chỉnh phù hợp, rút kinh nghiệm khi festival chính thức diễn ra.

Xin cảm ơn ông!

THÁI BÌNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, mùa cao điểm du lịch và tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty, khu nghỉ dưỡng, phòng vé bán combo, vé máy bay du lịch để lừa đảo du khách.

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng
An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Kết nối cộng đồng thông qua phong trào Chủ nhật xanh

Hưởng ứng phong trào Chủ nhật xanh, Chủ nhật vì cộng đồng, ngày 17/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố phối hợp với Ngân hàng Seabank chi nhánh Huế tổ chức hoạt động Kết nối cộng đồng năm 2024.

Kết nối cộng đồng thông qua phong trào Chủ nhật xanh
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Return to top